Đại biểu Quốc hội chuyên trách là lực lượng đi đầu trong việc bảo đảm hiệu quả hoạt động của Quốc hội

25/09/2024

Chiều 25/9, truyền đạt chuyên đề tại Hội nghị Bồi dưỡng người được quy hoạch đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách khóa XVI, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, đại biểu Quốc hội chuyên trách là lực lượng đi đầu trong việc bảo đảm hiệu quả hoạt động của Quốc hội, hướng tới một Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Khai mạc Hội nghị bồi dưỡng người được quy hoạch đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách khóa XVI

Toàn cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị Bồi dưỡng người được quy hoạch đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách khóa XVI, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã truyền đạt tới 90 học viên  chuyên đề: “Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề cao vai trò trung tâm của đại biểu Quốc hội, trong đó, đại biểu Quốc hội chuyên trách là cán bộ của Đảng, đảm nhiệm các chức danh chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội; là lực lượng đi đầu trong việc bảo đảm hiệu quả hoạt động của Quốc hội, hướng tới một Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội; đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Quy hoạch và bồi dưỡng người được quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách là sự đổi mới trong công tác nhân sự của Quốc hội, nhằm phát hiện, thu hút, nâng cao nhận thức và quyết tâm của người được quy hoạch trên con đường từ chuyên gia, cán bộ lãnh đạo, quản lý chuyên ngành trở thành đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh truyền đạt chuyên đề: “Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, nhiều văn kiện quan trọng của Đảng luôn thể hiện nhất quán quan điểm, chủ trương về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, gắn với vấn đề nâng cao năng lực, phát huy vai trò, củng cố đội ngũ đại biểu Quốc hội chuyên trách. Trong đó, Nghị quyết số 18-NQ/TW năm 2017 đề ra chủ trương: Thực hiện tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách theo mục tiêu đã đề ra; nghiên cứu giảm hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp. Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng nêu: Bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu, nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, tăng hợp lý số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách. Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2022 cũng nhấn mạnh chủ trương: Đổi mới cơ chế bầu cử để lựa chọn được những người xứng đáng đại diện cho Nhân dân; đề cao vai trò trung tâm của đại biểu Quốc hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu đại biểu Quốc hội…

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng giới thiệu một số quy định của Đảng về khung tiêu chuẩn chức danh, chức vụ tương đương đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách; Quan điểm, chủ trương về phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng, thu hút nhân tài vào các cơ quan của hệ thống chính trị; Số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV; Tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ, quyền hạn, vị trí việc làm, chế độ hỗ trợ đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách…

Đại biểu tham dự Hội nghị

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội năm 2020 đã tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trên tổng số đại biểu Quốc hội từ 35% lên ít nhất 40%. Trên thực tế, từ khi chế định đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách được quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội năm 1992 đến nay, qua 7 nhiệm kỳ, số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách không ngừng tăng cả về số lượng và chất lượng.

Việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp, tổ chức các tiểu ban, kiện toàn các nhóm làm việc phụ trách các lĩnh vực chuyên môn khác nhau của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong điều kiện mỗi cơ quan của Quốc hội đều có phạm vi hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực. Ở mỗi Đoàn đại biểu Quốc hội đều bố trí đại biểu hoạt động chuyên trách ở địa phương cũng cho thấy đây là chủ trương rất đúng đắn, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Tuy nhiên, tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách hiện nay vẫn chưa đạt con số “ít nhất 40%” đã nêu trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2020. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu liên quan đến cơ cấu, tiêu chuẩn và việc quy hoạch, tạo nguồn giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Đại biểu tham dự Hội nghị

Khẳng định đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách là trung tâm của quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khẳng định, những đổi mới mạnh mẽ, thực chất trong các hoạt động của Quốc hội những năm gần đây đều gắn với việc phát huy vai trò tiên phong của đại biểu Quốc hội chuyên trách, góp phần từng bước chuyển từ “Quốc hội tham luận” sang “Quốc hội thảo luận và tranh luận”. Tuy nhiên, việc trở thành đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, dành toàn bộ thời gian cho hoạt động của Quốc hội và không được kiêm nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan khác của hệ thống chính trị, đòi hỏi rất cao về lao động cá nhân của bản thân đại biểu, phát huy tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo, chủ động, tích cực của đại biểu Quốc hội chuyên trách trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh chụp ảnh lưu niệm với các học viên

“Thời gian từ nay đến thời điểm bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI không còn nhiều, tôi mong muốn các đồng chí được quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục trang bị thêm kiến thức, kỹ năng, tâm thế sẵn sàng, để nếu có cơ hội trở thành đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ cùng cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng thực hiện sứ mệnh, tầm nhìn của đại biểu Quốc hội trong kỷ nguyên mới”. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị.

Cũng trong chiều 25/9, Hội nghị nghe nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Tự Nam truyền đạt chuyên đề “Pháp luật về bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm các chức danh tại các cơ quan của Quốc hội”.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Toàn cảnh Hội nghị Bồi dưỡng người được quy hoạch đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách khóa XVI

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh điều hành Hội nghị

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh dự Hội nghị

Đại biểu tham dự Hội nghị

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh truyền đạt chuyên đề: “Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội”.

Đại biểu tham dự Hội nghị

Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang phát biểu

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam phát biểu

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Tự Nam truyền đạt chuyên đề “Pháp luật về bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm các chức danh tại các cơ quan của Quốc hội”.

Đại biểu tham dự Hội nghị

Lan Hương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác