Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết về dự án công trình quan trọng quốc gia

31/05/2006 04:30

Ngày 29-5, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu, các đại biểu QH thảo luận tại hội trường dự thảo Nghị quyết về dự án công trình quan trọng quốc gia trình QH xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

Mở đầu, QH nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH, Trưởng ban soạn thảo Hồ Ðức Việt trình bày Tờ trình Nghị quyết về dự án công trình quan trọng quốc gia trình QH xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

Tờ trình nêu rõ: Nghị quyết 05/1997/QH10 về tiêu chuẩn các công trình quan trọng quốc gia trình QH xem xét, quyết định chủ trương đầu tư, là cơ sở pháp lý quan trọng để QH quyết định chủ trương đầu tư và giám sát việc thực hiện các công trình quan trọng quốc gia. Từ năm 1997 đến nay, QH đã quyết định chủ trương đầu tư và giám sát năm công trình quan trọng là: Dự án khí-điện-đạm Bà Rịa-Vũng Tàu, Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất, Chương trình trồng mới năm triệu ha rừng, Nhà máy thủy điện Sơn La, và dự án đường Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, một số quy định của Nghị quyết 05 năm 1997 đến nay đã không còn phù hợp, vì quy mô của nền kinh tế nước ta đã tăng đáng kể, hệ thống pháp luật đang được hoàn thiện, bổ sung một số quy định mới về tiêu chuẩn, cho nên rất cần thiết xem xét, sửa đổi, bổ sung NQ05-1997 cho phù hợp điều kiện phát triển mới của đất nước.

Tờ trình nêu ra phạm vi sửa đổi, bổ sung, bao gồm: về quy mô vốn đầu tư; cụ thể hóa các loại dự án, công trình ảnh hưởng đến môi trường; quy định về hồ sơ dự án, công trình trình QH; các quy định liên quan việc thẩm tra báo cáo của Chính phủ trình QH; và sửa đổi, bổ sung một số vấn đề liên quan khác cho phù hợp quy định của các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành.

Tờ trình đưa ra mức điều chỉnh cụ thể về quy mô đầu tư từ 10 nghìn tỷ đồng (NQ05/1997) lên 20 nghìn tỷ đồng (đối với vốn thuộc NSNN) và 25 nghìn tỷ đồng (đối với các nguồn vốn tư nhân, liên doanh hoặc vốn nước ngoài); về ảnh hưởng của môi trường, các quy định về hồ sơ; về thẩm tra báo cáo của Chính phủ, và một số vấn đề khác.

Tiếp đó, QH nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của QH Nguyễn Ðức Kiên đọc Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết này, nêu rõ các điểm sửa đổi ở Ðiều 1 về tiêu chí, thủ tục hồ sơ dự án, công trình quan trọng quốc gia; Ðiều 2, về quy mô vốn dự án, và tiêu chuẩn môi trường; Ðiều 4 (mới) quy định trình tự, thủ tục và phạm vi, nội dung thẩm tra của QH đối với dự án, công trình quan trọng quốc gia; Ðiều 5 (mới) về quy định Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, trung thực, chính xác của dự án, công trình quan trọng quốc gia trong đó, cho rằng, quy định như Ðiều 5 mới là quá rộng, cần giới hạn ở mức độ nhất định, có thế, chủ đầu tư mới thực hiện được.

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết mới thay thế NQ05/1997/QH10, số đông đại biểu QH tỏ ra băn khoăn về việc năm công trình, dự án quan trọng quốc gia mà QH đã quyết định chủ trương đầu tư và giám sát thực hiện (đã nêu ở trên) đều chưa đạt yêu cầu QH đề ra, cụ thể là tiến độ hoàn thành chậm, hay phải điều chỉnh quy mô đầu tư và công nghệ, hiệu quả thấp, điển hình là xây dựng Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất, Chương trình trồng mới năm triệu ha rừng...

Ðại biểu Nguyễn Ðình Lộc (TP Hồ Chí Minh) đặt vấn đề: Ðáng ra, phải xem xét, đánh giá đầy đủ việc thực hiện NQ05 của QH gần chín năm qua, trên cơ sở ấy xây dựng nghị quyết mới thay thế; và thay vì ra nghị quyết, QH nên xây dựng một đạo luật về việc QH xem xét, quyết định việc chủ trương đầu tư, giám sát việc thực hiện các dự án, chương trình quan trọng quốc gia thì hiệu quả sẽ cao hơn, thể hiện tính pháp lý chặt chẽ, kiên quyết hơn.

