Ðây là phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của QH khóa XII với nhiều đại biểu QH mới cũng như các thành viên mới trong Chính phủ. Cũng là lần đầu tiên, việc trả lời chất vấn kết hợp trả lời các kiến nghị của cử tri. Việc đổi mới cách thức tiến hành khiến hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn không còn diễn ra "một chiều" như trước.
Các ý kiến chất vấn của đại biểu QH cơ bản nêu lên những nội dung chính mà các cử tri quan tâm trong bản tổng hợp ý kiến 1.008 cử tri mà Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trình Quốc hội.
Ðó là các vấn đề kinh tế tăng trưởng cao nhưng còn bộc lộ nhiều yếu tố chưa bền vững, nhiều nguyên liệu sản xuất và hàng tiêu dùng chủ yếu vẫn là nhập khẩu, nhập siêu so với các năm trước và chưa thấy hướng xử lý; giá cả vật tư thiết yếu cung cấp cho sản xuất và hàng tiêu dùng phục vụ đời sống nhân dân tăng cao so với năm trước, trong khi thu nhập và đời sống thực tế của đại bộ phận nhân dân không được cải thiện, thậm chí có bộ phận còn giảm; nhu cầu việc làm và giải quyết việc làm cho thanh niên ngày càng gay gắt; chênh lệch đời sống nhân dân giữa nông thôn và thành thị ngày càng lớn.
Việc huy động và sử dụng vốn đầu tư hiệu quả chưa cao; nhiều công trình xây dựng tiến độ chậm, chất lượng kém. Chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học còn nhiều vấn đề chưa phù hợp yêu cầu thực tiễn nhưng chậm được sửa chữa, khắc phục. Khi làm rõ vấn đề thì mới thấy chất lượng "dạy của thầy", "học của trò" nhiều nơi rất kém, giáo viên đứng nhầm chỗ, học sinh ngồi nhầm lớp và tiêu cực trong giáo dục vẫn còn khá phổ biến.
Việc khám, chữa bệnh cho nhân dân ở bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh chưa được coi trọng, chưa đáp ứng yêu cầu; tình trạng vòi vĩnh gây phiền hà của một số y, bác sĩ khiến người bệnh bất bình; chính sách bảo hiểm y tế còn nhiều bất cập... làm cho người bệnh trong diện chính sách, người bệnh nghèo gặp không ít khó khăn, lo lắng khi đau ốm.
Tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải sinh hoạt, chất thải của các nhà máy, làng nghề, các khu công nghiệp vẫn diễn ra nghiêm trọng. Nhiều dòng sông bị ô nhiễm nặng nề, một số trở thành "dòng sông chết".
Tình trạng mất vệ sinh, an toàn thực phẩm; dịch bệnh ở người, ở cây trồng, vật nuôi vẫn diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất, sức khỏe và đời sống của nhân dân. Các ý kiến cũng chỉ rõ những nổi cộm trong lĩnh vực an toàn giao thông; tình trạng tham nhũng, tiêu cực; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân...
Các câu hỏi mà các đại biểu nêu ra đối với các bộ trưởng đã thể hiện rõ những vấn đề bức xúc, thiết thực mà cử tri quan tâm. Nhiều câu hỏi đi vào chiều sâu của vấn đề. Phần trả lời hầu hết đã đi thẳng vào trọng tâm các câu hỏi. Về cơ bản, các bộ trưởng đã chuẩn bị kỹ để trả lời chất vấn, tỏ rõ trách nhiệm, sự trăn trở và quan tâm cao trong việc tập trung tháo gỡ khó khăn, thể hiện tốt hơn những mong muốn của nhân dân.
Phần trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Thiện Nhân được đánh giá là gọn và rõ, giúp đại biểu QH và cử tri cả nước hiểu rõ về chất lượng giáo dục hiện nay và việc xã hội hóa giáo dục.
Bộ trưởng đã trả lời khá cụ thể, nội dung sát với câu hỏi đại biểu QH chất vấn, nêu được những bức xúc hiện tại và mạnh dạn nhận trách nhiệm về những hạn chế của ngành, cũng như đưa ra được những giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, như tăng tiền lương cho giáo viên, nhất là giáo viên ở vùng sâu, vùng xa đã về hưu, chưa có điều kiện về ở miền xuôi thì sẽ có chính sách đặc thù, lâu dài; chính sách cử tuyển đối với con em đồng bào dân tộc sẽ tăng về chỉ tiêu, mở rộng đối tượng.
Là một trong những Bộ trưởng mới, thời gian đảm nhiệm chức vụ chưa lâu, nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã trả lời thẳng thắn, cụ thể về nhiều vấn đề quan trọng như: Giải trình về bảo hiểm y tế tự nguyện; Chính sách viện phí, tình trạng thiếu bác sĩ ở cơ sở, gây quá tải ở trung ương; giá thuốc tăng; cơ sở khoa học nào đã phân lập vi khuẩn tả trong loại nước chấm "bị" Bộ Y tế cho là "thủ phạm" gây tiêu chảy cấp...
Bộ trưởng cũng nêu những kế hoạch cụ thể, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhất là cho người nghèo. Với 17 câu hỏi chất vấn của 16 đại biểu QH, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đã báo cáo rõ hơn trước QH hai vấn đề được cử tri và đại biểu QH quan tâm là tình trạng giải ngân chậm và chỉ số giá tiêu dùng tăng cao trong thời gian qua.
Trước bức xúc của cử tri cả nước về trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc tăng giá làm ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống nhân dân, Bộ trưởng nhìn nhận việc dự báo tình hình giá cả của các cơ quan chức năng chưa hiệu quả do chưa lường hết những diễn biến giá cả trên thị trường thế giới.
Ðặc biệt, phần giải trình chất vấn của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng thừa ủy quyền của Thủ tướng đã được các đại biểu QH đánh giá rất cao. Liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ đối với những sai phạm trong Ðề án 112, Phó Thủ tướng khẳng định đây là một đề án lớn với số tiền dự toán thực hiện lên tới 3.800 tỷ đồng, là một trong bảy chương trình hiện đại hóa hành chính Nhà nước.
Tuy nhiên với một đề án lớn và là một lĩnh vực mới, Chính phủ thừa nhận chưa có kinh nghiệm trong việc lựa chọn cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện đề án này (cụ thể là Văn phòng Chính phủ). Bên cạnh đó, việc sắp xếp cán bộ tham gia chỉ đạo, quản lý đề án này của Chính phủ cũng không hợp lý. Các thành viên của Ban quản lý Ðề án phần lớn đều kiêm nhiệm, không thường xuyên hoạt động, lại làm công tác quản lý một đề án lớn, dẫn đến xảy ra nhiều sai sót.
Tính đến cuối năm 2005, cả năm mục tiêu cụ thể của đề án đều chưa hoàn thành. Một sơ suất nữa của Chính phủ là không kịp thời chuyển giao nhiệm vụ của Ban quản lý Ðề án này cho một cơ quan chuyên môn hơn khi đó mới được thành lập là Bộ Bưu chính - Viễn thông.
Những sai lầm trong quản lý dự án, buông lỏng, thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả đã tạo kẽ hở cho những sai phạm xảy ra. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Chính phủ nhận trách nhiệm và làm kiểm điểm nghiêm túc, coi đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu QH vẫn chưa hài lòng và thỏa mãn với việc trả lời của một số thành viên Chính phủ. Nhiều vấn đề trả lời còn chung chung, chưa nêu được những giải pháp cụ thể, là vấn đề cử tri rất quan tâm... Nhiều vấn đề đã được kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết đến nơi, đến chốn.
Dù cũng đã được yêu cầu trả lời ngắn gọn, không vòng vo, né tránh, không "báo cáo thành tích", giải trình... nhưng vẫn có Bộ trưởng trả lời các chất vấn chưa rõ ý, chưa đi thẳng vào vấn đề và chưa mạnh dạn nhận trách nhiệm về những tồn tại của ngành mình. Về phía người chất vấn, một số đại biểu nêu câu hỏi còn dài dòng, chưa đi thẳng vào vấn đề, chưa thực đúng tầm, hoặc "rơi" vào chuyện sự vụ địa phương. Nhiều câu hỏi còn dài, trùng lặp với các đại biểu trước đó.
Kết thúc phần chất vấn của Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, nhận xét: "Bộ trưởng Bộ GTVT nhiều lần nhận trách nhiệm là còn yếu kém trong quản lý và hứa sẽ đi thực tế để kiểm tra, xử lý. Ðề nghị Bộ trưởng quyết liệt làm cho bằng được. Mong kỳ họp sau, khi báo cáo với Quốc hội, Bộ trưởng sẽ đưa ra được con số những dự án nào đã được giải quyết triệt để".
Thực tế từ các khóa QH trước cho thấy đại biểu QH và cử tri còn chưa hài lòng về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, nhất là hiệu quả của hoạt động này. Nhiều vấn đề được đặt ra hết phiên này đến phiên khác vẫn chưa được giải quyết. Thậm chí một số trả lời chất vấn còn vòng vo, đùn đẩy và né tránh trách nhiệm. Vì thế, nhiều đại biểu cho rằng nên có giám sát và chế tài cụ thể để hoạt động chất vấn hiệu quả hơn.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng cho rằng: QH phải là một diễn đàn tranh luận. Hiện phát biểu trên QH thường vẫn là có chuẩn bị trước, yếu tố tranh luận còn ít. Ngoài những vấn đề QH hoặc đại biểu chuẩn bị sẵn, cần có những trao đổi trực tiếp mang tính tranh luận để giúp QH, Ðoàn Chủ tịch QH nhiều hơn. Các bộ trưởng cũng sẽ điều trần trước Ủy ban Thường vụ QH hoặc Ủy ban của QH để có thời gian phân tích kỹ các vấn đề.
Tại kỳ họp này đã có hơn 200 ý kiến chất vấn của 107 đại biểu QH gửi đến Chính phủ, liên quan đến lĩnh vực phụ trách của 21 bộ, ngành. Có 31 chất vấn gửi đến Chính phủ, trong đó 17 chất vấn gửi đích danh Thủ tướng.
So với kỳ họp thứ 10 tháng 11-2006 của Quốc hội Khóa XI, chỉ có 195 chất vấn của 94 đại biểu QH, kỳ họp thứ 11 Khóa XI tháng 3-2007 chỉ có 41 chất vấn của 22 đại biểu, thì con số này thể hiện sự kỳ vọng lớn của cử tri: Việc chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng thực chất và hiệu quả hơn, đề cao trách nhiệm đối với QH, tức là đối với nhân dân.
Thực tế, chất vấn và trả lời chất vấn không chỉ tạo nên không khí sinh động, cởi mở, thẳng thắn và dân chủ, mà quan trọng hơn là cơ hội để QH, các đại biểu QH và mỗi cử tri có thể kiểm tra, đánh giá và giám sát chất lượng hoạt động cũng như trách nhiệm quản lý điều hành của cá nhân người đứng đầu và các cơ quan trong bộ máy Nhà nước.
Ðồng thời QH có thêm thông tin đánh giá hiệu quả của hoạt động lập pháp và giám sát để trên cơ sở đó bổ sung, hoàn thiện. Ðây là hoạt động giám sát tối cao của QH và là phần quan trọng của mỗi kỳ họp QH.