Toàn cảnh Hội nghị.
Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị. Cùng dự có các thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban thường vụ Quốc hội, đại diện Lãnh đạo Chính phủ, đại diện Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đại diện các cơ quan: Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế. Hội nghị trực tuyến có sự tham gia của 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Khắc Định trả lời các kiến nghị của địa phương về công tác bầu cử.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra sáng ngày 18/5 tại nhà Quốc hội, sau khi nghe các đề xuất, kiến nghị của nhiều địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Khắc Định đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, và nhận thấy công tác chuẩn bị bầu cử của các địa phương đến thời điểm này cơ bản đã hoàn thành tốt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường.
Trả lời các đề xuất, kiến nghị của Ủy ban bầu cử các tình, thành phố đưa ra tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Khắc Định đề nghị các địa phương tiếp tục nghiên cứu, quán triệt các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Hội đồng bầu cử Quốc gia đã đưa ra rất nhiều văn bản hướng dẫn về mọi lĩnh vực. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các vấn đề mà địa phương nêu ra tại Hội nghị về cơ bản đã hướng dẫn. Ngoài ra có 206 câu hỏi trong cuốn sách “Hỏi - Đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026” do Hội đồng bầu cử Quốc gia biên soạn. Nhiều vấn đề trong cuốn sách này đã được giải đáp rất cụ thể, có cập nhật thêm. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các địa phương quán triệt các vấn đề đã được hướng dẫn cụ thể để thực hiện.
Phó Chủ tịch Quốc hội Khắc Định nêu ví dụ ngày 17/5 đã nhận được văn bản số 38 của Ủy ban bầu cử tỉnh Bắc Ninh kiến nghị 6 vấn đề thì Hội đồng bầu cử Quốc gia đều đã có văn bản trả lời, giải đáp thắc mắc của địa phương.
Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các địa phương chủ động, linh hoạt khi xây dựng các phương án, kịch bản bầu cử phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của địa phương về phòng chống dịch bệnh, về thiên tai lũ lụt vì điều kiện mỗi địa phương khác nhau. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh nội dung này cũng đã có hướng dẫn với các địa phương. Do vậy mỗi địa phương phải tự chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch bầu cử, thiên tai lũ lụt có thể xảy ra nơi này nhưng lại không xảy ra ở nơi khác.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu ví dụ về vấn đề khai báo y tế khi đi bầu cử tại Quảng Ngãi. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, địa phương này đã gửi giấy khai báo y tế và thẻ cử tri tới các hộ gia đình để cử tri khai báo trước, đến ngày bầu cử chỉ cần đến nộp. Đây cũng là một cách làm hay, tiết kiệm thời gian. Hoặc về vấn đề khai mạc bầu cử, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng các địa phương không nhất thiết phải làm giống nhau.
Có địa phương kiến nghị, hiện nay toàn tỉnh của địa phương đó không có dịch bệnh thì không nhất thiết phải khai báo y tế, chỉ cần đo thân nhiệt, ghi chép thời gian bầu cử của cử tri theo Công điện số 668 của Bộ Y tế đã ban hành để tiện theo dõi.
Công điện số 668/CĐ-BYT của Bộ Y tế đã ban hành về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trước và trong thời gian bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 nêu rõ, các điểm tổ chức bầu cử đảm bảo thông thoáng; cử tri tham gia bầu cử đi vào và ra theo một chiều; thực hiện bầu cử theo cụm dân cư và theo thời gian; ghi chép thời gian bầu cử của cử tri để thuận lợi trong tổ chức quản lý và truy vết nếu có trường hợp nghi nhiễm hoặc nhiễm SARS-CoV-2. Đồng thời đảm bảo giãn cách và tuân thủ 5K tại khu vực tổ chức bầu cử.
Về vấn đề bầu cử sớm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết Luật Bầu cử cho phép Hội đồng bầu cử Quốc gia có thể chỉ đạo các địa phương thực hiện bầu cử sớm. Cụ thể, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã cho phép 15 tỉnh, thành thực hiện bầu cử sớm. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị địa phương nào có nhu cầu thực hiện bầu cử sớm thì gửi văn bản riêng, nói rõ khu vực nào, địa điểm nào, điều kiện gì theo Điều 72 của Luật Bầu cử. Khi có văn bản riêng gửi lên Hội đồng bầu cử Quốc gia thì địa phương sẽ được giải quyết vấn đề này.
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tại Điều 72 quy định: “Trường hợp đặc biệt cần hoãn ngày bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu sớm hơn ngày quy định, Ủy ban bầu cử trình Hội đồng bầu cử Quốc gia xem xét, quyết định”.
Về chế độ thông tin báo cáo trong ngày bầu cử, theo quy định trong ngày bầu cử cứ 2 tiếng báo cáo một lần, bắt đầu từ 9h sáng, một số địa phương đề nghị Hội đồng bầu cử Quốc gia xem xét, điều chỉnh vấn đề này trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng khi có vấn đề đột xuất, phát sinh bất ngờ thì phải báo cáo ngay, không nhất thiết 2 tiếng báo cáo một lần. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong ngày bầu cử có thể chia thời gian báo cáo thành 3 lần, cụ thể: buổi sáng báo cáo vào 11h, buổi chiều báo cáo lúc 17h và buổi tối báo cáo lúc 20h. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị địa phương nào làm xong trước thì báo cáo trước, không nhất thiết phải báo cáo 2 tiếng 1 lần vì công tác tổng hợp, thống kê rất vất vả, và trong bối cảnh dịch bệnh, một số địa phương khó thực hiện.
Về vấn đề kinh phí, nhiều địa phương cho biết hiện gặp khó khăn do thiếu kinh phí vì thực tiễn địa phương phải tách tổ bầu cử, phải bổ sung thêm thành viên tổ bầu cử, bổ sung thêm con dấu, phải làm thêm thùng phiếu phụ… Đây là những chi phí thực tế, do vậy Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết theo nguyên tắc có chi thì có cấp, vấn đề này đề nghị Hội đồng bầu cử Quốc gia có kết luận để kiến nghị với Chính phủ giải quyết trên cơ sở chi thật của các địa phương.
Một số địa phương đề nghị tập hợp những kiến nghị, vướng mắc như hiện nay chưa rõ luật, có một số vấn đề thực tiễn mà luật chưa quy định để phục vụ cho việc sửa Luật Bầu cử và chuẩn bị khắc phục những thiếu sót cho cuộc bầu cử lần sau. Về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết Hội đồng bầu cử Quốc gia sẽ tổng hợp các ý kiến, kiến nghị này và có chỉ đạo trong thời gian tới./.