CẦN ĐIỀU HÀNH LÃI SUẤT CƠ BẢN ĐỂ ĐẢM BẢO CÁC YÊU CẦU PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRONG THỜI GIAN TỚI

11/07/2024

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước có những biến động, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải có chính sách về điều hành lãi suất cơ bản của ngân hàng một cách phù hợp, linh hoạt để đảm bảo các yêu cầu, mục tiêu phát triển kinh tế trong giai đoạn tới.

TĂNG LƯƠNG NHƯNG CẦN CÓ BIỆN PHÁP HIỆU QUẢ KIỂM SOÁT LẠM PHÁT

Phân tích về chính sách tài khóa, tiền tệ và việc điều hành lãi suất ngân hàng, đại biểu Nguyễn Như So – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng cần tiếp tục có chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm hỗ trợ một cách thực chất tiếp sức cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, chúng ta đã chịu áp lực cả hai chính sách tiền tệ và tài khóa, áp lực tỷ giá và vàng trong nước đang ở mức cao, kéo theo duy trì mặt bằng lãi suất thấp trong thời gian là rất khó khăn, các ngân hàng đã rục rịch tăng lãi suất để tạo hấp dẫn cho người gửi tiền. Do vậy, cần tập trung khai thác triệt để tiềm năng của chính sách tài khóa, giúp cho doanh nghiệp tiếp cận một cách nhanh chóng, kịp thời và có sức lan tỏa.

Đại biểu Nguyễn Như So – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Đại biểu phân tích thêm, trong vài năm trở lại đây, chính sách đầu tư công đã được dùng khá nhiều nhưng với thời điểm hiện tại rất khó để đẩy mạnh, các chính sách về thuế tiêu dùng nên được chú trọng nhằm kích cầu tiêu dùng, cần đánh giá lại hiệu quả và tác động chính sách thuế VAT 2% thời gian qua; giảm thêm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp nội địa sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp chế biến, đơn hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số chuyển đổi xanh kinh tế tuần hoàn, tín chỉ carbon và xây dựng nhà xã hội. Chúng ta không sợ nguồn hỗ trợ quá tải đối với các ngân hàng bởi sau hàng loạt những biến cố dồn dập những năm qua, các doanh nghiệp không đủ sức khỏe đã bị loại khỏi thị trường, chỉ có những doanh nghiệp đủ tiềm năng về mặt tài chính lẫn sức mạnh về khoa học công nghệ mới chống chọi được. Do vậy, phải coi những đối tượng này là những viên gạch đặt nền móng cho hạ tầng kinh tế vĩ mô và cần dùng những chính sách hỗ trợ để bảo vệ, duy trì nhằm tạo ra những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, vừa giúp cho luân chuyển hiệu quả dòng tiền của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cũng cần thực hiện chính sách tín dụng và lãi suất thấp, phù hợp, hài hòa điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định giá nguyên liệu nhập khẩu, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm trong nước và giảm áp lực lạm phát tiền tệ đối với nền kinh tế vốn là tập trung thúc đẩy tổng cầu mạnh mẽ, quyết liệt trong bối cảnh mô hình kinh tế chưa có cải thiện về chiều sâu.

Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội 

Cùng bàn về vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội chỉ ra rằng, áp lực về vấn đề lạm phát của năm 2024 là không nhẹ. Có lẽ giai đoạn trước chúng ta thấy áp lực lạm phát bên ngoài, từ bên ngoài vào, nhưng năm 2024 này, áp lực lạm phát lại tới từ bên trong. Ngay trong Quý 1 chỉ số giá tiêu dùng là 3,77% và tháng 4 lại cao hơn là tháng 3. Thường Quý 1 có xu hướng chỉ số giá tiêu dùng tăng, bởi vì Tết và các dịp lễ lễ, nhưng sau đến tháng 3, tháng 4 bắt đầu là giảm xuống, tuy nhiên, tháng 4 năm nay chỉ số này lại cao hơn, đây là một yếu tố thấy rằng chỉ số giá có xu hướng tăng thực sự. Hơn nữa, chúng ta nhìn thấy kinh tế thế giới hiện nay có nhiều biến động, giá dầu trên thế giới cũng không hy vọng là giảm xuống. Và giá dầu thế giới không tăng giảm thì giá dầu đầu vào chúng ta sẽ tiếp tục cao, đó sẽ là yếu tố đẩy.

Đại biểu chỉ rõ, mặc dù chúng ta đặt mục tiêu của năm 2024 là tăng trưởng kinh tế chứ không phải vấn đề liên quan đến lạm phát, nhưng rõ ràng nếu như để tình trạng về tăng giá và lạm phát thì sẽ kéo theo một loạt các hệ lụy khác của nền kinh tế. Cụ thể, hiện nay tiền lãi suất gửi tiết kiệm của người dân vào ngân hàng là thấp hơn chỉ số về tăng giá, chỉ số lạm phát, mà thấp hơn như thế thì rõ ràng người dân sẽ không muốn gửi tiền vào đấy. Người dân phải dùng tiền đấy làm việc khác, đầu tư vào lĩnh vực như vàng hay bất động sản...

Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị cần phải xem chính sách về điều hành lãi suất của ngân hàng một cách phù hợp và linh hoạt. Đại biểu chỉ ra thực tế rằng, ngân hàng cần phải giảm lãi suất cho vay nhưng phải cân nhắc có nên giảm đến mức lãi suất huy động quá thấp như thế để chúng ta không huy động được vốn của nền kinh tế hay không? Lãi suất cho vay phải xác định ở một mức hợp lý và lãi suất huy động phải trên mức chúng ta dự báo về lạm phát. Đại biểu cho rằng huy động phải từ năm 6% chúng ta mới có thể duy trì được. Lãi suất huy động khoảng 6% thì lãi suất cho vay phải đến khoảng 8%. Mức lãi suất này không phải là vấn đề khó với doanh nghiệp và vấn đề nằm ở chỗ doanh nghiệp có tiếp cận được không, doanh nghiệp có khả năng hấp thụ được không chứ không phải vấn đề hạ lãi suất của doanh nghiệp. Hơn nữa hiện nay lãi suất USD của một số nước, ví dụ như của Mỹ đã giữ đến 4% - 5% và không cẩn trọng chúng ta duy trì giá trong nước quá thấp thì sẽ bắt đầu có hiện tượng người ta có thể chuyển tiền việt thành USD, chuyển ra nước ngoài để gửi lấy lãi suất. Lãi suất tiền việt còn thấp hơn lãi suất tiền USD và tôi thấy đã có hiện tượng này. Như vậy sẽ có nguy hiểm, ảnh hưởng đến cả tỷ giá, kể cả lãi suất.

Đại biểu cho rằng điều hành của ngân hàng lúc này phải cẩn trọng chứ không nhất thiết phải cố mọi sức ép đẩy lãi suất giảm xuống. Tuy nhiên, để hỗ trợ doanh nghiệp thì cần phải thực hiện các gói hỗ trợ về lãi suất. Chúng ta đặt ra mục tiêu và đưa vào các cơ chế rõ ràng đều sẽ thực hiện được.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Liên quan đến nội dung này, đại biểu Phạm Văn Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang chỉ rõ, những tháng đầu năm nay rất nhiều những khoản vay đã được giải ngân, các doanh nghiệp thì cũng có chia sẻ là vì lãi suất là vay trung hạn trong hai năm đầu vẫn giữ mức khoảng dưới 6% nên là rất nhiều doanh nghiệp thì cũng đã xuống tiền, rất nhiều doanh nghiệp đã vay và để thực hiện các hợp đồng của mình. Nhận xét về chỉ đạo điều hành của Chính phủ, đại biểu cho rằng đây là sự điều hành hiệu quả, bản lĩnh thận trọng, đảm bảo độ ổn định kinh tế vĩ mô. Ví dụ như chúng ta kiên trì điều hành mức lãi suất cơ bản ở mức thấp kéo dài hết 2023 và đến sáu tháng đầu năm qua thì Ngân hàng Nhà nước đã có những tín hiệu để phát huy là điều hành lãi suất cơ bản có thể điều chỉnh tăng lên.

Đại biểu nhấn mạnh, thời gian tới để đảm bảo được giá của đồng tiền Việt Nam, cần kiên trì điều hành mức lãi suất cơ bản mức thấp và yêu cầu thu hẹp chênh lệch giữa huy động và cho vay. Đồng thời kết hợp việc đảm bảo hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng là quan điểm rất phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế nước ta và một số vụ việc liên quan đến các tổ chức tín dụng vừa xảy ra. Đại biểu tin tưởng vào khả năng điều hành linh hoạt, sáng tạo Chính phủ, nhất là trong chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và chính sách đối với lãi suất ngân hàng, thị trường tài chính.

Qua thực tiễn tiếp xúc cử tri chuyên ngành với các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại trên địa bàn của tỉnh, đại biểu Trình Lam Sinh – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho biết, hiện nay tình hình chung cả nước đầu năm tăng trưởng tín dụng rất tốt nhưng khoảng hai tháng gần đây, tăng trưởng tín dụng có xu hướng giảm, đó là do doanh nghiệp không dám vay, kể cả là gói vay mà giảm 2% lãi suất. Đồng thời, doanh nghiệp hiện nay không dám vay trung hạn bởi họ sợ rằng là các chính sách về lãi suất sẽ có điều chỉnh sẽ gây ra khó khăn trong hoạt động xuất kinh doanh. Do đó vấn đề điều chỉnh lãi suất cần tiếp tục được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng trong thời gian tới để đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế.

Đại biểu Trình Lam Sinh – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Cũng băn khoăn về tình trạng tăng trưởng tín dụng đạt thấp hơn mục tiêu và việc tiếp cận vốn còn nhiều khó khăn, đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước chỉ rõ, mặc dù lãi suất giảm nhưng các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nói rằng lãi suất này vẫn còn ở mức cao và rất khó tiếp cận. Do đó cũng phải cân nhắc, tính toán lại để làm sao cho doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay, có những giải pháp để tháo gỡ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đặt ra câu hỏi tại sao lãi suất chúng ta giảm nhiều nhưng người dân và doanh nghiệp không vay để cho tăng trưởng, đại biểu Nguyễn Thị Yến – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đề nghị Ngân hàng Nhà nước là cơ quan tham mưu cho Chính phủ cũng phải quan tâm và Chính phủ quan tâm thêm để điều hành chính sách tiền tệ, điều hành lãi suất cơ bản cho đảm bảo. Lãi suất giảm thì tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân vay, nhưng phải đánh giá lại vấn đề này. Bên cạnh đó, giá Việt Nam đồng chúng ta tăng nhưng so với các nước lân cận thì chúng ta tăng thấp hơn, điều này cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô của chúng ta. Do đó, đề nghị Chính phủ phải quan tâm, nghiên cứu về tình trạng này.

Hồ Hương

Các bài viết khác