CHỦ TỊCH NƯỚC QUYẾT ĐỊNH THỜI ĐIỂM ĐẶC XÁ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THỰC TIỄN ĐẶT RA

12/06/2018 13:39

Sáng ngày 11/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường cho ý kiến về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Phát biểu tại hội trường nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành luật cũng như đồng tình với quy định về thời điểm đặc xá trong dự thảo.

Điều 5 dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) giữ nguyên quy định của Luật hiện hành về 03 thời điểm đặc xá gồm: nhân sự kiện trọng đại của đất nước; nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt. Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp thì đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành với dự thảo Luật vì phù hợp với tổng kết thực tiễn thực hiện đặc xá thời gian qua; căn cứ các quy định của Luật, Chủ tịch nước sẽ quyết định thời điểm đặc xá cụ thể đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh tán thành với quy định của dự thảo Luật về thời điểm đặc xá

Tán thành với dự thảo luật giữ nguyên quy định của luật hiện hành về 3 thời điểm đặc xá gồm nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Khánh Hoà đề nghị Chính phủ quy định cụ thể thế nào là sự kiện trọng đại của đất nước, ví dụ ngày bầu cử Quốc hội, ngày Đại hội Đảng toàn quốc có là sự kiện trọng đại của đất nước không? Đối với trường hợp nhân ngày lễ lớn của đất nước chỉ nên quy định chỉ đặc xá vào những năm chẵn vì việc xét tha tù trước thời hạn có điều kiện theo quy định tại Điều 66 Bộ luật Hình sự năm 2015 được thực hiện 3 lần mỗi năm Điều 368 Bộ luật Hình sự năm 2015, nếu đặc xá với những thời điểm ngắn quá sẽ làm mất ý nghĩa của việc đặc xá.

Đại biểu Trần Hồng Nguyên - Bình Thuận, đại biểu Triệu Thanh Dung - Cao Bằng cũng có cùng đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu hoặc nên bổ sung điều khoản Chính phủ quy định chi tiết về thời điểm đặc xá để bổ sung quy định về nội dung này trong dự thảo để bảo đảm tính chủ động và việc thống nhất áp dụng trong pháp luật.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn - Thanh Hóa cho biết, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn về việc xác định sự kiện trọng đại của đất nước vì vậy Ban soạn thảo cần quy định cụ thể tiêu chí xác định thế nào là sự kiện trọng đại của đất nước; trường hợp được xem là các trường hợp đặc biệt làm cơ sở cho Chủ tịch nước quyết định đặc xá. Việc xác định rõ các nội dung này sẽ bảo đảm tính công khai, minh bạch và thống nhất khi áp dụng chế định đặc xá đối với người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân. Đồng thời thuận lợi cho các cơ quan chuyên môn trong quá trình triển khai áp dụng.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị Ban soạn thảo làm rõ thêm về sự kiện trọng đại và trường hợp đặc biệt để xét đặc xá

Bên cạnh đó, đại biểu Cầm Thị Mẫn cho rằng dự thảo Luật nên bỏ quy định về việc đặc xá nhân ngày lễ lớn của đất nước do Bộ luật Hình sự 2015 đã bổ sung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện tại Điều 66 và Điều 106. Theo đó, chế định này được thực hiện thường xuyên, mỗi năm 3 đợt với nhiều điều kiện áp dụng tương tự chế định đặc xá. Việc áp dụng song song hai chế định này một cách thường xuyên có thể dẫn tới trùng lặp về chính sách, làm mất ý nghĩa đặc ân, đặc biệt của chính sách đặc xá dẫn tới Chủ tịch nước phải làm thay các công việc lẽ ra thuộc về trách nhiệm của các cơ quan tư pháp.

Theo đại biểu Cầm Thị Mẫn thời điểm đặc xá cần phải quy định chặt chẽ hơn. Chủ tịch nước chỉ ra quyết định đặc xá trong những thời điểm đặc biệt nhân sự kiện trọng đại của đất nước và trong trường hợp đặc biệt để thể hiện rõ tính có ý nghĩa khoan hồng đặc biệt của chính sách do người đứng đầu nhà nước áp dụng, tránh sự trùng lặp với chính sách tha tù trước thời hạn có điều kiện dẫn đến số lượng người được tha tù trước thời hạn quá lớn, ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của các bản án mà các cấp tòa án đã cân nhắc kỹ để đưa ra hình phạt thời hạn tù.

