Dán tem hợp quy CR cho sản phẩm: Người tiêu dùng được lợi?

04/06/2010 06:40

Sau hơn một tháng thực hiện quy định dán tem hợp quy CR đối với đồ chơi trẻ em, nhưng vẫn còn 90% số đồ chơi trẻ em chưa được dán tem CR.

Kinh nghiệm chưa được rút, hiệu quả chưa thấy và người tiêu dùng chưa biết mua sản phẩm có dán tem CR ở đâu... Dù vậy, kế hoạch dán tem CR cho 6 mặt hàng điện tử chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2010 và dán tem CR cho mũ bảo hiểm từ ngày 1/7/2010 vẫn được triển khai thực hiện.

Trước sự hoành hành của đồ chơi trẻ em, mặt hàng điện tử và mũ bảo hiểm kém chất lượng, có thể thấy việc thống nhất sử dụng một loại dấu CR là hết sức cần thiết đối với người tiêu dùng (NTD) và thuận lợi cho việc quản lý chất lượng những mặt hàng trên. Tuy nhiên, việc thực hiện quản lý như thế nào vẫn là bài toán khó đối với các cơ quan chức năng. Sau một tháng thực hiện quy định dán tem, 90% đồ chơi trên thị trường vẫn chưa có tem. Điều này đã “buộc” cơ quan quản lý phải tự tìm cho mình một giải pháp để dễ cho việc quản lý chứ không dễ cho NTD, đó là gia hạn kinh doanh đối với mặt hàng đồ chơi thiếu tem CR. Nghĩa là, từ sau 15/9/2010, mặt hàng đồ chơi trẻ em lưu thông tại Việt Nam nếu không dán tem CR mới bị thu hồi. Như vậy, việc lựa chọn đồ chơi trẻ em trên thị trường từ nay đến 15/9/2010, của NTD như trò may rủi.

Từ ngày 1/6, sáu loại thiết bị điện và điện tử (gồm dụng cụ điện đun nước nóng tức thời, dụng cụ điện đun và chứa nước nóng, máy sấy tóc và các dụng cụ làm tóc khác, ấm đun nước, nồi cơm điện và quạt điện), phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn tem CR mới được lưu thông trên thị trường. Bảy loại thiết bị điện và điện tử khác (gồm bàn ủi, lò vi sóng, lò nướng điện, dây và cáp điện, máy sấy khô tay, bình pha trà và cà phê, ấm điện loại dùng que đun chìm trong nước) cũng phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn tem CR, từ ngày 1/1/2011.

Với mũ bảo hiểm, kể từ 1/7/2010, dấu CS, tem “đã kiểm tra” sẽ hết hiệu lực và có ba loại mũ bảo hiểm không được chuyển đổi và lưu hành. Thứ nhất là các loại mũ có gắn dấu CS hoặc tem “đã kiểm tra” có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhưng được sản xuất, nhập khẩu sau ngày 15/11/2008. Thứ hai, mũ có dấu CS và tem “đã kiểm tra”, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nhưng không có hồ sơ công bố phù hợp tiêu chuẩn tại các chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng của địa phương, hoặc hồ sơ kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm nhập khẩu lưu lại một trong ba trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Quatest). Cuối cùng là loại mũ bảo hiểm có dấu CS hay tem “đã kiểm tra” không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Theo ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL, để quản lý được những mặt hàng trên cần phải có một lộ trình và việc quản lý cũng cố gắng dựa theo nguyên lý 80:20 (quản lý được 80% mặt hàng hiện có trên thị trường, còn 20% chưa hoặc không quản lý được). Đối với những mặt hàng đang lưu thông trên thị trường cần phải có thời gian để các cá nhân, tổ chức sản xuất, nhập khẩu, phân phối, kinh doanh thống kê phân loại tồn trước các thời điểm trên, sau đó cơ quan quản lý sẽ dán tem CR. Giờ G cho tất cả mặt hàng trên là ngày 15/9/2010.

 “Những mặt hàng đã được quy định dán tem CR trên, sau ngày 15/9/2010, khi lưu thông không có tem CR sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về hàng hóa không đạt chất lượng, hàng nhái, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ. Với việc ban hành Quyết định số: 36/2010/QĐ-TTg về quy chế phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa, chắc chắn việc quản lý chất lượng hàng hóa thông qua dán tem CR sẽ đạt hiệu quả.”, ông Trần Văn Vinh khẳng định./.

 

Bùi Cư (Báo TNVN)

(http://vovnews.vn/)