ĐOÀN ĐẠI BIỂU UỶ BAN ĐỐI NGOẠI THAM DỰ DIỄN ĐÀN NGHỊ VIỆN TẠI LIÊN HỢP QUỐC

19/07/2024

Nhận lời mời của Tổng Thư ký Liên minh nghị viện Thế giới (IPU) Martin Chungong, thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại năm 2024, được sự đồng ý của lãnh đạo Quốc hội, Đoàn đại biểu Ủy ban Đối ngoại do Chủ nhiệm Uỷ ban Vũ Hải Hà làm Trưởng đoàn tham dự Diễn đàn Nghị viện trong khuôn khổ Diễn đàn Chính trị cấp cao của Liên hợp quốc tại Hoa Kỳ ngày 16/7/2024.

CHỦ NHIỆM ỦY BAN ĐỐI NGOẠI VŨ HẢI HÀ LÀM VIỆC VỚI CHỦ NHIỆM ỦY BAN ĐỐI NGOẠI CỦA QUỐC HỘI LÀO

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung phát biểu về chủ đề “Đầu tư cho các nghị viện là các cơ chế quản trị then chốt” 

Diễn đàn Chính trị cấp cao (HLPF) của Liên hợp quốc được tổ chức thường niên là cơ hội để Bộ trưởng các nước cùng các chuyên gia cấp cao, các tổ chức xã hội đánh giá sự tiến bộ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Trong bối cảnh nhiều SDG không thể thực hiện đúng tiến độ, quá trình này đòi hỏi hành động mạnh mẽ từ phía các Nghị viện để Chính phủ có trách nhiệm thực hiện cam kết của mình và thể chế hóa việc thực hiện các SDG, thông qua tất cả các quyết sách.

Trong khuôn khổ HLPF, Diễn đàn Nghị viện là một trong những cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa IPU và Liên hợp quốc được tổ chức thường niên nhằm góp phần xây dựng các mối quan hệ quốc tế, đưa ra các quyết định minh bạch và trách nhiệm hơn, qua đó tăng cường hiệu quả hoạt động của tổ chức.

Với chủ đề “Khoảng trống trong quản trị và thảm họa khí hậu: Hành động của Nghị viện”, Diễn đàn Nghị viện năm nay tập trung thảo luận và kiến nghị hành động của các nghị viện nhằm thúc đẩy việc thực hiện 02 mục tiêu hiện đang được Liên hợp quốc rà soát, đó là Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) số 16 (hòa bình, công lý và các thể chế vững mạnh) và số 13 (Biến đổi khí hậu).

Đoàn đại biểu Uỷ ban Đối ngoại tham dự Diễn đàn Nghị viện tại Liên hợp quốc

Tại phiên họp về chủ đề “Đầu tư vào Nghị viện như một tổ chức quản trị chủ chốt”, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam nhấn mạnh, để đảm bảo thực thi các mục tiêu phát triển bền vững, nhất là mục tiêu 16, Quốc hội Việt Nam rất quan tâm và chú trọng việc thúc đẩy pháp quyền, xây dựng thể chế vững mạnh, bảo đảm tiếp cận công lý và tham gia bình đẳng cho tất cả người dân, khuyến khích sự tham gia đầy đủ, toàn diện của người dân vào quá trình hoạch định chính sách.

Hoạt động thu thập thông tin, lấy ý kiến đa chiều từ các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, đối tượng tác động của chính sách để cung cấp, phục vụ cho quá trình Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng được chú trọng. Các đại biểu Quốc hội cũng đã phát huy vai trò “cầu nối” với người dân, phản ánh các nguyện vọng của người dân, cử tri đến Quốc hội; thường xuyên tiếp xúc với cử tri, đối thoại với nhiều đối tượng xã hội, nghe ý kiến cử tri phản ánh về hiệu quả chính sách tại địa phương, về các nguồn lực bảo đảm thực hiện chương trình, tạo điều kiện để người dân giám sát việc thực hiện SDGs ở các cấp trong cả nước, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội.

