Màn hình hiển thị các điểm cầu của Hội nghị trực tuyến toàn quốc
Dự Hội nghị tại điểm cầu chính trụ sở Bộ Nội vụ có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường; đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương: Ủy ban Trung ương Mật trận Tổ quốc Việt Nam, Tổ chức Trung ương, Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Quốc phòng, Công an, Y tế, Thông tin và Truyền thông; Ủy ban dân tộc; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc của Bộ Nội vụ.
Tại điểm cầu địa phương ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đại diện lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban bầu cử, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, Sở Nội vụ và các cơ quan chuyên môn liên quan; đại diện lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban bầu cử, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, các cơ quan chuyên môn liên quan và Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban bầu cử cấp xã trực thuộc.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu khai mạc Hội nghị ở điểm cầu chính tại trụ sở Bộ Nội vụ
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nghiệp vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là Hội nghị rất quan trọng, thiết thực và cụ thể nhằm hướng dẫn nghiệp vụ cơ bản về công tác chuẩn bị, triển khai và tổ chức cuộc bầu cử đảm bảo Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 thành công tốt đẹp.
Thứ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua lựa chọn, bầu những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân tham gia Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tham gia Hội đồng nhân dân các cấp - cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Nhận thức được tầm quan trọng của cuộc bầu cử, Bộ Nội vụ đã xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2021.
Thời gian từ nay đến ngày bầu cử 23/5/2021 đang đến gần, nội dung công việc chuẩn bị bầu cử theo tiến độ đặt ra là rất lớn, yêu cầu cao và hết sức khẩn trương, diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Để cuộc bầu cử đạt kết quả cao nhất và thật sự trở thành ngày hội lớn của toàn dân, cần chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để tổ chức thành công cuộc bầu cử, đảm bảo dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm.
Thứ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị các đồng chí đại biểu với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm cao cần bám sát các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, các quy định của pháp luật, các kế hoạch triển khai, hướng dẫn về công tác bầu cử để tập trung nghiên cứu, tích cực thảo luận, đề xuất, kiến nghị nhất là những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuẩn bị công tác bầu cử. Đại diện các cơ quan Trung ương tham dự Hội nghị trực tuyến hôm nay sẽ giải đáp trực tiếp. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, Ban Tổ chức Hội nghị sẽ ghi nhận để báo cáo cơ quan có thẩm quyền trả lời bằng văn bản cho các địa phương trong thời gian sớm nhất.
Vụ trưởng Vụ Chính quyền đại phương, Bộ Nội vụ Phan Văn Hùng giới thiệu một số nội dung cơ bản của Thông tư số 01/2021/TT-BNV tại Hội nghị
Giới thiệu một số nội dung cơ bản của Thông tư số 01/2021/TT-BNV của Bộ Nội vụ về hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Vụ trưởng Vụ Chính quyền đại phương, Bộ Nội vụ Phan Văn Hùng cho biết, việc thành lập, cơ cấu, thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức phụ trách bầu cử thực hiện theo quy định tại các Điều 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27 và Điều 28 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Cơ quan có thẩm quyền thành lập tổ chức phụ trách bầu cử lựa chọn những người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, được quần chúng tín nhiệm, hiểu biết pháp luật và có kinh nghiệm thực hiện công tác bầu cử tham gia vào các tổ chức phụ trách bầu cử. Trường hợp thành viên tổ chức phụ trách bầu cử bị chết, bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc vì lý do khác dẫn đến khuyết thành viên tổ chức phụ trách bầu cử thì căn cứ tình hình cụ thể của mỗi địa phương, Ủy ban nhân dân sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thay đổi, bổ sung thành viên tổ chức phụ trách bầu cử ở cấp mình trước ngày bầu cử.
Người đứng đầu tổ chức phụ trách bầu cử chịu trách nhiệm phân công nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của từng thành viên tổ chức phụ trách bầu cử cấp mình từ giai đoạn chuẩn bị cho đến khi kết thúc cuộc bầu cử theo quy định tại Điều 28 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.
Việc chuẩn bị hòm phiếu hoặc Thùng phiếu, số lượng, kích cỡ hòm phiếu tùy theo đặc điểm, điều kiện của từng địa phương theo hướng dẫn cụ thể của Ủy ban bầu cử cấp tỉnh, nhưng phải bảo đảm chắc chắn, trang trí sạch đẹp, phía mặt trước của hòm phiếu có dán hình Quốc huy, phía dưới có dòng chữ “HÒM PHIẾU” “THÙNG PHIẾU”. Ngoài hòm phiếu chính, Tổ bầu cử phải chuẩn bị hòm phiếu phụ.
Tổ bầu cử phân công thành viên nhận các loại tài liệu sau đây từ Ủy ban nhân dân cấp xã và Ban bầu cử cùng cấp: Thẻ cử tri; phiếu bầu; phiếu bầu dự phòng; số lượng đại biểu được bầu ở đơn vị bầu cử; danh sách họ và tên những ứng cử viên, Con dấu của Tổ bầu cử và con dấu “Đã bỏ phiếu”; Các loại biên bản, biểu mẫu của Tổ bầu cử; Danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu; Danh sách và tiểu sử tóm tắt của những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; Nội quy phòng bỏ phiếu; thể lệ bầu cử, mẫu diễn văn khai mạc, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân; Phù hiệu của các thành viên Tổ bầu cử; Văn phòng phẩm và một số tài liệu khác liên quan đến bầu cử theo hướng dẫn của địa phương.
Về Kiểm kê, kiểm tra và phân loại phiếu bầu, trước khi mở hòm phiếu, Tổ bầu cử phải kiểm kê (đếm), niêm phong phiếu bầu chưa sử dụng và phiếu bầu do cử tri gạch hỏng (nếu có), lập biên bản kiểm kê việc sử dụng phiếu bầu cử theo biểu Mẫu của Hội đồng bầu cử quốc gia ban hành; trước khi mở hòm phiếu, mời 2 cử tri là người biết chữ, có uy tín trong Nhân dân tại địa bàn và không phải là những người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tại khu vực bỏ phiếu đó chứng kiến việc mở hòm phiếu; Tổ trưởng Tổ bầu cử mở hòm phiếu chính và hòm phiếu phụ (nếu có) để tiến hành việc kiểm phiếu; phân loại phiếu bầu theo màu phiếu bầu cử; kiểm tra tổng số phiếu thu vào so với tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu; phiếu bầu hợp lệ, phiếu bầu không hợp lệ và cách tính tỷ lệ phiếu bầu; bắt đầu việc kiểm phiếu,; Tổ bầu cử phải ghi kết quả kiểm tra số phiếu hợp lệ, số phiếu không hợp lệ vào biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử; biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử theo biểu Mẫu của Hội đồng bầu cử quốc gia ban hành.
Kiểm đếm số phiếu bầu cho từng người ứng cử, việc kiểm phiếu bầu cho từng người ứng cử chỉ thực hiện đối với những phiếu hợp lệ. Các phiếu bầu hợp lệ được xếp thành các loại, gồm: Loại phiếu bầu 1 đại biểu; loại phiếu bầu 2 đại biểu; loại phiếu bầu 3 đại biểu,... Tổ bầu cử kiểm phiếu theo từng loại phiếu bầu quy định để làm căn cứ xác định số phiếu bầu cho từng người ứng cử. Để việc kiểm phiếu được chính xác, Tổ bầu cử phân công ít nhất ba người kiểm phiếu, gồm: một người đọc, một người ghi, một người kiểm tra việc đọc và ghi. Cách ghi số phiếu cho từng người ứng cử tham khảo theo cách vẽ lần lượt các hình vuông và một đường chéo, cứ năm phiếu tạo thành một hình vuông có một đường chéo.
Về Niêm phong và quản lý phiếu bầu sau khi kiểm phiếu, sau khi kiểm phiếu và lập biên bản kết quả kiểm phiếu, Tổ bầu cử tiến hành niêm phong phiếu bầu theo từng loại phiếu bầu đại biểu Quốc hội, phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp như sau: Toàn bộ số phiếu đã được niêm phong quy định phải được Tổ bầu cử cho vào hòm phiếu và làm thủ tục niêm phong hòm phiếu có chữ ký của Tổ trưởng, Thư ký Tổ bầu cử gửi Ủy ban nhân dân cấp xã. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý các loại phiếu bầu của các Tổ bầu cử ở địa phương mình. Trong thời gian quản lý phiếu bầu theo quy định pháp luật lưu trữ (ít nhất là 05 năm) nếu không có ý kiến bằng văn bản của cấp có thẩm quyền thì tuyệt đối không được mở và kiểm tra phiếu bầu đã được niêm phong.
Về Các tình huống có thể phát sinh trước, trong và sau ngày bầu cử, trường hợp dịch COVID-19 bùng phát: Ủy ban bầu cử cấp tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét chỉ đạo, hướng dẫn phương án tổ chức bầu cử đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, trên tinh thần là địa phương chủ động xây dựng các phương án tốt nhất để có kế hoạch đưa hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến cho những cử tri này nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đồng thời, đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Trường hợp mưa lũ đặc biệt nghiêm trọng, địa hình bị chia cắt dẫn đến cử tri không thể đi đến khu vực bỏ phiếu thì Ủy ban bầu cử các cấp chỉ đạo Tổ bầu cử tìm phương án tốt nhất để có kế hoạch đưa hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến cho những cử tri này nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.
