“Trước mắt thi hành án tư nhân sẽ làm một số việc đơn giản”

24/05/2008 22:51

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP HÀ HÙNG CƯỜNG đã cho biết như vậy khi trao đổi với báo chí bên hành lang Kỳ họp thứ Ba, QH Khoá XII về xã hội hoá công tác thi hành án dân sự - một vấn đề được nhiều người quan tâm trong dự án Luật Thi hành án dân sự đang được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này.

Tư nhân làm thi hành án ở nước ta đã có từ lâu

Thưa ông, hiện nay việc thi hành án đang là một vấn đề “đau đầu” của Ngành Tư pháp do án tồn đọng quá lớn. Đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ việc này song trên thực tế vẫn chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Khi trình Quốc hội dự án Luật Thi hành án dân sự, Ngành Tư pháp có đưa ra những giải pháp, kiến nghị gì  không?

- Giải pháp thì có rất nhiều! Trong năm 2008 chúng tôi đã triển khai những biện pháp hành chính để cố gắng 100% vụ việc được giải quyết. Các vụ việc có điều kiện thi hành thì đã giao chỉ tiêu cụ thể cho các tỉnh thành phố đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Từ cấp tỉnh có trách nhiệm là giao tiếp xuống cho các quận huyện với các chỉ tiêu cụ thể. Rất mừng là qua báo cáo sơ bộ 3 tháng 2008 thì đã có chuyển biến cụ thể..

Thứ hai phải kiện toàn những nơi thiếu chấp hành viên, trưởng, phó thi hành án. Vừa rồi chúng tôi cũng đã kiện toàn được việc đó. Có những nơi có thể điều động chấp hành viên từ cấp tỉnh xuống đến cấp huyện.

Thứ 3 là tổ chức các đợt cao điểm tập trung vào địa bàn cụ thể; đặc biệt là sẽ tập trung vào một vài huyện có số lượng án tồn đọng nhiều, để làm sao trong 1 - 2 tháng đẩy mạnh công tác thi hành án ở các địa bàn đó lên.

Tuy nhiên, đó cũng mới là giải pháp tạm thời còn cái cốt lõi của vấn đề là thể chế hiện nay còn nhiều bất cập. Nếu được QH chấp thuận những ý tưởng  trong dự thảo luật thi hành án dân sự sẽ tháo gỡ được những vướng mắc đó.

- Một trong các giải pháp mà dự thảo luật đưa ra là việc xã hội hoá công tác thi hành án dân sự. Việc này liệu có khả thi không khi mà chính Nhà nước làm trực tiếp còn rất khó khăn?

- Hình thức xã hội hoá công tác thi hành án dân sự ở nước ta trước đây đã từng có rồi. Nhà nước bổ nhiệm người làm thi hành án nhưng lại hoạt động như các công ty để thi hành án tư nhân (gọi là thừa phát lại). Mô hình này đã có ở cả miền Bắc, miền Nam và tồn tại đến năm 1975. Nói như vậy có nghĩa là hình thức này không hề xa lạ.

Nhưng tới đây nếu áp dụng lại thì chúng ta vẫn phải làm thí điểm. Việc này này Chính phủ đã báo cáo QH để đưa vào trong luật để có một cơ sở pháp lý để Chính phủ tổ chức làm thí điểm. Đề án thành lập “thừa phát lại” về cơ bản cũng được chuẩn bị xong, nếu được QH chấp thuận và thông qua vào tháng 10 tới thì đến đầu năm 2009 mô hình này sẽ đi vào hoạt động và TP.Hồ Chí Minh đã xung phong là nơi tổ chức thí điểm.

- Nhưng vẫn còn nhiều người nghi ngờ tính khả thi của dự án này?

- Theo tôi biết hiện nay vẫn còn có 2 quan điểm: Quan điểm thứ nhất cho rằng, “thừa phát lại” chỉ làm những việc có tính chất là hỗ trợ cho cơ quan thi hành án, có thể mở rộng ra là làm một số công việc cho cả toà án, chứ không làm thay cho cơ quan thi hành án để thi hành án. Trước mắt nên cho phép tổ chức, cá nhân tham gia vào một hoặc một số công đoạn thi hành án như: thông báo, xác minh, thẩm định giá, bảo quản tài sản, bán đấu giá tài sản... mà chưa nên quy định cho phép tổ chức, cá nhân được trực tiếp tổ chức thi hành án.