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Vũ Hải Hà và Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới

Nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các thể chế vững mạnh vì sự phát triển bền vững ở khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đề xuất một số giải pháp:

Một là, phát huy vai trò của các Nghị viện, nghị sĩ trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý trong nước, xây dựng nhà nước pháp quyền, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa mọi thành phần trong xã hội; đảm bảo quyền và sự tham gia đầy đủ của phụ nữ, thanh niên, các dân tộc thiểu số và các nhóm yếu thế trong xã hội trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hai là, cần huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho phát triển bền vững, thúc đẩy các giải pháp tổng thể về kinh tế, chính trị, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.

Ba là, mở rộng và tăng cường sự tham gia của các nước đang phát triển ở các thể chế quản trị toàn cầu.

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Vũ Hải Hà và Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới

Phát biểu tại Phiên thảo luận về SDG 13 với chủ đề “Mở rộng quy mô thích ứng và tài trợ khí hậu hướng tới một thế giới bền vững và có khả năng chống chịu”, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam nhấn mạnh, là một quốc gia đang phát triển và chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm qua, Việt Nam luôn chủ động, tích cực tham gia vào các thỏa thuận, cam kết khu vực và quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam quyết tâm và cam kết mạnh mẽ ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, bền vững, hướng tới phát thải ròng bằng 0 như đã cam kết tại COP26.

Cùng với đó, Quốc hội Việt Nam đã nỗ lực rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này, trên 25 đạo luật, nghị quyết liên quan trực tiếp tới ứng phó với biến đổi khí hậu đã được ban hành. Các đạo luật này đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho Chính phủ thực hiện các cam kết quốc gia về biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng đã ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 (Quyết định số 896/QĐ-TTg, ngày 26/7/2022); Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của biến đổi khí hậu, thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác, Việt Nam đang thiếu hụt nguồn lực tài chính ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan, xây dựng khả năng phục hồi do tác động của biến đổi khí hậu cũng như đầu tư vào giảm phát thải khí nhà kính, hỗ trợ chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và thúc đẩy phát triển bền vững.

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Vũ Hải Hà làm việc với Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc

Để góp phần đảm bảo một tương lai tốt đẹp và vì sự phát triển chung của nhân loại, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đề xuất:

Một là, việc ứng phó với biến đổi khí hậu phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển của mỗi quốc gia, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi tổ chức và cá nhân. Cần nâng cao ý thức của cộng đồng trong sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường sống; thực hiện lối sống xanh, bền vững, hài hòa với thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học;

Hai là, tăng cường hợp tác trên cơ sở nguyên tắc công bằng, trách nhiệm giữa các quốc gia với sự hỗ trợ, tham gia hiệu quả của các cơ chế hợp tác và tổ chức quốc tế nhằm kết nối, bổ sung nguồn lực, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, nâng cao năng lực trong ứng phó với biến đổi khí hậu;

Ba là, cần tăng cường công tác lập pháp nhằm nội luật hóa các cam kết quốc tế đã được các quốc gia nhất trí tại các Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc và các Hội nghị quốc tế liên quan nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính; xây dựng hành lang pháp lý công bằng và có hiệu lực, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phát triển xanh, kinh doanh xanh, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính; thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững;

Bốn là, thực hiện tốt công tác phân bổ ngân sách và công tác giám sát để bảo đảm việc thực hiện các cam kết quốc gia về giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với năng lực, trình độ phát triển của mỗi quốc gia;

Năm là, tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ quan lập pháp và các nghị sĩ trên toàn cầu về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của mỗi nước liên quan đến biến đổi khí hậu, thông qua các cơ chế hợp tác liên nghị viện toàn cầu, khu vực và song phương;

Sáu là, tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của các cơ chế hợp tác liên nghị viện, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ chế hợp tác nghị viện và các cơ chế hợp tác giữa Chính phủ các nước trên quy mô toàn cầu cũng như tại các khu vực.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Đoàn đã có buổi trao đổi, tiếp xúc với Chủ tịch IPU Tulia Ackson; Tổng Thư ký Martin Chungong; Trưởng đại diện IPU tại Liên hợp quốc Paddy Torsney; Đoàn đại biểu Indonesia.

Ngoài ra, Đoàn đã làm việc với Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc và thăm Thị trường Chứng khoán New York./.

Vũ Ngọc Hà

Các bài viết khác