An toàn vệ sinh thực phẩm: Làm gì để đảm bảo?

08/05/2008 05:46

Pháp lệnh An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ra đời đã được 3 năm nhưng tình trạng vi phạm ATVSTP không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng.

Mùa hè đến, lại thêm dịch cúm gia cầm, dịch lợn tai xanh, dịch tiêu chảy cấp chưa được dập tắt, càng làm cho người tiêu dùng lo ngại về tình trạng mất ATVSTP.

Sau 10 ngày tăng cường kiểm tra, hôm 28/4,  Sở Y tế Hà Nội đã đưa danh sách 19 quán ăn và 1 chợ bị ngừng hoạt động do vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Các cơ sở kể trên đều vi phạm ít nhất 2-3 trong số 10 tiêu chí thức ăn đường phố. Các cửa hàng này chỉ được hoạt động trở lại khi khắc phục được các vi phạm trên. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết các quán ăn này vẫn hoạt động bình thường và họ cho biết là không hề nhận được văn bản đình chỉ hoạt động.

 Từ năm 1990 đến nay, nước ta có trên 1.000 vụ ngộ độc thực phẩm với 25.000 người mắc, trên 300 người tử vong. Qua giám sát đối với thực phẩm công nghiệp cho thấy, tỷ lệ mẫu đạt các chỉ tiêu hoá lý vi sinh đều ở mức tương đối cao (>80%); tỷ lệ rau đạt tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở mức 97%; tỷ lệ thịt đạt tiêu chuẩn vi sinh chưa cao (45,9%), đặc biệt trứng gia cầm dù đã qua xử lý đóng hộp nhưng chỉ có 36,1% đạt tiêu chuẩn vi sinh. Riêng đối với thuỷ hải sản tươi sống không phát hiện việc sử dụng hàn the trong tẩm ướp (100% mẫu đạt), tuy nhiên vẫn còn phát hiện dư lượng urê và chloramphenicol. Chúng ta cũng chưa quản lý được việc sử dụng hoá chất bảo quản trong rau quả và trái cây ngoại nhập, đáng lo nhất là rau, quả của Trung Quốc.

Vấn đề vệ sinh trong kinh doanh thực phẩm tại các chợ còn nhiều yếu kém, đặc biệt là trong kinh doanh các sản phẩm thuỷ, hải sản và rau, củ, quả. Các quầy, sạp chưa đảm bảo các quy định về VSATTP của Bộ Y tế, việc sắp xếp phân chia khu vực kinh doanh tại các chợ còn nhiều bất cập, còn lẫn lộn sống chín, lẫn lộn với các loại hàng hoá khác...  Hệ thống kiểm nghiệm phân tích, đánh giá dư lượng hóa chất có trong sản phẩm còn thiếu và yếu, chưa có khả năng phát hiện và đo đạc nhiều chất, nhất là tồn dư các chất kích thích tăng trưởng, bảo quản.

Trong khi đó, công tác kiểm tra VSATTP của các quận, huyện còn “lỏng lẻo”, thậm chí nhiều nơi còn thực hiện việc kiểm tra theo kiểu “làm cho có”. Bên cạnh đó, mức độ xử phạt đối với các hành vi vi phạm về VSATTP còn nương nhẹ, chưa có tính răn đe.

Theo ước tính, chi phí phải trả cho việc xử lý bệnh ở người và thực phẩm không an toàn, cho thất thoát mùa màng vì sâu bệnh và mất mát cơ hội kinh doanh có liên quan đến ATVSTP của Việt Nam là hơn 1 tỷ USD/năm (khoảng gần 2% GDP).

Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ 2 về công tác đảm bảo ATVSTP, tổ chức tháng tư vừa qua, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã tới dự và chỉ đạo thời gian tới, phải tập trung vào các biện pháp quyết liệt: Tuyên truyền, vận động giáo dục để hệ thống chính trị nhận thấy được tính nghiêm trọng của vấn đề; hệ thống quản lý Nhà nước hành động quyết liệt hơn. Qua đó, các nhà sản xuất, từ sản xuất lương thực, thực phẩm và quản lý thị trường phải làm tốt hơn. Người tiêu dùng thực phẩm cũng phải nâng cao cảnh giác, ý thức được mối nguy hiểm với sức khoẻ và sinh mạng, thay đổi thói quen, giữ vệ sinh, đảm bảo an toàn và sử dụng thực phẩm tốt hơn.

Ý kiến các nhà quản lý

Ông Trần Đáng, Cục trưởng Cục Vệ sinh thực phẩm Bộ Y tế: Mỗi người tiêu dùng là một thanh tra viên

Thời gian qua, dịch lợn tai xanh lan rộng, có một số người hám lợi, lợn đã đem tiêu huỷ mà họ còn đào lên chế biến bán ra thị trường. Trước đây, dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng, cũng đã có tình trạng này. Theo tôi, khi bắt được trường hợp nào vi phạm, phải xử lý đến nơi đến chốn, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự để những người khác lấy đó làm gương, không để tái diễn hành vi vô đạo đức đó. Trong Bộ luật Hình sự có quy định rõ, trường hợp vi phạm về chất lượng lương thực, thực phẩm nặng còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị phạt tù tới 15 năm, nhưng thực tế, số vụ vi phạm bị đưa ra xử lý hình sự quá ít. Viện Kiểm soát, cơ quan công an chưa làm quyết liệt việc này.

Qua điều tra năm 2007, sự hiểu biết, nhận thức của các nhóm đối tượng tham gia vào cung cấp thực phẩm ở Việt Nam đạt chưa đến 50%, vì thế phải tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các đối tượng này. Bộ máy kiểm soát ATVSTP cũng cần được tăng cường, đảm bảo có lực lượng từ trên xuống tận xã, phường giám sát việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Bên cạnh đó, tăng cường giáo dục cho người tiêu dùng biết cách sử dụng, chế biến thực phẩm an toàn. Mỗi người tiêu dùng phải là một chuyên viên, một thanh tra viên về ATVSTP. Cơ quan quản lý Nhà nước hiện ít người, nhưng quá nhiều việc. Cơ quan quản lý chỉ nên làm hai việc chính, một là ban hành các tiêu chuẩn, quy định, hai là có lực lượng thanh tra chuyên ngành đi kiểm tra các cơ sở kinh doanh, chế biến thực hiện ATVSTP đến đâu, còn các việc khác nên tư nhân hoá.    

Ông Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng nghiệp vụ Y, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh: Đề nghị tăng thêm 500 nhân viên kiểm soát ATVSTP

Kết quả kiểm tra mới nhất của Chi cục Thú y thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, trong tổng số 368 mẫu kiểm tra có đến trên 46% số mẫu nhiễm khuẩn ecoly và nhiều loại khuẩn khác. Thịt gia súc, gia cầm nhiễm khuẩn cao như vậy là do các cơ sở thực hiện giết mổ trên sàn, nguồn nước sử dụng cho giết mổ không đảm bảo, dụng cụ giết mổ không sạch, trong quá trình giết mổ, người giết mổ làm lây lan bệnh từ con lành sang con khoẻ, không đảm bảo vệ sinh trong quá trình vận chuyển.

Khi phát hiện cơ sở nào vi phạm ATVSTP, chúng tôi đều công bố trên báo chí, phạt tiền và cho đóng cửa cơ sở sản xuất, kinh doanh đó. Đối với những trường hợp vi phạm nặng, chúng tôi chuyển giao cho cơ quan công an truy cứu trách nhiệm hình sự. Mỗi năm, thành phố Hồ Chí Minh xử phạt vi phạm ATVSTP lên đến mấy tỉ đồng, khá cao so với cả nước. Chúng tôi đang đề nghị tăng thêm 500 nhân viên kiểm soát VSATP nữa để làm tốt công tác kiểm soát.

Thịt, trứng gia cầm, gia súc trong siêu thị ở thành phố Hồ Chí Minh nằm trong chuỗi kiểm soát khá chặt chẽ và chúng tôi đáng tiến tới làm điều này ở rau, quả.

Ông Nguyễn Thế Dũng, đại diện của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam: Người tiêu dùng nên tham gia vào quá trình kiểm tra.

Người tiêu dùng Việt Nam khi dùng thực phẩm bị ngộ độc cũng rất khó kiện cơ sở cung cấp bởi phần lớn thực phẩm ở nước ta không có xuất xứ rõ ràng, khi mua không có hoá đơn bán hàng để có cơ sở kiện cáo. Hội Bảo vệ người tiêu dùng cũng phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Trước tình hình dịch bệnh lây lan như hiện nay, thêm nữa, mùa hè đã đến, người tiêu dùng phải biết tự bảo vệ mình, phải ăn chín, uống sôi, trước khi ăn rửa tay sạch sẽ. Còn hoa quả nên mua ở nơi có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, ví dụ như ở siêu thị. Trong thời gian có dịch, mọi người nên hạn chế ăn ngoài hàng, để tránh bị lây nhiễm bệnh.

Từ trước đến nay, người tiêu dùng thường trông chờ vào các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, giám sát ATVSTP. Người tiêu dùng nên tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát ấy. Chúng ta phải biết đòi hỏi người bán hàng cung cấp cho mình sản phẩm sạch, tẩy chay, tố giác những cơ sở cung cấp thực phẩm không đảm bảo ATVS TP. Công tác tuyên truyền cũng phải đẩy mạnh để người sản xuất, buôn bán nhận thức được, đảm bảo ATVSTP không chỉ là trách nhiệm đối với xã hội mà còn vì tương lai, vì lợi ích của bản thân họ. Đào tạo cho họ biết cách sản xuất lương thực, thực phẩm chi phí ít nhưng vẫn đảm bảo ATVSTP.

Việc xét nghiệm, chứng nhận chất lượng ATVSTP có thể cho tư nhân tham gia, cơ quan Nhà nước chỉ kiểm soát lần cuối để cấp giấy chứng nhận. Bên cạnh đó, cũng phải tăng cường việc kiểm tra, giám sát buôn lậu hoa quả, thực phẩm qua biên giới.

Chúng ta cũng nên thay đổi cách làm việc, áp dụng cách làm việc kiểm soát rủi ro, xác định đâu là lĩnh vực gây mất ATVSTP nhất, đánh giá tác động về mặt kinh tế-xã hội và đề xuất biện pháp giải quyết theo phương hướng ưu tiên từng lĩnh vực./.

 

(http://www.vovnews.vn/)