QUAN TÂM CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN MẦM NON

18/07/2024

Ngày 18/7, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với trẻ em mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi trên địa bàn huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.

ĐOÀN KHẢO SÁT CỦA ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC LÀM VIỆC VỚI SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TP. HỒ CHÍ MINH

Theo báo cáo, năm học 2023 - 2024, toàn huyện Lạc Dương có 7 trường mầm non và 3 nhóm trẻ độc lập tư thục. Tổng số trẻ huy động được trong năm học là 2.522 cháu, trong đó trẻ dân tộc thiểu số 1.536 cháu, chiếm 61,37%.

Về quy mô lớp học, nhà trẻ có 11 nhóm, trẻ 3 - 4 tuổi 17 lớp; trẻ 4 - 5 tuổi 23 lớp; trẻ 5 - 6 tuổi 24 lớp. Về quy mô học sinh, nhà trẻ 317 cháu, tỷ lệ huy động đạt 31,39%; 3 - 4 tuổi 566 cháu, tỷ lệ huy động đạt 69,02%; 4 - 5 tuổi 787 cháu, tỷ lệ huy động đạt 91,72%; 5 - 6 tuổi 852 cháu, tỷ lệ huy động đạt 100%.

Đoàn khảo sát làm việc với UBND huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng

Hệ thống mạng lưới trường, lớp toàn huyện được quy hoạch phù hợp, bảo đảm mỗi xã, thị trấn có ít nhất 1 trường mầm non. Các trường mầm non được đóng tại trung tâm khu dân cư, thuận lợi cho phụ huynh đưa đón trẻ đến trường. 7/7 trường mầm non được quy hoạch, thiết kế sân chơi đáp ứng nhu cầu vui chơi và học tập của trẻ theo hướng tạo cơ hội cho trẻ được thực hành, trải nghiệm.

7/7 trường mầm non và 3 nhóm trẻ độc lập tư thục triển khai thực hiện Chương trình giáo dục mầm non; 100% cơ sở giáo dục mầm non phát triển Chương trình giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện thực tế tại đơn vị, với đặc điểm văn hóa vùng miền và nhu cầu, khả năng của trẻ theo từng độ tuổi. Có 4 lớp ghép tại các điểm trường lẻ thực hiện Chương trình mẫu giáo lớp ghép vùng dân tộc thiểu số hiệu quả. 100% trẻ 5 tuổi được tăng cường tiếng Việt.

Toàn huyện có 40 lớp mẫu giáo 3 - 4 tuổi, tổng số trẻ mẫu giáo huy động được trong năm học là: 1.353/1.678 cháu, đạt tỷ lệ 80,63%; bảo đảm 1 phòng học/lớp, được trang bị đầy đủ bộ thiết bị, đồ dùng tối thiểu dùng cho lớp mẫu giáo theo từng độ tuổi. Tỷ lệ giáo viên/lớp đạt 2,03, theo quy định thiếu khoảng 60 giáo viên.

Căn cứ kết quả điều tra dân số trên địa bàn và tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, dự kiến nhu cầu đến trường của trẻ em mầm non sẽ tăng hằng năm; ước tính đến năm 2030, tổng số trẻ từ 3 đến 5 tuổi được đến trường là 2.692 cháu, cụ thể, 975 cháu 3 tuổi, 780 cháu 4 tuổi, 937 cháu 5 tuổi.

Thành viên Đoàn khảo sát với các cháu Trường Mầm non Sơn Ca, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng

Để bảo đảm cho trẻ mầm non 3 - 5 tuổi ra lớp, Lạc Dương đề nghị bổ sung nguồn giáo viên hàng năm đáp ứng nhu cầu phát triển về mạng lưới trường, lớp tại địa phương; đầu tư kinh phí xây mới, sửa chữa, tu bổ cơ sở vật chất, trang bị thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi đáp ứng nhu cầu vui chơi, học tập của trẻ theo hướng thực hành, trải nghiệm; có các giải pháp hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất.

Theo ý kiến của đại diện các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn huyện, Lạc Dương là huyện vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới gần 66%, nên việc phổ cập giáo dục mầm non rất quan trọng, cần được ưu tiên. Trong đó, để huy động trẻ đến lớp, giải pháp quan trọng nhất là tăng chi phí hỗ trợ, miễn học phí.

Các ý kiến cũng đề nghị quan tâm hơn đến chính sách đặc thù đối với giáo viên mầm non; có chế độ cho nhân viên cấp dưỡng ở các cơ sở giáo dục mầm non; không thực hiện tinh giản giáo viên mầm non một cách cơ học mà nên khảo sát thực tế từng vùng, từng địa phương.

* Trong chương trình làm việc ngày 18/7, Đoàn khảo sát cũng đã đến thăm, làm việc với một số cơ sở giáo dục mầm non tại huyện Lạc Dương và TP. Đà Lạt.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác