Đào tạo cần gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp
Toàn cảnh cuộc làm việc
Theo Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 8 tháng đầu năm 2024, công tác báo chí thông tin, tuyên truyền đã trược triển khai sâu rộng trên mọi hình thức, phương thức, trên tất cả nền tảng mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở và các phương tiện truyền thông mới, đồng thời Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chủ động quản lý thông tin, từng bước làm trong sạch không gian mạng, duy trì ngưỡng tỷ lệ thông tin an toàn, góp phần đảm bảo giữ vững trật tự, an toàn xã hội và sự ổn định cho cuộc sống của người dân. Thông tin tuyên truyền mang tính toàn diện, phản ánh đầy đủ đời sống kinh tế - xã hội của đất nước; tạo đồng thuận xã hội. Trong lĩnh vực xuất bản, các nhà xuất bản đã thực hiện xuất bản 26.700 xuất bản phẩm với 363.5 triệu bản (tăng 0,67% so về xuất bản phẩm và giảm 15,37% về bản so với cùng kỳ năm 2023).
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, công tác quản lý của cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí trực thuộc đã bám sát thực tiễn hơn. Nhiều cơ quan chủ quản thuộc các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp đã xác định rõ hơn trách nhiệm trong chỉ đạo, tăng cường đảm bảo điều kiện hoạt động đối với cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan chủ quản được làm việc trực tiếp với cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý về trách nhiệm chủ quản báo chí theo quy định. Hoạt động thông tin báo chí in, báo chí điện tử có chuyển biến, thay đổi theo hướng tích cực.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm
Tính đến nay, cả nước ta có 806 cơ quan báo chí (137 báo; 669 tạp chí). Hiện nay, các cơ quan báo chí cũng gặp phải một số khó khăn, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật về báo chí. Chế độ nhuận bút, thù lao trong lĩnh vực báo chí, xuất bản quy định tại Nghị định số 18/2014/NĐ-CP cần được thay thế, bãi bỏ để đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong quy định của pháp luật. Thông tư số 31/2021/TT-BTTTT ngày 31/12/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục cấp, đổi, cấp lại và thu hồi thẻ nhà báo đã bộc lộ một số bất cập, gây tốn kém về thời gian, công sức và chi phí cho đối tượng được cấp thẻ…
Phó tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Đinh Đắc Vĩnh
Báo cáo của Đài Truyền hình Việt Nam nêu rõ, hiện nay Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập gây khó khăn cho thực hiễn các cơ quan có hoạt động báo chí nói chung và Đài Truyền hình Việt Nam nói riêng. Nhiều sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không có quy định, hướng dẫn cụ thể về điều kiện quảng cáo, gây khó khăn cho các đơn vị kinh doanh và phát hành quảng cáo. Nhiều quy định chưa thực sự phù hợp với thực tiễn quảng cáo hiện nay về thời lượng phát sóng quảng cáo, tần suất, khung giờ phát sóng quảng cáo…
Trong thực tiễn hoạt động của mình, Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, là đơn vị đặc thù với chủ trương thực hiện nhiệm vụ chính trị tuyên truyền đường lối của Đảng và Nhà nước giao là nhiệm vụ hàng đầu, không phải là đơn vị làm kinh tế, do vậy việc tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước không thể thực hiện bằng cách thương mại hóa do đó việc khai thác, tăng nguồn thu dịch vụ của đơn vị hiện nay cũng gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế.
Phó tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Vũ Hải Quang
Trong những tháng đầu năm 2024, hoạt động sự nghiệp có thu của Thông tấn xã Việt Nam cũng đang gặp một số khó khăn như doanh thu báo in trong ngành tiếp tục giảm. Việc cho thuê diện tích làm văn phòng sụt giảm khi một số văn phòng trả lại diện tích và việc tiếp tục cho thuê gặp nhiều khó khăn. Doanh thu sản xuất kinh doanh dịch vụ trong 8 tháng đầu năm 2024 của đơn vị chỉ đạt bằng 48,9% dự toán thu hoạt động dịch vụ cả năm 2024...