Ngược lại có quan điểm cho rằng chủ trương của Nhà nước là xã hội hoá hoạt động này có thể chuyển đổi cơ quan thi hành án thuần tuý nhà nước sang cơ quan có thể nửa nhà nước, nửa xã hội, nhà nước bổ nhiệm nhưng hoạt động như các công ty xã hội. Thế thì không thể giao những vấn đề nhỏ như vậy. Nếu như vậy dẫn đến việc người dân dễ bị hiểu nhầm là Nhà nước tổ chức theo kiểu dịch vụ để giúp cơ quan nhà nước. Như vậy sẽ tốn kém hơn cho dân.

Vậy thì cơ quan này được thi hành án cái gì? Theo tôi, trước mắt trong dự thảo những việc tịch thu, sung công, tiền phạt trong các vụ án hình sự thì chứ giao cho tổ chức “thừa phát lại” mà chỉ giao những việc giữa dân với nhau, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Họ có thể lực chọn thi hành án nhà nước có thể lựa chọn tổ chức “thừa phát lại” để thực hiện. Dần dần chúng ta sẽ xem cái gì hiệu quả hơn và từ đó rút kinh nghiệm.

Lệnh cưỡng chế sẽ được giao cho cơ quan thi hành án?

- Hiện nay đang xảy ra tình trạng các doanh nghiệp đòi nợ thuê khiến cho việc rất phức tạp. Nếu tổ chức các tổ chức thi hành án tư nhân không khéo sẽ dễ dẫn đến việc hiệu quả không thấy đâu mà lại phức tạp thêm công tác thi hành án?

- Các công ty hoạt động thu đòi nợ thuê thì lại hoạt động trong khuôn khổ khác. Còn các tổ chức “thừa phát lại” là đòi nợ trên cơ sở bản án của toà án và ở đây phải có một quy trình chặt chẽ. Trong quá trình thực hiện nếu cần phải có sự cưỡng chế của Nhà nước thì cũng sẽ được hỗ trợ chính thống.

- Trên thực tế các cơ quan nhà nước cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thi hành án, thậm chí có cả một hệ thống như công án, toàn án, chính quyền mà làm cũng không nổi. Liệu các tổ chức “thừa phát lại” (chỉ mang tình chất dân doanh) này có đảm đương được nhiệm vụ này hay không?

- Nếu tính trong việc thi hành án thì tỷ lệ cưỡng chế rất là nhỏ. Nhưng chúng tôi cũng đã lường trước tổ chức “thừa phát lại” chủ thể không phải là cơ quan nhà nước nếu trong quá trình thực hiện thi hành án mà phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thì làm sao? Hiện cũng đang tính toán: Một là có thể xin lệnh toà án để “thừa phát lại” tổ chức cưỡng chế hai là xin lệnh của cơ quan thi hành án để tổ chức cưỡng chế. Lúc đó lực lượng hỗ trợ như công an, cảnh sát... có thể vào cuộc.

Hiện nay đúng là có tình trạng cơ quan thi hành án tổ chức cưỡng chế nhưng có nhiều vụ việc phức tạp cũng không làm tốt, hiệu quả chưa cao. Điều này cũng một phần do kế hoạch cưỡng chế theo quy định hiện hành không phải là do cơ quan tư pháp làm mà là do cơ quan công an làm.

Vì vậy, trong dự thảo luật lần này chúng tôi đề xuất là cơ quan tư pháp thực hiện lệnh cưỡng chế, khi đã thành kế hoạch rồi thì cơ quan công an phối hợp thực hiện.

- Còn một việc nữa là hiện nay có một khối lượng tài sản đang tồn tại trong các bản án là cực kỳ lớn. Theo luật nếu chưa có phán quyết của toà thì không thể thi hành được. Trong khi tiến độ xử lý của các cơ quan tư pháp đang rất chậm chạp dấn đến việc những tài sản này sẽ đắp chiếu lãng phí. Vậy có cách nào để khắc phục và hạn chế việc này hay không?

- Theo khảo sát của tôi thì tài sản này chủ yếu là chờ xử phạt hành chính chứ không phải là do xử phạt của toà theo nghĩa hình sự và dân sự.

Còn trong thi hành án dân sự, hình sự hiện nay cũng đang có tồn đọng là đúng. Hiện nay chúng tôi đang triển khai xây dựng các kho tàng để bảo quản tài sản của dân, doanh nghiệp. Đương nhiên thì tới đây phải thúc đẩy nhanh việc thi hành án dân sự cho nhanh.

Xin cám ơn Bộ trưởng!

 

Minh Lợi thực hiện

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)