Toàn cảnh Phiên họp
Mở đầu Phiên họp, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu dự họp nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Đã giải trình, tiếp thu đầy đủ ý kiến của ĐBQH tại Kỳ họp thứ 7
Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cơ bản nhất trí Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Đồng thời đánh giá cao Ủy ban Tư pháp, Cơ quan chủ trì thẩm tra và Cơ quan soạn thảo đã tập trung nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tham gia góp ý tại Tổ và tại Hội trường về dự thảo Luật này. Các ý kiến cũng tán thành với các nội dung đã được tiếp thu trong dự thảo Luật sửa đổi lần này và nhận thấy hiện không có sự khác nhau giữa Cơ quan soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra về các nội dung của dự thảo Luật.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rẳng, các quy định của dự thảo Luật đã được sửa đổi, bổ sung góp phần khắc phục hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, tạo sự đồng bộ với quy định của các luật hiện nay, thích ứng và phù hợp với các quy định quốc tế có liên quan và từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, nguyện vọng của nhân dân trong tình hình mới.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm
“Những ý kiến góp ý thẩm tra của Hội đồng Dân tộc đã được Ban soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu bổ sung như Điều 21 quy định về trách nhiệm của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia phòng ngừa mua bán người, phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng thế hệ trẻ phòng, chống tội phạm và các điều có liên quan để đảm bảo chính sách dân tộc trong dự thảo Luật”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ.
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, dự thảo Luật đã có những quy định cụ thể nhằm đảm bảo chính sách dân tộc, trong đó có chính sách ưu tiên bố trí ngân sách công tác phòng, chống mua bán người ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; quy định về công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, nhận diện và đấu tranh với tội phạm mua bán người. Đồng thời đồng tình với các quy định có liên quan đến các chính sách dân tộc tại các điều khoản cụ thể trong dự thảo Luật như khoản 6 Điều 5, khoản 5 Điều 7, các Điều 29, 38, 46, 47…
Rà soát các nội dung để bảm bảo chặt chẽ, thống nhất trong dự thảo Luật
Nhiều ý kiến thành viên UBTVQH cũng quan tâm đến quy định về hành vi mua bán bào thai trong dự thảo Luật và bày tỏ nhất trí việc bổ sung hành vi bị nghiêm cấm vào dự thảo là “mua bán bào thai; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai”. Tuy nhiên, các ý kiến đề nghị cần làm rõ thêm khoản 2 Điều 3 của dự thảo Luật có trường hợp nào mua bán bào thai không nhằm mục đích mua bán người hay không? Nếu có và phù hợp thì cần quy định ở phần đầu của khoản 2 Điều 3, còn không thì cân nhắc không quy định nội dung này.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng góp ý về khái niệm “mua bán người”, về trách nhiệm của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia phòng ngừa mua bán người, về đối tượng và chế độ hỗ trợ, về Cơ sở trợ giúp xã hội, Cơ sở hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân….
Các đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát hệ thống các khái niệm, thuật ngữ, từ ngữ để đảm bảo chặt chẽ, thống nhất trong dự thảo Luật. Góp ý tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị cần rà soát tính phù hợp của các nội dung và sửa lại khoản 2 Điều 22 của dự thảo Luật dể đảm bảo phù hợp với Bộ luật Tố tụng hình sự. Đồng thời đề nghị cân nhắc quy định hỗ trợ người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân được hỗ trợ văn hóa và trợ cấp khó khăn ban đầu. Cùng với đó, cần tiếp tục rà soát các nội dung, thiết kế sao cho ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận nội dung thảo luận
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, sau thời gian làm việc khẩn trương, sôi nổi, trách nhiệm cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu dự Phiên họp đánh giá cao Ủy ban Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các cơ quan liên quan hoàn chỉnh Hồ sơ, tài liệu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúng tiến độ, bảo đảm chương trình. Hồ sơ, tài liệu được chuẩn bị đầy đủ, cẩn thận, lập luận chặt chẽ và tiếp thu, giải trình cơ bản các ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 (ý kiến thảo luận tại Tố, ý kiến thảo luận tại Hội trường).
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Phiên họp này có 8 ý kiến phát biểu, Thứ trưởng Bộ Công an thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo đã phát biểu tiếp thu, giải trình. Về cơ bản, các ý kiến đánh giá cao và đồng thuận với những nội dung chính của dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã được tiếp thu, giải trình.
“Với việc tiếp thu 65/67 Điều có chỉnh sửa, chỉnh lý so với bản dự thảo tại Kỳ họp thứ 7, tôi nhận thấy đây là Báo cáo tiếp thu tương đối kỹ. Về cơ bản, các ý kiến đồng tình với nội dung của dự thảo Luật. Tuy nhiên, các ý kiến cũng góp ý thêm nhiều nội dung cụ thể nhằm nâng cao chất lượng của dự thảo Luật, chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Sau Phiên họp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định giao Ủy ban Tư pháp tiếp tục chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ý kiến phát biểu tại Phiên họp này để hoàn chỉnh dự thảo Luật với chất lượng cao nhất, lấy ý kiến chính thức của Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi báo cáo tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách dự kiến vào cuối tháng này.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự Phiên họp
Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật để trình tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách vào cuối tháng 8/2024
Lưu ý các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quá trình tiếp thu, giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trước hết cần tiếp tục rà soát hệ thống các khái niệm, thuật ngữ, từ ngữ để đảm bảo chặt chẽ. Đối với các thuật ngữ liên quan đến công tác tố tụng, công tác hình sự, tố tụng hình sự thì cần phải rà soát, bảo đảm thống nhất với Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự và các luật chuyên ngành có liên quan. Đối với những khái niệm mà khác với các luật chuyên ngành có liên quan, cần phân tích và trình bày rõ, còn nếu hoàn toàn đúng thì không cần thiết phải nhắc lại. Đối với việc sắp xếp một số chương, điều, khoản đặc trưng liên quan đến quản lý nhà nước, cần nghiên cứu, thu gọn các Bộ mà được nêu tên ở trong Luật theo hướng khái quát hơn và phù hợp với Luật Tổ chức Chính phủ và thẩm quyền của Chính phủ trong việc xác định chức năng, nhiệm vụ và phân công nhiệm vụ của các Bộ.
“Do đó, chỉ nêu các Bộ thực sự cần thiết liên quan trực tiếp đến công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người; bổ sung trách nhiệm của chính quyền địa phương, trong đó có phần trách nhiệm của Hội đồng nhân dân. Rà soát, viết rõ hơn các nội dung của điều cấm, trong trường hợp cần thiết thì có thể giao cho Chính phủ quy định chi tiết”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cân nhắc thêm các nội dung quy định về điều khoản liên quan đến trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể (đã có một điều chung liên quan đến Mặt trận, đoàn thế), do đó với việc thiết kế các điều riêng cho Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, nếu thực sự cần thiết thì cũng cân nhắc thêm, hoặc là gộp lại hoặc là tách riêng trên cơ sở cân đối trách nhiệm của các đoàn thể có liên quan.
Đồng thời cần tiếp tục rà soát các biện pháp hỗ trợ nạn nhân, người thân thích, người dưới 18 tuổi đi cùng, người đang trong quá trình xác định nạn nhân để bảo đảm quy định đơn giản, dễ hiểu, không sót người nhưng không quá rộng, đảm bảo các biện pháp hỗ trợ phù hợp.
“Cần cân nhắc các khái niệm cần thiết trong trường hợp như trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp lý thì không sinh thêm các khái niệm mà pháp luật chưa có, và nếu có thêm các khái niệm thì phải định nghĩa”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ủy ban Tư pháp khẩn trương phối hợp các cơ quan để hoàn chỉnh Hồ sơ dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) trình tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách vào cuối tháng 8 này.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên họp:
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)
Các đại biểu dự Phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại Phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng bày tỏ nhất trí việc bổ sung hành vi bị nghiêm cấm vào dự thảo Luật là “mua bán bào thai; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai”
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tham gia đóng góp ý kiến tại Phiên họp
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải góp ý tại phiên thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại Phiên thảo luận
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh góp ý vào một số nội dung của dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)
Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Quang Dũng phát biểu tại Phiên họp
Thay mặt Cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm./.