Phó tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Tuấn Hùng
Chia sẻ với các cơ quan báo chí về những khó khăn, hạn chế trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao trong năm qua và các kiến nghị khác nhằm tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết sẽ ghi nhận và nghiên cứu, cân nhắc có ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền. Riêng về việc sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo, Thường trực Uỷ ban sẽ nghiên cứu trong thời gian tới khi thẩm tra Dự án Luật này.
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng ghi nhận kết quả các đơn vị đã thực hiện và đạt được trong những tháng đầu năm 2024; cơ bản đồng tình với những nhận định về tồn tại, hạn chế, khó khăn trong năm 2024 và dự kiến chương trình công tác năm 2025; ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của các đơn vị nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động thông tin, báo chí, xuất bản. Đồng thời cho rằng, ngành thông tin và truyền thông đã có những chỉ đạo quyết liệt, thực hiện hiệu quả công tác định hướng và quản lý thông tin. Công tác truyền thông, báo chí, xuất bản đã theo sát sự chỉ đạo, định hướng, thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới đông đảo quần chúng nhân dân, phản ánh những vấn đề nổi cộm được dư luận quan tâm, tích cực đấu tranh phản bác thông tin xấu độc, làm sạch không gian mạng, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Đã có nhiều xuất bản phẩm có nội dung tốt, có giá trị nhân văn, phản biện, đấu tranh với những tư tưởng sai trái, lệch lạc, đi ngược chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phạm Nam Tiến
Trong năm 2025, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thông tin, truyền thông bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả, đồng thời hỗ trợ, tháo gỡ những rào cản, vướng mắc, tạo điều kiện cho hoạt động báo chí, xuất bản phát triển. Theo đó, quan tâm, đẩy nhanh tiến độ rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí; tập trung hoàn thiện các văn bản thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP để tăng cường quản lý các nền tảng xuyên biên giới; sửa đổi Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14/3/2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản; quan tâm, hướng dẫn triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn về xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật của các cơ quan báo chí...
Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý báo chí, thực hiện giai đoạn 2 của Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, bảo đảm Nhà nước đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Tiếp tục rà soát, đánh giá tổng thể, chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh đối với tình trạng “báo hoá” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các Bộ, ngành để triển khai thống nhất, đồng bộ, kết hợp các giải pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, truyền thông để yêu cầu với các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ luật pháp Việt Nam; đầu tư nguồn lực về nhân sự, công nghệ ở Trung ương và địa phương để thực hiện giám sát, phát hiện và tăng cường xử lý kịp thời các vi phạm trên không gian mạng…
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh
Phát biểu kết thúc cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận công tác truyền thông, báo chí, xuất bản từ đầu năm đến nay của các đơn vị đã theo sát sự chỉ đạo, định hướng và có nhiều đổi mới; thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới đông đảo quần chúng nhân dân, tích cực đấu tranh phản bác thông tin sai lệch, xuyên tạc, đóng góp lớn vào tình hình phát triển của đất nước.
Lưu ý hiện nay đang là giai đoạn rất khó khăn với báo chí, cả về mặt cạnh tranh thông tin và kinh tế báo chí, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ tiếp tục đồng hành với Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như với các cơ quan báo chí, cố gắng truyền tải đầy đủ các kiến nghị xác đáng và xứng đáng nhằm sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho hoạt động báo chí, xuất bản phát triển hơn nữa trong thời gian tới. “Phải hỗ trợ, tạo điều kiện để báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ của mình và phát triển. Không để báo chí phải tự lo tất cả. Vấn đề hiện nay là phải nghiên cứu xây dựng các chính sách cụ thể, tháo gỡ được cái gì tốt cái đấy”, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.
Một số hình ảnh tại cuộc làm việc:
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chủ trì cuộc làm việc
Đại biểu tham dự cuộc làm việc
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Triệu Thế Hùng
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn
Ông Trần Như Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Thông tin và Truyền thông)
Phó Tổng biên tập Báo VietNamNet Hoàng Thị Bảo Hương
Các đại biểu tại cuộc làm việc