Tổng kiểm tra các phương tiện giao thông thuỷ: Phát hiện nhiều bất cập từ các cơ quan quản lý Nhà nước

29/07/2008 00:03

Trong số gần 70.000 lượt phương tiện đường thuỷ được kiểm tra thì có tới trên 60.000 trường hợp vi phạm là do quá nhiều bất cập trong công tác quản lý Nhà nước.

(VOV)_Nhằm chấn chỉnh hoạt động của các phương tiện giao thông đường thuỷ, ngày 25/3 năm 2008, Tổng Cục Cảnh sát, Bộ Công an ban hành kế hoạch 1171 về mở đợt cao điểm tổng kiểm tra, xử lý phương tiện người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định an toàn giao thông đường thuỷ nội địa. Trong 2 tháng ra quân (từ 1/5 đến 30/6), lực lượng cảnh sát giao thông thuỷ và công an cấp quận, huyện các địa phương đã kiểm tra gần 70.000 lượt phương tiện, phát hiện trên 60.000 trường hợp vi phạm. Cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính trên 38.000 trường hợp vi phạm thu nộp ngân sách nhà nước gần 14 tỷ đồng, đình chỉ không cho tiếp tục hoạt động 650 phương tiện. Các lỗi vi phạm chủ yếu là không đăng ký, không đăng kiểm, không có bằng, không có chứng chỉ chuyên môn.

Tại tỉnh Thanh Hoá, trong đợt ra quân vừa rồi đã tổng kiểm tra gần 500 phương tiện, xử phạt hành chính gần 140 triệu đồng. Đặc biệt lực lượng CSGT đường thuỷ của tỉnh Thanh Hoá đã triệt phá được 2 chuyến án lớn.

Thượng tá Phạm Minh Hiền, Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông tỉnh Thanh Hoá cho biết: “Quá trình tuần tra kiểm soát đã bắt được đối tượng là chủ đầu nậu chuyên cung cấp ma tuý cho những người sống ở sông nước, bắt được một vụ vận chuyển thuốc nổ, kíp nổ với số lượng lớn và chuyển cho cơ quan điều tra”.

Trở lại với con số gần 70.000 lượt phương tiện đường thuỷ được kiểm tra thì có tới trên 60.000 trường hợp vi phạm cho thấy một trong những nguyên nhân dẫn tới số phương tiện vi phạm cao là do quá nhiều bất cập trong công tác quản lý nhà nước. Chẳng hạn như theo Quy định 40/CP của Chính phủ thì những phương tiện có trọng tải toàn phần từ 50 tấn trở xuống đến 1 tấn hoặc phương tiện có công suất máy từ 5 đến 15 mã lực có trước ngày 1/1/2005 (tức là trước thời điểm Luật giao thông đường thuỷ nội địa có hiệu lực thi hành) không phải đăng ký nên không có hợp đồng đóng mới, hợp đồng mua bán, vì vậy không đủ điều kiện đăng ký.

Tính đến nay Luật Giao thông đường thuỷ nội địa đã thực hiện được 3 năm nhưng vướng mắc này vẫn chưa được tháo gỡ. Việc đào tạo chứng chỉ chuyên môn vẫn không có giáo trình chuẩn mà do Sở Giao thông Vận tải các địa phương tự biên soạn nên nội dung chương trình không có sự thống nhất. Việc tổ chức đào tạo lại chỉ tập trung ở tỉnh, thành phố. Chương trình đào tạo bằng hạng Ba không phù hợp với thực tế, vì thời gian đào tạo quá dài, tiêu chuẩn văn hoá cao, điều này rất khó thực hiện vì những người sống bằng nghề sông nước còn nhiều người chưa biết chữ chứ nói gì đến việc đã tốt nghiệp PTTH hoặc đã học xong tiểu học.

Theo Thượng tá Nguyễn Tân, Phó Trưởng phòng CSGT Thuỷ tỉnh Thừa Thiên Huế thì: “Nhiều người làm nghề sông nước không biết chữ nên không học được, không thi được. Nhưng trên thực tế họ vẫn điều khiển phương tiện, thậm chí thao tác rất giỏi. Theo tôi bằng hạng 3 thì yêu cầu học vấn nhưng chứng chỉ chuyên môn thì nên kiểm tra thực tế. Nếu họ điều khiển chuẩn và biết bơi thì cấp chứng chỉ chuyên môn”.

Cũng chính vì những vướng mắc trên mà đến nay trên cả nước mới có 20% số thuyền trưởng, máy trưởng đang trực tiếp điều khiển phương tiện được cấp bằng, 3% số người đang lái phương tiện được cấp chứng chỉ lái. Tại các tỉnh đồng bằng Nam Bộ nhu cầu cấp bằng và chứng chỉ chuyên môn là rất lớn, song trên thực tế không đáp ứng được, do đó tình trạng người điều khiển phương tiện đã mua bằng, chứng chỉ chuyên môn giả để sử dụng. Trong đợt tổng kiểm tra đã phát hiện, tịch thu hàng trăm bằng giả. Cơ quan chức năng cũng đã triệt phá 2 chuyên án bắt 7 đối tượng sản xuất, tiêu thụ bằng giả, thu nhiều tang vật, phương tiện làm bằng, chứng chỉ chuyên môn giả.

Căn cứ pháp lý về quản lý cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thuỷ nội địa thuộc diện đăng kiểm được quy định trong Luật GTĐT nội địa và Nghị định hướng dẫn thi hành những không quy định trách nhiệm quản lý thuộc cơ quan nào. Trong khi đó các Sở kế hoạch và đầu tư của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vẫn cứ cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho các cơ sở theo quy định của Luật doanh nghiệp mà không cần có đủ các điều kiện đã quy định trong Luật giao thông đường thuỷ nội địa và Nghị định của Chính phủ.

Qua kiểm tra các cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thuỷ ở một số địa phương cho thấy đa số các cơ sở này không có đủ điều kiện hành nghề. Chính vì không quản lý được nên dẫn đến tình trạng vi phạm phổ biến nhưng chưa đực kiểm tra xử lý, thậm chí còn không thể biết được hiện cả nước có bao nhiều cơ sở và việc chấp hành pháp luât của các cơ sở này ra sao.

Tình hình trật tự an toàn giao thông đường thuỷ vẫn diễn biến phức tạp, phổ biến là hoạt động khai thác cát sỏi trái phép, vi phạm luồng chạy tàu thuyền gây sạt lở, phương tiện chở quá tải, quá số người quy định, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, không phép vẫn hoạt động... đang là nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông thuỷ. Việc nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc nêu trên là rất cần thiết, nhất là trong khi mùa mưa bão đang đến gần./.

 

 

Ngọc Chi

(http://www.vovnews.vn/)