Bảo hiểm y tế: Không nên là sự bảo trợ xã hội

27/05/2008 05:06

(LĐ) - Đâu là hướng đi để bảo hiểm y tế vừa chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân, vừa đảm bảo giảm gánh nặng cho Nhà nước?

Trước đây, bảo hiểm y tế (BHYT) quá chặt khiến cho nhân dân khó lòng tham gia, công nhân viên chức (CNVC) tham gia được thì khó lòng thanh toán. Thế là quỹ BHYT kết dư cả chục tỉ đồng. Đến nay khi BHYT nới lỏng, nông dân và người nghèo cũng được tham gia BHYT. Hệ quả là quỹ BHYT thâm hụt nghiêm trọng. Vậy đâu là hướng đi để vừa chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân, vừa đảm bảo giảm gánh nặng cho Nhà nước?

Không thể nửa vời

15 năm qua, hệ thống y tế và người dân loay hoay và bối rối với BHYT. Thực tế là BHYT "đổ lỗi" cho người dân đóng BHYT quá thấp khiến BHYT không đủ kinh phí chi trả. Ngược lại, người dân phàn nàn dù có BHYT thì cũng khó lòng thụ hưởng. Thậm chí có thẻ BHYT thì không ít người vẫn tham gia dịch vụ y tế tư nhân...

Các chuyên gia cho rằng, điều này bắt nguồn từ nguyên nhân BHYT đã lẫn lộn, nửa vời giữa dịch vụ công ích với chính sách xã hội. Đặc biệt, điều này càng khó bảo đảm khi Nhà nước chưa đầu tư thích đáng trong khi việc huy động từ nhân dân cũng thiếu hụt...

 

Theo báo cáo của UB các vấn đề xã hội Quốc hội thì đến 2004, quỹ BHYT kết dư tới 2.000 tỉ đồng do chính sách BHYT quá chặt. Tuy nhiên đến năm 2006, bội chi BHYT đã là hơn 1.600 tỉ đồng. Việc chuyển "thái cực" quá nhanh đã khiến cho ngành y tế 2 năm qua lao đao. Thậm chí BHYT có nguy cơ "vỡ" vì không có kinh phí bù đắp.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là khi BHYT chưa đảm bảo được tài chính, con người... thì dịch vụ tư nhân lại bị hạn chế. Đây chính là nguyên nhân khiến BHYT "có vấn đề".

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Sỹ (Quảng Nam) thì lâu nay có quan điểm: Y tế là dịch vụ công do nhà nước đảm bảo, tư nhân chỉ bổ sung. Thế nhưng nhà nước lại chỉ chi hơn 6% ngân sách cho y tế, trong khi nhu cầu thực tế được đề nghị ít nhất là 10% (Trung Quốc 10%, Campuchia hơn 18%, Thái Lan 17%...).

Đại biểu Nguyễn Ngọc Minh (Ninh Thuận) thì cho rằng trong khi Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo nhà nước cần đảm bảo chi trả trên dưới 50% thì tại VN, người dân phải chi trả tới 73% còn nhà nước chi có 27% chi phí y tế.

Nhìn vào thực tế này sẽ thấy: BHYT chưa phát huy sức mạnh để huy động con người, tài chính cho chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong khi đó, BHYT cũng chưa là điểm tựa "an ninh sức khoẻ" cho toàn xã hội.

Cần xã hội hoá - tránh bao cấp tràn lan

Xét cho cùng dù là dịch vụ công hay lợi nhuận thì y tế luôn cần đầu tư thích đáng. Vì vậy nhiều chuyên gia cho rằng nhà nước không nên "ôm" hết mọi việc, nhất là khi không thể ôm nổi.

Thực tế là khi nhà nước chưa mở cửa thì y tế tư nhân đã khá phát triển. Bên cạnh đó, không ít người VN đã ra nước ngoài chữa bệnh. Điều này cho thấy khi nhà nước không thể bao sân thì y tế tư nhân có thể chia sẻ gánh nặng. Đặc biệt là không ít người dân cũng có thể tự đảm đương được chi phí y tế cho mình.

Từ đây, các chuyên gia cho rằng cùng với việc xã hội hóa, tạo điều kiện y tế tư nhân phát triển thì cần phân loại để thực hiện chính sách BHYT, vì đây không phải là sự bảo trợ của xã hội.

UB các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng không nhất thiết phải bao cấp cho người giàu, người có khả năng tự chi trả, nhất là trong trường hợp họ sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao.

Bên cạnh đó, BHYT cũng cần phân cấp cho các địa phương để tránh bao cấp tràn lan hoặc "người nghèo bao cấp người giàu".

Các đại biểu Quốc hội ví dụ: Vì thiếu cơ sở vật chất khám chữa bệnh nên BHYT Gia Lai, Yên Bái kết dư trên dưới 5 tỉ đồng. Thế nhưng, khoản tiền này không được đầu tư trở lại mà phải chuyển cho nơi khác; trong khi đó TPHCM thâm hụt 289 tỉ đồng...

Cuối cùng UB các vấn đề xã hội nhấn mạnh cần quản lý chặt chẽ quỹ BHYT để tránh lạm dụng và bao cấp tràn lan không đáng có. Cụ thể, hiện đối tượng tham gia BHYT bắt buộc khối DN ngoài quốc doanh còn quá thấp bởi DN không quan tâm đến CNLĐ. Điều này tạo nên gánh nặng xã hội và đẩy CNLĐ phải tham gia BHYT tự nguyện. Bên cạnh đó, tình trạng "lạm dụng" quỹ BHYT thường xuyên xảy ra.

Các chuyên gia giám sát cho biết việc các cơ sở y tế không công nhận xét nghiệm của nhau đã gây bội chi lớn. Thậm chí nhiều nơi hơn 40% chi phí BHYT là cho xét nghiệm. Điều này gần như là việc "tạo nguồn thu cho bệnh viện" chứ không đến với đối tượng BHYT. Bên cạnh đó, nhiều nơi còn xảy ra hiện tượng cho mượn thẻ BHYT, khai khống điều trị nội trú, số lượng bệnh nhân, loại thuốc để lạm dụng quỹ BHYT.

Đóng 6% lương, học bổng, trợ cấp cho BHYT bắt buộc: Đây là quy định trong Dự thảo Luật BHYT sẽ trình Quốc hội hôm nay và thảo luận trong hai ngày 26 - 27.5. Trong đó các đối tượng CNVC-LĐ, hưu trí, trẻ em, hộ nghèo bắt buộc tham gia BHYT ngay khi luật có hiệu lực. Học sinh, sinh viên bắt buộc tham gia từ 2010. Hộ gia đình làm nông - ngư - diêm - lâm nghiệp bắt buộc tham gia từ 2014.

Đóng 6% lương tối thiểu đối với BHYT tự nguyện: Các đối tượng chưa tham gia BHYT bắt buộc thì được tham gia với hình thức hộ gia đình. Chính phủ sẽ hỗ trợ đối với một số đối tượng. (Nếu tính theo lương tối thiểu 540.000đ/tháng hiện nay thì mức đóng tương đương hơn 380.000đ/năm). Theo Dự thảo Luật BHYT

(http://www.laodong.com.vn/)

Other news