TIẾP TỤC ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO VỊ THẾ, KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ VÀ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)
Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 7, gồm 6 chương, 36 điều (sửa đổi, bổ sung 32 điều; thêm mới 4 điều), bỏ 1 điều so với Luật Công đoàn 2012. Trên cơ sở kế thừa Luật Công đoàn 2012, luật quy định về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động; quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; chức năng, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm của Công đoàn; quyền, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn; trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, người sử dụng lao động đối với Công đoàn; bảo đảm hoạt động của Công đoàn; giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn.
Một trong nhưng điểm mới tại Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) lần này là việc bổ sung quy định về miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn trong các trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn thì được xem xét miễn, giảm hoặc tạm dừng đóng.
TS. Trần Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Đồng tình và đánh giá cao quy định tại dự thảo, TS. Trần Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp đã có những kiến nghị để tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh và một trong những kiến nghị cụ thể là được xem xét miễn, giảm đóng kinh phí công đoàn.
Tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2023 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh,, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu, giảm mức phí công đoàn và giãn thời gian nộp kinh phí trong năm 2023.
Do vậy, việc bổ sung quy định về miễn, giảm hoặc tạm dừng đóng kinh phí công đoàn trong dự thảo Luật là hoàn toàn phù hợp và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, điều kiện sản xuất, kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, xuất phát từ tình hình thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và việc thực hiện đóng kinh phí công đoàn của doanh nghiệp trong thời gian qua, đặc biệt với những khó khăn của doanh nghiệp do đại dịch Covid-19 gây ra, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để quy định mức thu phí công đoàn phù hợp. Điều này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm được một phần chi phí và sẽ góp phần tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
TS. Bùi Sỹ Lợi, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, thành viên HĐKH của UBTVQH
Nêu quan điểm về nội dung này, TS. Bùi Sỹ Lợi, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, thành viên HĐKH của UBTVQH cho rằng, cần xem xét để phù hợp với tình hình mới, như đại dịch Covid 19 vừa qua. Do đó, để đảm bảo tính linh hoạt trong việc xác định mức thu và điều chỉnh mức thu cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, không nên quy định cứng tỷ lệ mà nên theo hướng quy định tỷ lệ thu tối đa trên tổng quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy, mới phù hợp với khoản 2, Điều 29: “2. Trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn theo điểm b khoản 1 Điều này thì được xem xét miễn, giảm hoặc tạm dừng đóng”.
Ths. Dương Đình Khuyến, Phó Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam
Cùng quan điểm, Ths. Dương Đình Khuyến, Phó Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, nội dung về tài chính công đoàn trong dự thảo Luật đã thể chế hóa quan điểm của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương tại Nghị quyết số 02 NQ/TW “duy trì các nguồn lực hiện có; thu kinh phí công đoàn và khuyến khích xã hội hóa nguồn lực để công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”; Nghị quyết số 06 NQ/TW tiếp tục “tạo điều kiện về nguồn lực đủ mạnh để bảo đảm hiệu quả các hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, thu hút người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”; Nghị quyết số 18 NQ/TW “Rà soát, sửa đổi cơ chế quản lý tài chính, nguồn kinh phí công đoàn, bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả”. Tuy nhiên, cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng đảm bảo quy định về mức thu phù hợp đồng thời đảm bảo hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn kinh phí.
Ths. Dương Đình Khuyến cũng bày tỏ nhất trí cần bổ sung các quy định về tài chính công đoàn, bổ sung quy định về tài chính của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp trong bối cảnh tổ chức này được Bộ Lao động 2019 đã quy định nhằm đảm bảo quy định về tài chính công đoàn khoa học và minh bạch.
TS. Nguyễn Quân, thành viên HĐKH của UBTVQH
Đồng tình với nhiều quan điểm nêu trên, TS. Nguyễn Quân, thành viên HĐKH của UBTVQH lưu ý, đối với đề xuất bổ sung quy định: “Hàng năm, Tổng Liên đoàn báo cáo thu chi tài chính công đoàn với Quốc hội” tại khoản 4 Điều 32 dự thảo Luật là không cần thiết.
Theo TS. Nguyễn Quân báo cáo tài chính hàng năm của Công đoàn không cần quy định báo cáo với Quốc hội, bởi hoạt động này đã thực hiện hiện theo quy định về báo cáo kiểm toán, báo cáo tài chính. Đồng thời, để đảm bảo công khai, minh bạch, cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm toán và giám sát của các cơ quan chức năng trong công tác quản lý, sử dụng tài sản, tài chính công đoàn;…
Hiện nay, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đang tích cực được cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, chuẩn bị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội khóa XV xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 (10/2024) tới đây./.