"Nóng" cuộc đua tăng lãi suất tiền đồng

21/02/2008 02:17

Sau các ngân hàng VIB Bank, ABBANK, Techcombank, một loạt ngân hàng TMCP khác vừa thông báo tăng lãi suất huy động tiết kiệm, với mức tăng từ 0,12% đến trên 1%.

 Nguyên nhân chính của cuộc đua tăng lãi suất này là do vốn VND đang khan hiếm.

Ngày 18/2, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chính thức điều chỉnh tăng lãi suất huy động cơ bản trên toàn hệ thống, áp dụng đối với tiền đồng cho tất cả các kỳ hạn. Theo đó, các mức tăng lãi suất huy động của Sacombank tăng từ 0,36% đến 0,6%/năm cho tất cả các kỳ hạn, cộng thêm những ưu đãi của tiền gửi tiết kiệm bậc thang và những tiện ích của tiền gửi tiết kiệm rút gốc linh hoạt.

Trước đó, ngày 15/2, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) tăng lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm đối với tiền VND, với mức tăng từ 0,12% đến 0,42% tại tất cả các kỳ hạn. Với biểu lãi suất mới này tại SeABank, lãi suất kỳ hạn 1 tháng là 7,20%/năm; 2 tháng là 7,8%/năm; 3 tháng: 9,12%/năm, lãi suất các kỳ hạn 6, 7, 9 tháng là 9,24%/năm. Đặc biệt, lãi suất các kỳ hạn 12,13,15 tháng lên tới 9,90%/năm, tăng tới 0,42% so với mức lãi suất trước đây. Lãi suất tiền gửi 18 tháng là 9,96%/năm và 24 tháng là 10,02%/năm.

Với hình thức tiết kiệm không kỳ hạn, lãi suất đối với đồng VND là 3,6%/năm. Lãi suất áp dụng đối với hình thức Tiền gửi tiết kiệm bậc thang VND tăng dao động từ 0,1% đến 0,45%/năm. Lãi suất Tiền gửi tiết kiệm rút gốc linh hoạt VND 6 tháng là 8,64%/năm; 9 tháng là 8,72%/năm; 12 tháng là 9%/năm, 24 tháng là 9,36%/năm…

Không nằm ngoài cuộc đua, ngày 16/2, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) chính thức thực hiện tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi thanh toán bằng VND ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng tới 36 tháng, với mức tăng thêm từ 0,36%/năm tới 0,6%/năm so với mức lãi suất trước đó. Theo đó, lãi suất cho kỳ hạn 36 tháng ở mức 0,850%/tháng. Đặc biệt, đối với sản phẩm Tiền gửi Tiết Kiệm 5+ bằng VND, kỳ rút vốn và lãi trước hạn với kỳ hạn 3 tháng được điều chỉnh tăng lên mức 0,77%/tháng, 6 tháng: 0,78%/tháng; 12 tháng: 0,815%/tháng. Đây là đợt điều chỉnh mức lãi suất tiền gửi ở tất cả các kỳ hạn có biên độ lớn nhất của ACB trong thời gian vừa qua.

Điều chỉnh tăng mạnh nhất trong đợt này là Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBank). Kể từ ngày 18/2, VPBank chính thức áp dụng trên toàn hệ thống biểu lãi suất huy động VND mới. Lần điều chỉnh này, VPBank tăng mạnh lãi suất huy động các kỳ hạn 1, 2, 3, 6, 7, 9, 12 tháng với mức điều chỉnh tăng thấp nhất là 0,6%/năm và cao nhất lên tới 1,02%/năm. Mức lãi suất 36 tháng lên tới 9,96%/năm.

Để thu hút khách hàng, Ngân hàng này còn triển khai sản phẩm huy động vốn hoàn toàn mới là “Tiền gửi bù lạm phát”. “Tiền gửi bù lạm phát” áp dụng đối với khách hàng là tổ chức và cá nhân gửi tiền VND lĩnh lãi cuối kỳ tại VPBank loại kỳ hạn 12 tháng theo hình thức gửi thông thường. Khách hàng tham gia sản phẩm trên, ngoài mức lãi suất ban đầu, sẽ được VPBank cam kết bù thêm một phần hoặc toàn bộ phần chênh lệch lãi suất giữa lãi suất tiền gửi và tỷ lệ lạm phát thực tế.

Cuộc đua tăng lãi suất đợt này xuất phát từ tình trạng khan hiếm tiền đồng trước việc quy định nâng hạn mức dự trữ bắt buộc từ 10% lên 11% từ tháng 2/2008; quy định tổ chức tín dụng phải mua tổng cộng 20.300 tỷ đồng tín phiếu từ Ngân hàng Nhà nước, được phát hành vào ngày 17/3. Vì vậy, không ít ngân hàng buộc phải hạn chế cho vay và tìm cách tăng thu hút tiền huy động để huy động đủ vốn thực hiện hai nhiệm vụ trên.

Rõ ràng, trong ngắn hạn, việc tăng lãi suất huy động tiền đồng là biện pháp điều tiết cung-cầu tiền tệ, làm gia tăng giá trị cho khách hàng, nhằm đảm bảo lưu thông và thực hiện tốt vai trò trung gian tài chính của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, tăng lãi suất huy động tất yếu sẽ làm tăng lãi suất cho vay vốn trên thị trường, và mặt bằng lãi suất mới được hình thành. Khi lãi suất cho vay tăng, chi phí sản xuất trong nền kinh tế sẽ cao hơn, dẫn đến giá cả sản phẩm sẽ tăng…, ảnh hưởng không tốt đến hoạt động chung của nền kinh tế.

(http://www.cpv.org.vn)