10 sự kiện của QH và HĐND

03/01/2008 06:01

1.Kỳ họp thứ 11, QH Khóa XI tổ chức từ ngày 20.3 đến 2.4 đánh dấu sự kết thúc của nhiệm kỳ QH Khóa XI (2002- 2007)- nhiệm kỳ mà QH đã đạt được nhiều thành tựu trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Trong đó phải kể đến kỷ lục về lập pháp, QH đã thông qua 84 luật, bộ luật - gấp 2 lần nhiệm kỳ QH Khóa X. Tại Kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Khóa XI, QH đã thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH, trong đó đã thành lập 4 UB mới là UB Pháp luật, UB Tư pháp, UB Kinh tế và UB Tài chính- Ngân sách trên cơ sở chia tách UB Pháp luật, UB Kinh tế và Ngân sách. Đây được coi là một bước tiến mới trong việc hoàn thiện tổ chức bộ máy của QH đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng hoạt động của QH, các cơ quan của QH trong thời kỳ đổi mới.   

2. Cũng tại Kỳ họp thứ 11, QH Khóa XI, QH đã thông qua Nghị quyết về phương án xây dựng Nhà QH tại Lô D, khu Trung tâm chính trị Ba Đình.  Phương án thiết kế được nhiều người chú ý nhất trong số 17 phương án kiến trúc Nhà QH được trưng bày tại Hà Nội để nhân dân tham quan và đóng góp ý kiến là phương án đạt giải A, mang mã số L787.

3. Ngày 20.5, cả nước tiến hành cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XII, là ngày hội lớn, là sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước. Cuộc bầu cử đã thành công tốt đẹp. Cử tri và nhân dân cả nước đã sáng suốt lựa chọn và bầu được 493 đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các dân tộc trên cả nước tham gia QH Khoá XII.

4. Ngày 2.8, QH Khóa XII đã tiến hành Kỳ họp thứ Nhất. Tại Kỳ họp này, QH đã quyết đáp những vấn đề quan trọng về nhân sự cấp cao của Nhà nước. QH đã bầu, phê chuẩn: Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch QH; Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao; Các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Phó chủ tịch QH; 22 Bộ trưởng và các thành viên của Chính phủ; 13 Ủy viên UBTVQH, Chủ tịch HĐDT và Chủ nhiệm các UB của QH. 

5. QH Việt Nam được bầu vào Ban Chấp hành Liên minh nghị viện thế giới (IPU) tại kỳ họp thứ 117 Đại hội đồng IPU được tổ chức từ ngày 6-10.10.2007. Đại diện của QH Việt Nam là Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại, Phó Chủ tịch Đoàn Việt Nam trong IPU Ngô Anh Dũng cùng với nghị sỹ Hàn Quốc Yoo Jay Kun là hai đại diện duy nhất cho khu vực châu Á- Thái Bình Dương được bầu vào Ban Chấp hành IPU gồm 13 thành viên. Việc đại diện QH nước ta được bầu vào Ban Chấp hành IPU là điều kiện thuận lợi để cơ quan lập pháp Việt Nam có điều kiện đẩy mạnh hơn hoạt động ngoại giao nghị viện, góp phần nâng cao vị thế của QH Việt Nam trên trường quốc tế.

6. Lần đầu tiên, HĐND Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn giữa hai kỳ họp. Đây là nét mới trong hoạt động giám sát của đại biểu dân cử nói chung và đại biểu HĐND nói riêng trong nỗ lực lắng nghe, giải quyết kịp thời những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

7. Kỷ niệm 30 năm thành lập AIPO/AIPA là sáng kiến của QH Việt Nam đưa ra tại Đại hội đồng AIPO- 27 và đã được các nghị viện thành viên chấp nhận và triển khai thực hiện tại các quốc gia của mình. Lễ mít tinh kỷ niệm của QH Việt Nam được tổ chức trọng thể tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội. Phát biểu tại Lễ mít tinh, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trở thành thành viên chính thức của AIPA từ tháng 9.1995, QH Việt Nam đã chủ động tham gia vào các hoạt động của tổ chức, tích cực triển khai thực hiện các chương trình hành động và Nghị quyết của AIPA, đóng góp quan trọng vào việc củng cố tình đoàn kết và sự thống nhất nội khối, mở rộng sự hợp tác với nghị viện trong và ngoài khu vực, qua đó góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, tạo điều kiện để kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với các nền kinh tế khu vực và toàn cầu”. 12 năm kể từ khi gia nhập AIPO/ AIPA, QH Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến có giá trị, góp phần chia sẻ và hỗ trợ Chính phủ các nước ASEAN giải quyết những vấn đề ưu tiên của khu vực. Với cương vị Chủ tịch AIPA nhiệm kỳ 2001- 2002, QH Việt Nam đã điều hành và tổ chức thành công Kỳ họp Đại hội đồng AIPO- 23 tại Hà Nội, để lại dấu ấn Việt Nam đậm nét trong lòng bạn bè quốc tế. Trong tổng số 33 nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp Đại hội đồng lần này, 20 nghị quyết do Việt Nam đề xuất đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

8. Sau chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Hai, QH Khóa XII, QH có hình thức ghi Biên bản tóm tắt các phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Biên bản này được gửi tới Thủ tướng, các Phó thủ tướng, các Bộ trưởng, trưởng ngành, các ĐBQH và các cơ quan hữu quan nhằm tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết có hiệu quả những nội dung đã được đưa ra tại phiên chất vấn, những điều người trả lời chất vấn đã hứa; Đồng thời tạo thuận lợi hơn cho QH, các ĐBQH, các Đoàn ĐBQH và nhân dân trong việc theo dõi, đôn đốc và giám sát. Đây là một trong những cải tiến, thể hiện quyết tâm giám sát và giám sát đến cùng của QH. 

9. Ngày 11.12, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 545/2007/UBTVQH12 về việc thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Việc hợp nhất hai Văn phòng nêu trên kết hợp được nhiều mặt mạnh, sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ, các điều kiện vật chất để làm tốt hơn công tác tham mưu, phục vụ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày hôm nay- 1.1.2008.

10. Báo NĐBND trao tặng thưởng về đề tài QH và HĐND: Năm 2007, Báo NĐBND trao 7 tặng thưởng đặc biệt, 8 tặng thưởng 2007, và 3 tặng thưởng khuyến khích- Một con số cho thấy đề tài QH và HĐND đã trở thành truyền thống mà vẫn có sức hút mạnh đối với những người làm báo. Tặng thưởng năm 2007 lần đầu có sự góp mặt của Nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An; ĐBQH, Hòa thượng Thích Chơn Thiện; Nguyên Chủ nhiệm UB Pháp luật Vũ Đức Khiển...

 

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)