Chính vì thế, đằng sau việc ghi nhận những tâm tư, nguyên vọng, đề đạt của bà con là nỗi day dứt, chia sẻ nhọc nhằn, gian khó...
Ngày 26.11, tại Sơn Mỹ, Hương Sơn, Hà Tĩnh, gần 200 cử tri đã có mặt tại Hội trường UBND xã để bày tỏ tâm tư, nguyên vọng của bà con vùng lũ với các ĐBQH. Có vẻ như làng xóm, nhà cửa vẫn bình yên nhưng nhìn những con đường phủ đầy bụi đỏ phù sa, nhìn những nét mặt ưu tư, khắc khổ, nghe bà con phản ánh mới thấu hiểu nổi nhọc nhằn của người dân nơi đây. Ông Nguyễn Văn Bảy nói rằng, chưa có thời điểm nào mà người dân lại gặp khó khăn như lúc này. Mặc dù nhà nước đã có chính sách hỗ trợ về lương thực, về giống nhưng tình trạng thiếu đói đang rình rập, khi đang năm cùng tháng tận. Ý kiến của nhiều cử tri đã đánh giá cao hoạt động của QH kỳ vừa qua, nhất là việc chất vấn và trả lời chất vấn. Cử tri nói rằng, hoạt động QH đã đưa lại những lợi ích thiết thực cho người dân như quyết định miễn thuỷ lợi phí, quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm... Nhưng cuối cùng, đa số ý kiến đều tập trung vào chính sách tam nông, chính sách với người có công, với cán bộ cơ sở; Hỗ trợ giống, thủy lợi để phát triển sản xuất. Nhiều ý kiến đề xuất Nhà nước phải có những chính sách cụ thể để giảm thiểu khó khăn của đời sống nhân dân và có chính sách với cán bộ cơ sở, đặc biệt là cán bộ cấp phó.
Là người đã từng một thời gian dài lăn lộn ở cơ sở, khi còn là Bí thư Tỉnh đoàn rồi Phó chủ tịch, Chủ tịch UBND tỉnh và Bí thư Tỉnh ủy, Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn đã bao nhiêu năm lăn lội với bà con để chống lũ, chống bão, vượt qua bao mùa giáp hạt. Nói với cử tri, Chủ nhiệm day dứt: Một đất nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới mà để dân đói, dân khổ là không thể chấp nhận được. Cánh đồng ngô Sơn Giang bạt ngàn. Nương ngô ngoài bãi sau lũ đang phất cờ ven sông Ngàn Phố của mùa đông se lạnh. Mà có ai ngờ rằng, người dân Sơn Giang, người dân vùng lũ Hương Sơn năm nay phải 3 lần gieo hạt trồng ngô nay mới có cơ hội thu hoạch. Đời sống của bao người nông dân chỉ còn trông vào vụ ngô đông này. Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Hoàng Cao Thanh cho biết: Riêng cơn bão số 2 và số 5 vừa qua đã làm cho huyện mất trắng 1.608ha lúa mùa, toàn bộ 2.340ha đề bị ngập, thiệt hại tới 830 tấn. Nhiều công trình cầu cống, thủy lợi bị sạt lở, phá hỏng thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Mặc dù Nhà nước đã trích hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ giống cho bà con nhưng vẫn chưa thể vực dậy được sản xuất. Nhiều người dân, hàng chục năm trời mới cất được một nóc nhà nay trắng tay, thiếu đói do lũ lụt. Nếu không có sự trợ giúp, không biết bao giờ những người nông dân vùng lũ mới có thể gượng dậy được. Trước nỗi bức xúc của bà con, Chủ nhiệm Trần Đình Đàn yêu cầu chính quyền địa phương phải có thống kê đầy đủ, chính xác những hộ nghèo, hộ đói, những hộ thực sự đói ăn, đứt bữa để đề Nhà nước hỗ trợ. Chủ nhiệm cho rằng, Nhà nước cần phải có chính sách cụ thể nhằm giảm thiểu khó khăn cho dân, nếu thiếu gạo thì cần phải hỗ trợ thóc gạo, hỗ trợ giống để bà con có điều kiện sản xuất trở lại, nhất thiết không để dân đói, đứt bữa. “Dân cứ kêu nhưng cán bộ cơ sở không đề đạt thì làm sao giải quyết được khó khăn”. Chủ nhiệm nói rằng, về lâu dài, cần nghiên cứu để làm sao người dân có thể chung sống với lũ...
Cuộc tiếp xúc cử tri tại xã Ân Phú, huyện Vũ Quang đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh. Ân Phú là xã ba bề giáp núi, một bề giáp sông Ngàn Phố. Nhiều người nói đùa rằng, Ân Phú nếu không là quê của nhà thơ Huy Cận thì không ai biết Ân Phú là đâu. Là một xã vùng núi, trước đây thuộc Hương Sơn, rồi Đức Thọ và nay là xã thuộc huyện Vũ Quang. Có thể nói đây là xã đặc biệt khó khăn. Toàn xã có đến 57% hộ nghèo, người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng ngô, trồng lạc và một ít diện tích cấy lúa. Lại nằm ven sông nên cứ lũ lụt là người dân trắng tay. Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang cho biết, mùa lũ vừa qua, từ trung tâm huyện vào cứu trợ Ân Phú phải đi đò, đường bộ ngập nước đến 2- 3 mét, không thể đi được. Còn người dân, để sống chung với lũ thì từ bao năm nay, mỗi nhà đều phải sắm lấy một chiếc thuyền, một “gầm chạn” để tồn tại. Giao thông đi lại khó khăn, xa trung tâm huyện, xa quốc lộ, lũ lụt triền miên, người dân biết làm gì để sống?
Nói với bà con Ân Phú, Chủ nhiệm Trần Đình Đàn đề nghị tỉnh phải gấp rút đầu tư đường giao thông liên xã để tạo thông thương. “Có đường, bà con mới có cơ hội để mua bán, trao đổi hàng hóa. Có đường, các nhà đầu tư mới có thể vào để thu mua nông, lâm sản, thậm chí để đầu tư”. Chủ nhiệm tâm tình, để Ân Phú thoát nghèo, không có con đường nào khác là khuyến khích con em học hành, học nghề để tham gia lao động trong ngành công nghiệp. Nhà máy Thép tại Khu kinh tế Vũng Áng cần tuyển 1.000 lao động nhưng nay mới chỉ tuyển chưa được một nửa. Vậy thì, tại sao không khuyến khích con em học nghề để thoát khỏi cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”!
Nhớ về 5 năm trước, có thể nói Hà Tĩnh vẫn trắng tay về công nghiệp. Khi đó, Khu kinh tế Vũng Áng mặc dù đã được xây dựng nhưng không có nhà đầu tư nào vào. Thế mà, chỉ trong một nhiệm kỳ, mọi sự đã thay đổi. Đến năm 2006, hàng chục dự án đầu tư như: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng, Nhà máy Luyện thép Vũng Áng; Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê và nhiều công trình, dự án đầu tư khác có tổng mức đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng đã đặt nền móng cho một Hà Tĩnh công nghiệp hóa trong tương lai. Có thể sau bao nhiêu năm lăn lộn với địa phương, lăn lộn với đói nghèo và lũ lụt, cũng như bao người dân Hà Tĩnh, Chủ nhiệm là người rất thấm thía với kiếp đói nghèo của một vùng quê khốn khó. Phải chăng, chính vì thế mà chính quyền Hà Tĩnh và Chủ nhiệm trước đây đã bấm bùng, đoàn kết vượt qua khó khăn để gây dựng một Hà Tĩnh công nghiệp hóa trong tương lai.
Về thăm rốn lũ lần này, vẫn day dứt với bà con vùng rốn lũ nhưng đối với mỗi người đại biểu dân cử hay với từng dân Hà Tĩnh, mặc cảm đói nghèo bao đời hy vọng sẽ dần lùi vào dĩ vãng. Bởi vì, một “Hà Tĩnh bình yên và phát triển” đang dần ló dạng!