180 cơ số thuốc phòng chống dịch đã được chuyển đến các tỉnh bị lũ

10/10/2007 01:19

Ngày 8/10, Bộ Y tế cho biết đã chuyển 180 cơ số thuốc phòng chống dịch bệnh về các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An và Thanh Hóa... bị bão lũ, trong đó tỉnh Nghệ An được dành 30 cơ số thuốc, Thanh Hóa 30 cơ số thuốc... Bộ cũng đã cử đoàn cán bộ đến góp phần khắc phục hậu quả bão lũ tại các tỉnh này.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương: tính đến 9 giờ ngày 8/10, cơn bão số 5 và lũ sau bão đã gây thiệt hại cho 9 tỉnh, làm 66 người chết và mất tích.

Theo báo cáo của Sở Y tế Nghệ An, hiện nay các huyện miền Tây vẫn đang bị lũ chia cắt, thông tin liên lạc bị gián đoạn nên chưa tổng hợp đầy đủ thiệt hại về người và cơ sở vật chất. Tỉnh mới xác định được số người chết là 4, mất tích 2 và 14 người bị lũ cuốn trôi; huyện Quỳ Châu bị thương 5 người. Hiện nay tại Bệnh viện Quế Phong còn 60 bệnh nhân đang điều trị, bệnh viện vẫn đủ thuốc điều trị...

Tại Thanh Hóa, tính đến nay đã có 14 người chết, 10 người bị thương. Hiện nay nước đang xuống nhưng huyện Thạch Thành vẫn đang ngập nước; bệnh viện huyện vẫn bị nước cô lập với xung quanh và ngập toàn bộ tầng 1. Những bệnh nhân nhẹ đã được chuyển tới Trường Dân tộc nội trú để tiếp tục điều trị, 42 bệnh nhân vừa và nặng đang tiếp tục được điều trị tại tầng 2, không phải chuyển viện. Tuy khó khăn nhưng các hoạt động chuyên môn vẫn diễn ra bình thường. Bệnh viện đã phẫu thuật cho 2 bệnh nhân, hiện vẫn đủ thuốc điều trị.

Tại Ninh Bình có 1 người chết do bị lũ cuốn, hiện tại có 20 xã bị ngập nước (Nho Quan có 16 xã và Gia Viễn có 4 xã), Sở Y tế đã cấp 45 cơ số thuốc, 200 kg ChloraminB, 100 kg phèn chua, 100.000 gói thuốc chữa nước ăn chân và 25.000 lọ thuốc tra mắt, đồng thời cử cán bộ cùng với y tế các huyện kiểm tra, hướng dẫn công tác tác phòng chống dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân vùng ngập lụt.

Để chủ động phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh: Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khẩn trương phân công cán bộ y tế bám sát phục vụ nhân dân ở mọi nơi, đồng thời có phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và cán bộ y tế. Các cơ sở điều trị tổ chức trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng thu dung và cấp cứu miễn phí cho nạn nhân do lũ, lụt gây ra; chuyển các đội cấp cứu cơ động vào trạng thái sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có lệnh. Các công ty Dược, Thiết bị y tế Trung ương và các đơn vị trực thuộc Bộ tổ chức bảo vệ các phương tiện, máy móc, vật tư, các kho thuốc, hóa chất, không để mưa lũ gây hư hỏng hoặc phát tán gây ô nhiễm môi trường. Sở Y tế các tỉnh cần chuẩn bị sẵn các cơ số thuốc, hóa chất, thiết bị phương tiện và các phân đội y tế cơ động, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra.

 

(http://www.hanoimoi.com.vn)