Ðại biểu Phạm Thế Duyệt (Hải Dương) đề nghị, QH không chỉ quyết định các dự án, công trình quan trọng quốc gia, mà cần xem xét, quyết định các chương trình, chính sách quan trọng khác như: Chương trình xóa đói, giảm nghèo, Chương trình 135, Chương trình xóa nhà dột nát cho người nghèo...

Ðại biểu Nguyễn Viết Chức (Hà Nội) và một số đại biểu khác đề nghị, QH không chỉ quan tâm các dự án, công trình kinh tế, cần xem xét, quyết định các dự án, công trình mang ý nghĩa văn hóa-xã hội, lưu tâm việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy những giá trị di sản văn hóa...

Về điều chỉnh mức vốn của các công trình, dự án (phải trình QH), số đông đại biểu QH tán thành dự kiến Ban Soạn thảo đã trình (20 nghìn tỷ đồng đối với vốn NSNN; 25 nghìn tỷ đối với các nguồn vốn khác) nhưng các đại biểu Võ Hồng Phúc (Lao Cai), Hoàng Trung Hải (Quảng Ngãi) đề nghị giữ như dự thảo là hợp lý, hoặc nâng lên 25 nghìn tỷ đồng, còn các nguồn vốn khác, QH không nên quy định.

Về thủ tục, hồ sơ trình QH, đại biểu Võ Hồng Phúc đề nghị cụ thể, cần có:(Tờ trình của Thủ tướng, Báo cáo tiền khả thi; Báo cáo tác động môi trường; Báo cáo di dân, tái định cư), nhiều đại biểu QH tỏ ý tán thành đề nghị này. Các đại biểu QH cũng cho nhiều ý kiến chung quanh vấn đề giám sát của QH, đoàn đại biểu QH, và đại biểu QH làm sao để QH đã quyết định chủ trương đầu tư thì việc thực hiện phải có hiệu quả, phải xử lý được ngay các vấn đề phát sinh, bảo đảm cho các dự án, công trình quan trọng quốc gia được thực hiện đúng tiến độ, đạt chất lượng và hiệu quả kinh tế-xã hội cao nhất.

Theo hướng này, một số đại biểu đề nghị QH cần thành lập Ủy ban lâm thời của QH để xem xét, giám sát việc thực hiện các dự án, công trình quan trọng quốc gia. Nhưng, một số ý kiến đại biểu cũng đề nghị QH cần thực hiện đúng chức năng, không làm thay hoặc lấn át thẩm quyền của Chính phủ trong việc quyết định những vấn đề cụ thể của dự án, công trình quan trọng quốc gia.

Các đại biểu QH cũng cho ý kiến mức cụ thể về số diện tích rừng ngập mặn, rừng tự nhiên; số diện tích đất nông nghiệp dành cho việc thực hiện dự án, xây dựng công trình quan trọng quốc gia, nhằm bảo đảm việc thực hiện được các công trình này, nhưng vẫn giữ được diện tích rừng hợp lý và an ninh lương thực quốc gia.

Cuối phiên họp buổi chiều, Chủ tịch QH Nguyễn Văn An phát biểu ý kiến nhấn mạnh: Việc QH xây dựng nghị quyết mới thay thế NQ05/1997/QH10 chứng tỏ bước trưởng thành của QH trong việc quyết định, giám sát việc thực hiện các dự án, công trình quan trọng quốc gia. Việc một số đại biểu QH tỏ ra băn khoăn về tiến độ, hiệu quả năm công trình quan trọng mà Chính phủ đang thực hiện là đúng, thể hiện trách nhiệm cao của QH và đại biểu QH. Vấn đề là ở chỗ, sau khi có nghị quyết mới của QH thay thế NQ05/1997/QH10, Chính phủ và các chủ đầu tư phải chuẩn bị kỹ và có chất lượng cao các công trình, dự án, đồng thời với việc QH nâng cao trí tuệ và trách nhiệm của mình, quyết định đúng chủ trương đầu tư, giám sát tốt việc thực hiện, tin rằng, các công trình, dự án sẽ được thực hiện đúng tiến độ, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội to lớn cho đất nước.

Về đề nghị QH nên thành lập Ủy ban lâm thời để thực hiện có hiệu quả việc giám sát, việc xây dựng một đạo luật về vấn đề này, thay vì ban hành một nghị quyết, Ủy ban Thường vụ QH sẽ xem xét, tiếp thụ, và báo cáo QH xem xét, quyết định.