Sửa Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật để phù hợp hội nhập quốc tế

20/09/2024

Ngày 18/9, tại TP. Đà Nẵng, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh khu vực miền Trung về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn và Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) Hà Minh Hiệp đồng chủ trì Hội thảo.

Đoàn khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm việc với một số đơn vị

Toàn cảnh Hội thảo

Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được Quốc hội thông qua năm 2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007, là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Qua thực tiễn hơn 17 năm thi hành, Luật đã đưa hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được nâng lên cả chất và lượng; phân công thẩm quyền, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức minh bạch, phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới và thông lệ quốc tế, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam. Trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản, nghị quyết đối với lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và cần được nghiên cứu, thể chế hóa. Cùng với đó, thực tiễn thi hành Luật thời gian qua cũng đã phát sinh một số hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với cam kết trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Phát biểu tại hội thảo, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng đánh giá cao những giá trị do Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật mang lại cũng như “tuổi thọ” của Luật đến nay đã hơn 17 năm. Khi Luật được ban hành, Việt Nam chưa gia nhập WTO. Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng cho rằng, Luật này đã tồn tại thời gian dài, hơn nhiều Luật khác (thời gian 3-5 năm đã phải sửa). “Khi đọc bản thuyết trình của Chính phủ mới thấy có rất nhiều vấn đề lớn mà dự án Luật này cần phải được điều chỉnh, bổ sung để giải quyết những đòi hỏi của cuộc sống”, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh.

Thừa nhận tầm ảnh hưởng của Luật này trong thực tiễn cuộc sống, song các đại biểu cũng chỉ rõ mặt hạn chế, bất cập của Luật cần phải điều chỉnh, sửa đổi để bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, công nghệ.  Tại Hội thảo, các đại biểu cũng tập trung phân tích, đề nghị làm rõ một số vấn đề trong dự thảo Luật của Chính phủ như: Xã hội hóa hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn; tiếp cận thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hoạt động quản lý, khai thác tiêu chuẩn… Nhiều ý kiến cho rằng, quy trình, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn Việt Nam cần được rút gọn nhưng phải bảo đảm trách nhiệm của các bộ, ngành vì khi thực hiện quy trình này vẫn phải tuân thủ quy định liên quan tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc nhận thức đúng đắn về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật không chỉ đối với quản lý nhà nước mà còn cho các tổ chức sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng. Đồng thời nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật là nhằm thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh; cùng với đó, xây dựng khung pháp lý nhằm triển khai hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, góp phần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.

Đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu tại khu vực miền Trung đối với dự án Luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu, nghiên cứu các ý kiến trong quá trình hoàn thiện dự án Luật./.

Đoàn Nguyên