Vai trò của doanh nghiệp trong tham gia xây dựng và áp dụng Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu mới của thực tiễn
Chiều 05/10, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiếp tục tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 10. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Phương Tuấn chủ trì Phiên họp. Tham dự Phiên họp có các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo Bộ Khoa học và công nghệ cùng các cơ quan, đơn vị hữu quan.
Toàn cảnh Phiên họp
Tại Phiên họp, các đại biểu đã thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Đề cập về sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được Quốc hội thông qua năm 2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007 là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Luật được xây dựng và ban hành trong bối cảnh Việt Nam đàm phán, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), yêu cầu Việt Nam phải hoàn thiện khung pháp lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động xây dựng, thẩm định, công bố, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp, loại bỏ rào cản kỹ thuật thương mại không cần thiết, thúc đẩy thuận lợi hoá thương mại toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định
Qua thực tiễn hơn 15 năm thi hành, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã đưa hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được nâng lên cả chất và lượng; phân công thẩm quyền, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức minh bạch, phù hợp với quy định WTO và thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành luật thời gian qua cho thấy Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã phát sinh một số hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với các cam kết trong FTA thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, trước yêu cầu mới của thực tiễn, hội nhập quốc tế và nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật trên cơ sở phát huy ưu điểm và khắc phục các hạn chế của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật là rất cần thiết.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh: Ủy ban cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng chính sách pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhất là Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 30/7/2024 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, về cơ bản nội dung dự thảo luật đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng thời đã rà soát tính thống nhất với pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, việc rà soát ở một số luật còn mang tính liệt kê, chưa cụ thể, chưa chỉ rõ các điểm, khoản điều có nội dung vướng mắc, chồng chéo, xung đột và cách hiểu khi áp dụng pháp luật, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Các đại biểu Quốc hội và khách mời tham dự Phiên họp
Về tính tương thích với các điều ước quốc tế, Ủy ban KH,CN&MT thấy rằng, các quy định trong dự thảo Luật đã được bổ sung, sửa đổi là phù hợp với Hiệp định về rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), các quy định của Tổ chức tiêu chuẩn hóa Quốc tế và các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP...); các nội dung của dự thảo Luật cơ bản không có quy định mâu thuẫn với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Về phạm vi sửa đổi và tên gọi của dự thảo Luật, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 19 điều của 5 chương trên tổng số 71 điều, về cơ bản, những nội dung cốt lõi của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật hiện hành vẫn được giữ nguyên. Với phạm vi, nội dung sửa đổi như vậy, tên gọi của Luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều là phù hợp. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã triển khai thực hiện trên 17 năm; quy mô nền kinh tế và các mối quan hệ xã hội đã có nhiều thay đổi nên một số quy định trong Luật còn chưa phù hợp, chồng chéo, bất cập, vì thế, cần nghiên cứu, rà soát để sửa đổi toàn diện Luật. Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban thống nhất tên gọi theo Chính phủ trình.
Quy định rõ hơn về chính sách xã hội hóa trong hoạt động xây dựng, phổ biến, áp dụng tiêu chuẩn
Trong khuôn khổ Phiên họp, các đại biểu đóng góp vào các nội dung: xây dựng, thẩm định và ban hành quy chuẩn quốc gia; công tác xã hội hoá hoạt động xây dựng, phổ biến, áp dụng tiêu chuẩn; trách nhiệm quản lý nhà nước về Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật...
Đại biểu Thái Thị An Chung - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Nghệ An
Đóng góp ý kiến về xây dựng, thẩm định và ban hành quy chuẩn quốc gia, các đại biểu cho rằng, việc lập báo cáo đánh giá tác động trong xây dựng quy chuẩn Việt Nam cần quy định rõ trình tự các bước, nguyên tắc cơ bản cũng như trách nhiệm của cơ quan thực hiện đánh giá tác động; quy định rõ bộ chủ trì lập báo cáo đánh giá tác động với sự tham gia của các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của quy chuẩn Việt Nam liên quan nhằm đảm bảo quyền lợi của các đối tượng áp dụng quy chuẩn Việt Nam.
Đối với công tác xã hội hoá hoạt động xây dựng, phổ biến, áp dụng tiêu chuẩn, có ý kiến cho rằng cần rà soát, quy định đầy đủ, chi tiết hơn nữa các quy định về chính sách xã hội hóa trong hoạt động xây dựng, phổ biến, áp dụng tiêu chuẩn. Trong đó, nghiên cứu quy định các chính sách, cơ chế ưu đãi cụ thể hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất… cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động tiêu chuẩn hóa, nhất là đối với các lĩnh vực mới (như kiểm kê xác nhận khí nhà kính, phát triển bền vững, năng lượng sạch…).
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải
Đề cập về phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, nhiều đại biểu nêu quan điểm, cần bổ sung quy định làm rõ vai trò, trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ; nghiên cứu, quy định cụ thể, phân công trách nhiệm đơn vị chủ trì, phối hợp xây dựng, ban hành quy chuẩn Việt Nam liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều Bộ, ngành; quy định rõ cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, giữa trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu bổ sung quy định về Cơ quan tiêu chuẩn hóa Quốc gia trong dự thảo Luật, bảo đảm việc tuân thủ yêu cầu của Hiệp định TBT và thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên khi tham gia các Hiệp định Thương mại tự do.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn phát biểu kết luận
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp vào dự án Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn khẳng định, dự án Luật đủ tiêu chuẩn, điều kiện để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8; đồng thời đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật tiếp thu tối đa các ý kiến tại Phiên họp để rà soát, hoàn thiện dự án Luật, gửi cơ quan thẩm tra xem xét lại trước khi trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 tới./.