Cần thiết phải sửa đổi Luật Lưu trữ
Ngày 11 tháng 11 năm 2011, Luật Lưu trữ được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2012. Luật Lưu trữ ban hành đã đánh dấu một bước phát triển mới về luật pháp lưu trữ Việt Nam, tạo khung pháp lý cao nhất về lưu trữ, tạo điều kiện cho công tác lưu trữ phát triển, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Luật Lưu trữ trong thời gian qua còn một số hạn chế:
Cụ thể, trong Luật Lưu trữ năm 2011 (gọi tắt là Luật Lưu trữ) các quy định về quản lý tài liệu lưu trữ điện tử, số hóa tài liệu tại Lưu trữ cơ quan, quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ, việc đưa tài liệu lưu trữ ra khỏi Lưu trữ lịch sử,... chưa được tổ chức thực hiện, chậm ban hành, hiệu quả thấp.
Tình trạng tài liệu tồn đọng, tích đống chưa được phân loại, sắp xếp, chỉnh lý khá phổ biến. Chất lượng tài liệu sau chỉnh lý chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định, khó khăn cho việc bảo quản, phục vụ sử dụng tài liệu. Nhiều tài liệu có giá trị đang bị xuống cấp, chưa có biện pháp khắc phục kịp thời. Chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin để ứng dụng vào công tác lưu trữ...
Để khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác lưu trữ nêu trên, Bộ Nội vụ khẳng định việc xây dựng ban hành Luật Lưu trữ sửa đổi là rất cần thiết.
Tại dự thảo, Bộ Nội vụ đề xuất 5 chính sách cơ bản, bao gồm: Hoàn thiện các quy định về quản lý tài liệu lưu trữ điện tử; Hoàn thiện các quy định về quản lý tài liệu lưu trữ tư; Hoàn thiện quy định của pháp luật về quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ; Hoàn thiện quy định của pháp luật về quản lý di sản tư liệu thế giới của Việt Nam; Biên, phiên dịch và công bố nguồn sử liệu quốc gia.
Theo đó, đối với nội dung hoàn thiện các quy định về quản lý tài liệu lưu trữ điện tử, Dự thảo bổ sung quy định tại Khoản 3, Điều 13 Luật Lưu trữ quy định: Tài liệu được số hóa từ tài liệu lưu trữ trên các vật mang tin khác không có giá trị thay thế tài liệu đã được số hóa bao gồm tài liệu có thời hạn bảo quản vĩnh viễn và tài liệu bảo quản có thời hạn từ 20 năm trở lên.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định về việc số hóa tài liệu tại Lưu trữ cơ quan, Lưu trữ lịch sử. Việc tham gia của các doanh nghiệp công nghệ là tất yếu để góp phần quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu về tài liệu lưu trữ. Vì vậy Luật Lưu trữ cần quy định cho phép doanh nghiệp tham gia quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu về tài liệu lưu trữ cũng như quy định về điều kiện, trách nhiệm của doanh nghiệp khi tham gia. Đồng thời có điều khoản giao Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc công nhận các doanh nghiệp đủ điều kiện.
Quy định về việc quản lý tập trung, thống nhất dữ liệu tài liệu lưu trữ điện tử đáp ứng yêu cầu về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của các cơ quan nhà nước. Đây là nội dung quan trọng vì hiện nay chưa có quy định về chia sẻ, kết nối thông tin giữa các kho lưu trữ lịch sử, chưa có quy định của nhà nước cho phép thành lập cơ quan lưu trữ để tích hợp, chia sẻ, bảo hiểm dữ liệu tài liệu lưu trữ.
Quy định về hoạt động lưu trữ đối với tài liệu điện tử: thu thập tài liệu qua Hệ thống, chỉnh lý tài liệu điện tử, tổ chức sử dụng tài liệu điện tử, bảo quản tài liệu điện tử.
Việc bổ sung quy định như trên nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý và tính khả thi cho việc lưu trữ tài liệu điện tử; Bảo đảm quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ lưu trữ tài liệu điện tử; ….
Bộ Nội vụ nhấn mạnh, việc xây dựng, ban hành Luật Lưu trữ sửa đổi nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc quản lý nhà nước về tài liệu lưu trữ cũng như các hoạt động lưu trữ để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và hội nhập quốc tế./.