VCCI HỘI THẢO GÓP Ý HOÀN THIỆN LUẬT THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT (SỬA ĐỔI)

11/07/2024

Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo với nhiều sửa đổi quan trọng, trong đó có những mặt hàng được bổ sung vào diện chịu thuế. Những sửa đổi này sẽ có tác động đến các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật và người tiêu dùng.

NGHIÊN CỨU KỸ VIỆC ÁP THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT ĐỐI VỚI KINH DOANH GAME ONLINE VÀ GIẢI PHÁP QUẢN LÝ CHẶT CHẼ NỘI DUNG GAME XUYÊN BIÊN GIỚI VÀO VIỆT NAM

CÁC DOANH NGHIỆP, HIỆP HỘI RƯỢU BIA, NƯỚC UỐNG CÓ ĐƯỜNG MONG MUỐN XEM XÉT VÀ ĐÁNH GIÁ LẠI VIỆC ÁP THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT

Sáng 11/7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo Góp ý hoàn thiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Tham dự Hội thảo có Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Vũ Tuấn Anh; Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến; Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ; Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cùng đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội chịu tác động của việc sửa đổi Luật.

Toàn cảnh Hội thảo

Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) số 27/2008/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2009 thay thế cho Luật Thuế TTĐB năm 1998, Luật sửa đổi một số điều của Luật thuế TTĐB năm 2003, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB và Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) năm 2005. Luật Thuế TTĐB năm 2008 đã qua 04 lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2014 (02 lần), 2016 và năm 2022 để xử lý các bất cập phát sinh trong thực tiễn và phù hợp với yêu cầu quản lý thuế từng giai đoạn. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện Luật này vẫn còn những bất cập cần bổ sung, điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống.

Ông Nguyễn Minh Đức- Ban Pháp chế của VCCI cho biết, dự thảo Luật sửa đổi 10 Điều của Luật thuế TTĐB hiện hành gồm: các Điều quy định về đối tượng chịu thuế (Điều 2); đối tượng không chịu thuế (Điều 3); người nộp thuế (Điều 4); căn cứ tính thuế (Điều 5); giá tính thuế (Điều 6); thuế suất (Điều 8); hoàn thuế, khấu trừ thuế (Điều 9); giảm thuế (Điều 10); hiệu lực thi hành (Điều 11); Tổ chức thực hiện (Điều 12) và bổ sung 01 Điều quy định về thời điểm xác định thuế TTĐB (Điều 7).

Đối với những nội dung sửa đổi, bổ sung, dự thảo Luật đã bám sát theo 07 nhóm chính sách tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Quốc hội đồng ý thông qua gồm: (1) Hoàn thiện các quy định về đối tượng chịu thuế TTĐB; (2) Hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế TTĐB; (3) Hoàn thiện quy định về căn cứ tính thuế TTĐB; (4) Hoàn thiện quy định về giá tính thuế TTĐB; (5) Hoàn thiện quy định về thuế suất thuế TTĐB; (6) Hoàn thiện quy định về hoàn thuế, khấu trừ thuế TTĐB; (7) Hoàn thiện quy định về điều khoản thi hành. Đồng thời, thực hiện ý kiến của Lãnh đạo Quốc hội, dự thảo Luật quy định luật hóa một số nội dung đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật thuộc các nhóm chính sách nêu trên.

Ông Nguyễn Minh Đức - Ban Pháp chế của VCCI

Về đối tượng chịu thuế TTĐB, ông Nguyễn Minh Đức cho biết, Luật Thuế TTĐB hiện hành quy định 10 nhóm hàng hóa và 6 nhóm dịch vụ chịu thuế TTĐB. Để mở rộng cơ sở thuế, đồng bộ với pháp luật chuyên ngành có liên quan và luật hóa các quy định đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật (Nghị định, Thông tư), Bộ Tài chính đề xuất:

Đối với hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB: Luật sửa đổi quy định rõ mặt hàng “thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm” thành “thuốc lá theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, bao gồm thuốc lá điếu; xì gà; thuốc lá sợi; thuốc lào hoặc các dạng khác; chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm” để đồng bộ với Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (nội dung quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Dự thảo Luật).

Sửa đổi quy định rõ mặt hàng “rượu” thành “rượu theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, bao gồm cả các loại đồ uống có cồn thực phẩm khác được lên men từ trái cây, ngũ cốc; đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm” để đồng bộ với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (nội dung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật). Sửa đổi, bổ sung quy định mặt hàng “xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng” thành “xe có động cơ dưới 24 chỗ, bao gồm: xe ô tô chở người; xe chở người bốn bánh có gắn 12 động cơ; xe ô tô pick-up chở người; xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép; xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng” để đồng bộ với Tiêu chuẩn Việt Nam về ô tô và quy định về xe chở người bốn bánh có gắn động cơ của Bộ Giao thông vận tải (nội dung quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật). Đồng thời, sửa đổi nội dung mô tả mặt hàng tương ứng tại cột Hàng hóa, dịch vụ của Biểu thuế suất thuế TTĐB (nội dung quy định tại cột Hàng hóa, dịch vụ của Biểu thuế suất thuế TTĐB tại Điều 8 dự thảo Luật).

Dự án Luật Thuế TTĐT (sửa đổi) thay quy định “tàu bay” bằng quy định “máy bay, trực thăng, tàu lượn” và bổ sung hướng dẫn rõ các mặt hàng máy bay, trực thăng, tàu lượn và du thuyền chịu thuế TTĐB là loại sử dụng cho mục đích dân dụng để làm rõ đối tượng chịu thuế TTĐB là các loại tàu bay có động cơ và là những mặt hàng cao cấp phục vụ cho mục đích tiêu dùng cá nhân của các đối tượng có thu nhập cao trong xã hội (nội dung quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật). Dự án Luật cũng quy định rõ mặt hàng điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống chịu thuế TTĐB như sau: “Điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống trừ loại theo thiết kế của nhà sản xuất chỉ để lắp trên phương tiện vận tải bao gồm ô tô, toa xe lửa, tàu, thuyền, máy bay.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất bán hoặc tổ chức, cá nhân nhập khẩu nhập tách riêng từng bộ phận là cục nóng hoặc cục lạnh thì hàng hóa bán ra hoặc nhập khẩu (cục nóng, cục lạnh) vẫn thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như đối với sản phẩm hoàn chỉnh (máy điều hòa nhiệt độ hoàn chỉnh)” để luật hóa quy định đang thực hiện ổn định tại văn bản dưới Luật2 (nội dung quy định tại điểm h khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật).

Dự án Luật sửa đổi quy định rõ mặt hàng “hàng mã” chịu thuế TTĐB không bao gồm hàng mã là đồ chơi trẻ em, đồ dùng dạy học để luật hóa quy định đang thực hiện ổn định tại văn bản dưới Luật (nội dung quy định tại điểm k khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật). Bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB để thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Bộ Y tế về thực tế bệnh tật liên quan đến nước giải khát có đường tại Việt Nam, kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên, nhằm dự phòng giảm thiểu rủi ro bệnh tật và gánh nặng y tế đối với bệnh không lây nhiễm, nâng cao nhận thức và hạn chế tiêu thụ nước giải khát có đường, mang lại lợi ích về sức khỏe cộng đồng, đặc biệt đối với giới trẻ, thế hệ tương lai của quốc gia, phù hợp với thông lệ quốc tế (nội dung quy định tại điểm l tại khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật).

Cân nhắc áp thuế TTĐB đối với một số hàng hóa

Trước những sửa đổi của Luật Thuế TTĐB đối với hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế, tại Hội thảo, các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia đã đóng góp vào những sửa đổi của Luật Thuế TTĐB.

Đóng góp ý kiến vào việc Bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB, bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam cho rằng, mức tiêu thụ nước giải khát của Việt Nam không cao so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Nhiều nước có mức tiêu thụ nước giải khát cao hơn Việt Nam nhưng cũng không áp thuế TTĐB lên nước giải khát.

Bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam

Theo số liệu trong báo cáo của Bộ Tài chính, mức tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam năm 2018 là 50,7 lít/người/năm. Theo số liệu trong báo cáo của Bộ Y tế, năm 2020 Việt Nam tiêu thụ 3,3 tỷ lít nước giải khát, tức là tương đương với khoảng 34 lít/người/năm nếu tính trên số dân là 96 triệu người vào năm 2020. Như vậy, theo số liệu của hai cơ quan trên thì mức độ tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam từ năm 2018 đến năm 2020 có chiều hướng giảm đáng kể. Mức độ tiêu thụ này cũng khá thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chính sách này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phục hồi của các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt trong bối cảnh giá thành các nguyên liệu gia tăng và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp cũng đồng thời chịu nhiều sức ép từ các nghĩa vụ tài chính phát sinh.

Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường có thể sẽ khiến người tiêu dùng dịch chuyển sang sử dụng các loại đồ uống có đường khác được sản xuất thủ công, nhập lậu vốn rất phổ biến trên thị trường và có thể có giá thành rẻ hơn do không phải chịu thuế TTĐB khiến mục tiêu chính sách không đạt được trong khi ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của ngành công nghiệp đồ uống và tạo điều kiện cho các mặt hàng đồ uống không chính thức, sản xuất thủ công hoặc nhập lậu phát triển, nhất là trong tình hình thu nhập giảm, lạm phát tăng cao như hiện nay.

 Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành, Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN 

Đề cập về khuyến nghị với ngành xe tải, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành, Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN cho rằng, dự thảo Luật chỉnh sửa thuế suất áp dụng lên Xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép tại điểm d, khoản 4, Điều 8. Thuế TTĐB của Việt Nam đối với xe bán tải cabin đôi (15%, 20% và 25%) ở mức cao so với các thị trường khác như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Australia. Những khu chợ này có đặc điểm địa lý, núi, bãi biển, thung lũng tương tự nhau, nơi người dân sống rải rác ở nhiều địa điểm khác nhau cũng như có cùng trình độ phát triển ngoại trừ Úc có trình độ phát triển cao hơn. Thị trường ô tô ở các nước như Campuchia, Brunei và Singapore (có đặc điểm địa lý khác nhau) còn nhỏ nên nhu cầu về xe bán tải cũng vậy. Vì vậy, so sánh cơ cấu thuế TTĐB của Việt Nam với Campuchia, Brunei và Singapore không phản ánh sự khác biệt đáng kể.

Theo ông Vũ Tú Thành, thuế suất thuế TTĐB cao sẽ tác động tiêu cực đến lợi thế cạnh tranh của thị trường ô tô Việt Nam so với các nước trong số đó. Hơn nữa, việc tăng thuế TTĐB sẽ không giúp tăng thu ngân sách nhà nước nói chung. Phân tích số liệu 100 xe bán tải cabin đôi cho thấy, việc tăng thuế TTĐB thêm 9% sẽ giảm khoảng 1,08 tỷ đồng thuế TTĐB và VAT (chưa bao gồm thuế TNDN) do lượng giảm chứ không phải tăng đơn thuần 41 triệu đồng/xe. Tệ hơn nữa, nếu giá tính thuế thay đổi như dự thảo Luật, giá sẽ tăng thêm 1%/xe.

Từ góc độ người tiêu dùng, với mục đích, kiểu dáng thiết kế phù hợp cho cả việc đi lại và chở hàng, xe bán tải cabin đôi có thể đáp ứng được nhu cầu của người dân Việt Nam bình dân, kinh doanh vận tải, vận chuyển hàng hóa của các gia đình hộ gia đình. Trong bối cảnh kinh tế phát triển đầy thách thức và phức tạp, mức sống ở mức trung bình, giá xe bán tải cabin đôi cần được duy trì ở mức hợp lý, phù hợp túi tiền, tốt hơn cho người dân bình dân.

Thuế suất thuế TTĐB tăng đồng nghĩa với lượng hàng bán ra sẽ giảm, dẫn đến việc siết chặt hoạt động sản xuất, nhân viên tại Nhà máy và hệ thống đại lý, làm giảm mức đóng góp của doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước. Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo giữ nguyên thuế suất hiện hành dành cho xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép.

Ông Nguyễn Quốc Việt - Viện Nghiên cứu kinh tế chính sách (VEPR)

Đứng ở góc độ chuyên gia, đề cập tính phù hợp và hiệu quả trong xác định đối tượng thuế tiêu thụ đặc biệt, ông Nguyễn Quốc Việt - Viện Nghiên cứu kinh tế chính sách (VEPR) cho rằng, Luật Thuế TTĐB phải thực sự điều tiết được tiêu dùng – mục tiêu cao nhất của sắc thuế này là hạn chế tiêu dùng các loại hàng hóa, dịch vụ xa xỉ, có hại cho sức khỏe hoặc có tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội. Việc áp dụng thuế TTĐB đối với một số hàng hóa cần giảm thiểu được việc buôn lậu mặt hàng đó vào nước ta dẫn đến không thể kiểm soát được chất lượng.

Theo ông Nguyễn Quốc Việt, mức thuế TTĐB cần được xác định hợp lý để vừa đủ sức điều tiết tiêu dùng nhưng cũng không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Bên cạnh đó, mức thuế TTĐB cần được xác định hợp lý để đảm bảo thu ngân sách nhà nước hiệu quả nhưng cũng không gây áp lực lên các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế như lạm phát.

Luật thuế TTĐB cần đảm bảo sự công bằng trong việc thu thuế đối với mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB. Danh mục hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB và mức thuế áp dụng cần được quy định rõ ràng, minh bạch để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chấp hành pháp luật thuế.

Bà Lê Thùy Linh - Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) 

Sau khi lắng nghe các ý kiến đóng góp, đại diện cho cơ quan soạn thảo dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), bà Lê Thùy Linh - Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, Luật thuế TTĐB sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024 và xem xét thông qua vào 5/2025. Ngay sau khi Quốc hội thông qua chương trình, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến công khai về hồ sơ của dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) đầy đủ theo quy định.

Ngoài việc đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tài chính thì Bộ còn gửi văn bản trực tiếp cho các Bộ ngành, địa phương, VCCI, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các  hiệp hội liên quan để tiếp tục lắng nghe các ý kiến và sẽ tổng hợp một cách toàn diện nhất.

Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn khẳng định: Những nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật TTĐB (sửa đổi) sẽ có tác động lớn đến các doanh nghiệp, hiệp hội trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật và người tiêu dùng. Vì vậy, việc lấy ý kiến của các các đối tượng này là rất cần thiết. Những ý kiến đóng góp, kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, chuyên gia, sẽ được tập hợp đầy đủ để gửi ban soạn thảo trong quá trình hoàn thiện dự án Luật./.

Bích Lan - Nghĩa Đức

Các bài viết khác