Quốc hội thông qua quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2008

17/06/2010 22:06

(VOV) - Với 85,8% số đại biểu Quốc hội tán thành, Nghị quyết phê chuẩn quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2008 đã được Quốc hội thông qua, với Tổng thu cân đối Ngân sách Nhà nước là 548.529 tỷ đồng; số bội chi ngân sách Nhà nước là 67.677 tỷ đồng, bằng 4,58% GDP

Chiều 16/6, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2008, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) và Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

 

Với 85,8% số đại biểu Quốc hội tán thành, Nghị quyết phê chuẩn quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2008 đã được Quốc hội thông qua, với Tổng thu cân đối Ngân sách Nhà nước là 548.529 tỷ đồng (bao gồm cả thu chuyển nguồn từ năm 2007 sang năm 2008, thu từ quỹ dự trữ tài chính, thu huy động đầu tư của các địa phương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và thu kết dư ngân sách địa phương năm 2007); Tổng chi cân đối Ngân sách Nhà nước năm 2008 là 590.714 tỷ đồng (bao gồm cả chi chuyển nguồn năm 2008 sang năm 2009); Số bội chi ngân sách Nhà nước là 67.677 tỷ đồng, bằng 4,58% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương).

 

Giải trình và tiếp thu nhiều ý kiến đại biểu khi thảo luận về Nghị quyết phê chuẩn quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2008 cho rằng, việc xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước chưa sát thực tế, chưa bao quát hết nguồn thu, một số khoản thu, chi vẫn vượt đáng kể so với dự toán; chất lượng công tác dự báo chưa tốt…, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra một số nguyên nhân trong đó có nguyên nhân xuất phát từ diễn biến phức tạp trong nền kinh tế năm 2008, dẫn đến nhiều khoản thu (dầu thô, xuất nhập khẩu…) khó dự báo chính xác. Bên cạnh đó, để ứng phó với diễn biến khó lường của nền kinh tế, Chính phủ phải ban hành nhiều chính sách nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội… các chính sách này cũng có tác động lớn đến công tác điều hành thu, chi ngân sách.

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra rằng, loại trừ các yếu tố tác động khách quan như báo cáo của Chính phủ đã nêu thì vẫn còn tình trạng một số Bộ, ngành, địa phương xây dựng dự toán thu ngân sách chưa tích cực, chưa sát thực tế. Loại trừ các khoản chi để thực hiện chính sách an sinh xã hội do trung ương bổ sung và các khoản chi để khắc phục hậu quả thiên tai thì một số khoản chi thường xuyên ở một số tỉnh vẫn tăng nhiều so với dự toán là chưa hợp lý.

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm, thực hiện tốt công tác dự báo và chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan khác ở trung ương, các địa phương xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm tích cực hơn, bảo đảm sát với thực tế, thực hiện chi ngân sách Nhà nước theo sát dự toán. Tăng cường công tác quản lý và điều hành chi ngân sách nhà nước, nhất là các khoản chi thường xuyên cần tiết kiệm, hiệu quả hơn; thực hiện mở rộng hình thức khoán chi quản lý hành chính, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp có thu nhằm nâng cao trách nhiệm, tính chủ động của các đơn vị này trong việc tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước.

 

Cũng trong chiều 16/6, với 84,79% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi). Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) gồm 7 chương, 66 điều quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

 

Điểm quan trọng của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) quy định tại Điều 3 về Chính sách tiền tệ quốc gia và thẩm quyền quyết định chính sách tiền tệ quốc gia. Theo đó Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm được thể hiện thông qua việc quyết định chỉ số giá tiêu dùng và giám sát việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Chính phủ trình Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm. Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định việc sử dụng các công cụ và biện pháp điều hành để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia theo quy định của Chính phủ.

 

Tiếp thu kiến nghị của nhiều đại biểu cho rằng phải thể hiện rõ nội dung về lãi suất cơ bản để Nhà nước kiểm soát lãi trên thị trường và phù hợp với các luật hiện hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thể hiện Điều 12 quy định về lãi suất trên tinh thần Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cơ bản và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ, chống cho vay nặng lãi. Trong trường hợp thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường, Ngân hàng Nhà nước quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và với khách hàng, các quan hệ tín dụng khác.

 

Ngân hàng Nhà nước với tư cách là Ngân hàng trung ương có nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là điều chỉnh khối lượng cung tiền trong nền kinh tế, qua đó quyết định mức lãi suất trên thị trường tiền tệ nhằm mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Như vậy, lãi suất của các tổ chức tín dụng mặc nhiên đã được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát và chi phối. Việc cho phép các tổ chức tín dụng áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận không có nghĩa là để lãi suất tự do thả nổi trên thị trường. Trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp trực tiếp vào cơ chế lãi suất của tổ chức tín dụng. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ có trách nhiệm công bố lãi suất làm cơ sở cho việc giải quyết tranh chấp và chống cho vay nặng lãi.

 

Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011.

 

Với 86,21% số đại biểu tán thành, Quốc hội cũng đã thông qua Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) gồm 10 chương, 163 điều, quy định việc thành lập, tổ chức hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động của chi ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài và của tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng. Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi có điểm mới là quy định tại Điều 55 về tỷ lệ sở hữu cổ phần. Theo đó một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, trừ một số trường hợp được quy định cụ thể trong Luật này. Một số điểm mới nữa là quy định về góp vốn, mua cổ phần và những trường hợp không được cấp tín dụng.

 

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011.

 

Ngày 17/6, theo chương trình, Quốc hội sẽ thông qua các luật: Luật Thuế nhà, đất; Luật Nuôi con nuôi; Luật Bưu chính; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Người khuyết tật; Luật Thi hành án hình sự; Luật Trọng tài thương mại và Luật An toàn thực phẩm./.

Thanh Hà - Bích Lan

(http://vovnews.vn)