Có cùng quan điểm, đại biểu Phạm Đình Cúc - Bà Rịa - Vũng Tàu phân tích, để khắc phục việc đặc xá nhiều, đảm bảo tính cụ thể của luật cũng như sự chủ động của chính sách cơ quan thực thi pháp luật thì cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, cân nhắc chỉ nên quy định 2 thời điểm đặc xá. Một là nhân dịp sự kiện trọng đại của đất nước. Hai là trường hợp đặc biệt. Đồng thời quy định cụ thể trong luật các lần đặc xá cách nhau là 3 năm hoặc 5 năm, trừ trường hợp đặc biệt thì Chủ tịch nước có quyền quyết định.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tạo - Lâm Đồng và đại biểu Y Khút Niê (Ama Sa Ly) - Đắk Lắk kiến nghị cần quy định cụ thể rõ ràng trong dự thảo luật về thời điểm đặc xá và có thể quy định theo hướng Chủ tịch nước quyết định đặc xá vào hai thời điểm trong một năm là nhân dịp Tết Nguyên đán và Quốc khánh.

Đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng nên đặc xá vào dịp Tết Nguyên đán và ngày Quốc khánh

Đại biểu Nguyễn Tạo cho biết, qua thực tiễn 10 năm thi hành Luật Đặc xá năm 2007, Chủ tịch nước đã 7 lần ban hành quyết định về đặc xá nhân các ngày lễ lớn cho hàng ngàn người, nhân sự kiện trọng đại của đất. Cụ thể năm 2009 ban hành hai quyết định về đặc xá, một lần đặc xá nhân dịp Tết nguyên đán Kỷ Sửu và một lần nhân dịp Quốc khánh 2 tháng 9 năm 2009. Năm 2010, 2011, 2013, 2015, 2016, mỗi năm Chủ tịch nước ban hành một quyết định về đặc xá nhân dịp Quốc khánh 2/ 9. Qua đó cho thấy Chủ tịch nước ban hành quyết định về đặc xá chủ yếu nhân dịp Quốc khánh 2/9 và chỉ có một lần Chủ tịch nước ban hành quyết định đặc xá nhân dịp Tết Nguyên đán. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét quy định cụ thể rõ ràng trong dự thảo luật về thời điểm đặc xá và có thể quy định theo hướng Chủ tịch nước quyết định đặc xá vào hai thời điểm trong một năm là nhân dịp Tết Nguyên đán và Quốc khánh để đáp ứng sự phấn đấu và sự mong đợi về chính sách khoan hồng và hết sức nhân văn này của Nhà nước. Còn những trường hợp khác có thể áp dụng trong những trường hợp đặc biệt tại khoản 2 Điều 5 của dự thảo luật.

Theo Y Khút Niê (Ama Sa Ly) - Đắk Lắk, quy định Chủ tịch nước quyết định đặc xá mỗi năm một lần vào ngày Quốc khánh 2/9 hoặc vào dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc Việt Nam sẽ giúp cho các cơ quan liên quan có trách nhiệm chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất Chủ tịch nước xem xét, quyết định việc đặc xá một cách thuận lợi.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hữu Chính – TP.Hà Nội lại bày tỏ hoàn toàn nhất trí với việc bổ sung thêm thời điểm đặc xá trong trường hợp đặc biệt do Chủ tịch nước quyết định. Đại biểu lý giải, quy định này sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn khi có những trường hợp đặc biệt vì lý do chính trị, xã hội, đối ngoại cần phải được đặc xá nhưng không thực hiện được ngay mà phải chờ đến các thời điểm như trên.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính đề nghị quy định số đợt đặc xá cụ thể mỗi năm

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị với ý nghĩa là đặc ân của Chủ tịch nước, mặc dù quy định 3 thời điểm đặc xá nhưng dự thảo nên quy định rõ hơn về thời điểm đặc xá mấy năm một lần hoặc một năm một lần đối với hai trường hợp là nhân ngày lễ lớn hoặc sự kiện trọng đại của đất nước, trừ trường hợp đặc biệt.

Phát biểu tiếp thu giải trình những nội dung đại biểu  Quốc hội quan tâm, đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để chỉnh lý, hoàn thiện quy định trong dự thảo luật về một số các nội dung mà các đại biểu quan tâm trong đó có nội dung về thời điểm đặc xá để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 6 theo đúng chương trình của Quốc hội đã đặt ra./.

Bảo Yến - Nhóm ảnh