Trong trường hợp các tình huống phát sinh tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này đã được các cơ quan có thẩm quyền ở địa phường giải quyết nhưng không thể xử lý được, do vượt quá thẩm quyền thì Ủy ban bầu cử cấp tỉnh báo cáo Hội động bầu cử quốc gia xem xét, quyết định phương án tổ chức bầu cử tại các khu vực này…
Đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội giới thiệu một số nội dung của Nghị quyết số 41/NQ-HĐBCQG của Hội đồng bầu cử quốc gia về hướng dẫn mẫu hồ sơ ứng cử, nội quy phòng bỏ phiếu và các mẫu văn bản sử dụng trong bầu cử
Đại diện Ban Tổ chức Trung ương giới thiệu một số nội dung Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026
Đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu một số nội dung các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy trình hiệp thương và tổ chức hội nghị cử tri, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026
Tại phần thảo luận, Đoàn Chủ tịch điều hành Hội nghị trực tuyến toàn quốc đã giải đáp các ý kiến, vướng mắc được đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu chính và các điểm cầu tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đưa ra liên quan đến các nội dung: cán bộ, công chức viên chức thuộc các đơn vị khi tham gia tự ứng cử, có cần xác nhận của cơ quan tổ chức đơn vị công tác; tình hình tổ chức bầu cử trong tình hình dịch COVID-19; cách ghi thông tin về nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh, quê quán, nơi đăng ký thường trú đối với những đơn vị hành chính đã bị điều chỉnh địa giới hành chính; cách ghi thông tin về khóa của Hội đồng nhân dân đối với trường hợp đã sáp nhập đơn vị hành chính; trường hợp khuyết người ứng cử trong trường hợp bất khả kháng; việc lập danh sách cử tri có năm sinh từ năm 2002 trở về trước, có cần phải ghi đủ ngày tháng năm hay không?; việc sử dụng con dấu; tuổi ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với nhân sự là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước (cả chuyên trách và không chuyên trách); nhân sự ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; tiêu chuẩn chính trị và bố trí sử dụng đối với nhân sự là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; bố trí kinh phí thực hiện công tác bầu cử; lập danh sách cử tri đối với những người từ nước ngoài về mà phải cách ly và những người ở trong nước nhưng phải đi cách ly tập trung; việc tổ chức các hội nghị cử tri đối với những tỉnh đang có dịch;...
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Hội nghị đã hoàn thành chương trình đề ra, các đơn vị đã trình bày hướng dẫn của Ban Tổ chức, Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội... về công tác bầu cử.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, ngày Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã đến gần. Vì vậy, để cuộc bầu cử tới đây đạt kết quả tốt, Bộ Nội vụ đề nghị các cơ quan Trung ương khẩn trương có văn bản trả lời những đề xuất, vướng mắc của các địa phương trong thời gian 5 ngày làm việc. Có hướng dẫn chi tiết về công tác triển khai việc thực hiện trong thời gian trước, trong và sau bầu cử.
Sau Hội nghị, các địa phương cần tiếp tục gửi về Bộ Nội vụ và các cơ quan Trung ương những vướng mắc trong quá trình chuẩn bị bầu cử. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, tổ chức tập trung để tập huấn nghiệp vụ công tác bầu cử đến cấp huyện, cấp xã, nhất là các thành viên của Tổ bầu cử. Tổ chức hội nghị quán triệt và phổ biến các văn bản chỉ đạo thực hiện đến các tổ chức, phục vụ cho công tác bầu cử. Nếu cần thiết có thể thí điểm bổ sung các hướng dẫn cho phù hợp.
Bộ Nội vụ đã mở chuyên trang về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.
Các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến cấp xã, các tổ chức phụ trách bầu cử tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện tốt, đúng các mốc thời gian, kế hoạch, lịch trình theo luật định. Trong quá trình thực hiện, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức phụ trách bầu cử kịp thời báo cáo, phản ánh những khó khăn, vướng mắc về Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia và các cơ quan Trung ương có liên quan để được xem xét, giải quyết.
Để cuộc bầu cử là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm 2021, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị các đại biểu vừa tập trung triển khai tổ chức thực hiện đảm bảo thành công cuộc bầu cử, nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19, vừa phải triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2021.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng cho biết, các Bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, cố gắng trong thời gian tới tập trung chỉ đạo cho công tác bầu cử đảm bảo an toàn, thành công, thực hành dân chủ, bình đẳng, tiết kiệm. Những kiến nghị, ý kiến, vướng mắc khác của các đơn vị, các địa phương sẽ được tiếp thu, báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu chính
Một số hình ảnh tại các điểm cầu của địa phương: