Tham dự phiên chuyên đề có đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội. Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Các đồng chí Phó Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội.
Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trường đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Các đại biểu tham dự Hội thảo Du lịch 2021
Tại Việt Nam, ngành du lịch được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách để định hướng phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Sau 30 năm đổi mới, ngành du lịch đã có bước phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng. Đội ngũ doanh nghiệp kinh doanh du lịch, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ngày càng lớn mạnh. Hạ tầng du lịch được nhà nước, xã hội quan tâm đầu tư. Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn trên thế giới. Khách du lịch quốc tế, trong nước và doanh thu từ du lịch liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của đất nước. Du lịch đã góp phần quảng bá hình ảnh và khẳng định vị thế của Việt Nam trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế.
Với vị trí, vai trò và tiềm năng, lợi thế của ngành, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam tới năm 2030 đã đặt ra kỳ vọng lớn cho ngành du lịch. Tuy nhiên, trong gần 2 năm qua, do tác động của đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Thị trường du lịch và các hoạt động du lịch bị đứt gãy, đình trệ, làm cho toàn ngành không đạt được các chỉ tiêu, chệnh hướng quỹ đạo tăng trưởng.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát, ngành du lịch cũng như nền kinh tế cả nước hiện đang từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, con đường dẫn tới sự phục hồi du lịch, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Chủ tịch Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, Hội thảo sẽ cung cấp bức tranh tổng thể, bao quát hơn về thực trạng của du lịch thế giới và Việt Nam dưới tác động của đại dịch COVID-19; cơ hội và thách thức đặt ra đối với du lịch Việt Nam; thảo luận về quan điểm, định hướng, giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới.
Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, quyết định những chính sách đột phá để phục hồi và phát triển du lịch, gắn với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ được các cấp có thẩm quyền cho ý kiến trong thời gian tới. Đồng thời, thông qua Hội thảo, các kinh nghiệm quý báu của các quốc gia trên thế giới, các địa phương, doanh nghiệp sẽ được chia sẻ và lan tỏa, thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam diễn ra nhanh, bền vững hơn.
Thích ứng an toàn trong phát triển du lịch
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đã đưa ra định hướng, giải pháp và lộ trình phục hồi, phát triển du lịch trong bối cảnh mới.
Dưới góc độ của cơ quan quản lý Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đã đưa ra định hướng, giải pháp và lộ trình phục hồi, phát triển du lịch trong bối cảnh mới. Trong đó, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp du lịch - lực lượng nòng cốt của ngành phát triển các hoạt động kinh doanh du lịch theo hướng chuyển từ trạng thái “Zero Covid” sang “thích ứng an toàn”; hỗ trợ trong việc triển khai các hoạt động du lịch đảm bảo tiêu chí an toàn; giảm các loại thuế, phí; kích cầu du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình phục hồi, cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch trong năm 2022.
Đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các hoạt động du lịch; tăng cường truyền thông khôi phục niềm tin của thị trường về du lịch nội địa an toàn, hấp dẫn. Tổ chức kích hoạt tái khởi động du lịch nội địa liên tỉnh, liên vùng an toàn, linh hoạt; kết nối các điểm đến, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp và hàng không xây dựng các chương trình du lịch trọn gói, có chất lượng, ưu đãi nhằm kích cầu du lịch. Xây dựng sản phẩm du lịch mới trước những nhu cầu thay đổi của du khách như dòng sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch xanh, các sản phẩm nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe...; cung cấp dịch vụ du lịch thông minh, tăng cường trải nghiệm bằng việc sử dụng các công nghệ tiên tiến.
Ngành Du lịch tiếp tục triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong giai đoạn mới phù hợp với Công văn số 10688/BYT-MT ngày 16/12/2021 của Bộ Y tế về phòng chống dịch đối với người nhập cảnh từ 1/1/2022 khi mở đường bay thương mại thường lệ của Bộ Giao thông vận tải.
Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn ngành Du lịch, ứng dụng công nghệ số trong marketing du lịch; quản lý và phát triển điểm đến du lịch thông minh; phát triển hệ thống thông tin số ngành Du lịch; hỗ trợ các doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch. Đồng thời, chú trọng phục hồi và phát triển nguồn nhân lực du lịch, tăng cường công tác đào tạo, đặc biệt là nhân lực du lịch chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới…
Chia sẻ về xu hướng và kinh nghiệm thế giới vượt qua khủng hoảng COVID-19 để phát triển du lịch, theo bà Julia Simpson - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, giải pháp căn cơ là tiêm phòng vắc xin và phải sử dụng những vắc xin được WHO công nhận; phải mở cửa “biên giới tiêm chủng”, đảm bảo sự công bằng về vắc xin, và tất cả mọi người trên toàn thế giới đều phải được tiêm vắc xin. Bên cạnh đó, khách du lịch yêu cầu cao về sự an toàn, về việc đảm bảo sức khỏe, vì vậy, cần thiết phải ban hành hướng dẫn về du lịch an toàn tại các điểm du lịch. Bà Julia Simpson cho rằng sự phục hồi du lịch hiện nay chủ yếu dựa vào thị trường nội địa, bởi vậy Chính phủ các nước cần phải có cơ chế, chính sách về phục hồi và phát triển du lịch. Cùng với đó, phải đơn giản hóa các thủ tục du lịch quốc tế, nhất là những yêu cầu về công tác phòng, chống dịch để thu hút khách du lịch đến với đất nước mình.
Đề xuất chính sách từ phía doanh nghiệp
Để phục hồi hoạt động kinh doanh du lịch, các doanh nghiệp đã đề xuất nhiều chính sách đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan quan tâm thực hiện.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel đã đưa ra 3 nhóm chính sách đề nghị được xem xét: Nhóm chính sách chung, nhóm chính sách về tài chính và nhóm chính sách về nguồn nhân lực. Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, trong nhóm chính sách chung cần phải ưu tiên phục hồi giao thông vận tải; triển khai chương trình thí điểm thẻ thông hành xanh ở Việt Nam.
Ở nhóm chính sách về tài chính, doanh nghiệp đề xuất: Xem xét giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cả năm 2021, tiếp tục giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, 2023 cho các doanh nghiệp có doanh thu trên 200 tỷ đồng. Giảm 50% mức thuế suất VAT của 3 tháng cuối năm 2021 và các năm 2022, 2023. Miễn thuế thu nhập cá nhân đối với người lao động có thu nhập từ tiền lương tiên công thuộc diện nộp thuế bậc 1 và 2. Giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp du lịch theo hướng lãi suất cho vay không cao hơn 3% so với lãi suất huy động tiền gửi...
Ở nhóm chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực, cần có chính sách hỗ trợ, đào tạo, tạo việc làm để không bị đứt gãy lao động trong ngành du lịch. Cùng với đó, đề nghị cho phép kéo dài thời gian tạm đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất, lùi thời điểm đóng phí công đoàn đối với các doanh nghiệp và đối tác bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 mà không tính lãi, phạt chậm nộp, nhưng vẫn được đóng bảo hiểm y tế để người lao động vẫn được sử dụng thẻ bảo hiểm y tế.
Đề xuất chính sách của các địa phương
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc chia sẻ về quá trình xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, cơ chế đặc thù của tỉnh trong thu hút đầu tư và phát triển du lịch.
Là tỉnh có kinh tế du lịch rất phát triển, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc đã chia sẻ về quá trình xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, cơ chế đặc thù của tỉnh Ninh Bình trong thu hút đầu tư và phát triển du lịch. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cũng đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét ban hành chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế, về đầu tư cho các doanh nghiệp có đóng góp trực tiếp cho công tác bảo vệ và phát triển di sản văn hóa gắn với hoạt động du lịch. Cùng với đó, sớm có cơ chế, chính sách và quy định hướng dẫn cụ thể về mô hình hợp tác công tư, nhà nước làm gì, doanh nghiệp làm gì, cơ chế điều tiết các nguồn thu như thế nào để đảm bảo lợi ích của các bên. Phải đề cao vai trò trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, trực tiếp là Tổng cục Du lịch - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc xây dựng, định hướng chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch, quảng bá phát triển thương hiệu du lịch; đồng thời cần quan tâm dành nguồn kinh phí thỏa đáng cho công tác nghiên cứu thị trường, hoạch định chiến lược và tổ chức các hoạt động quảng bá quy mô quốc gia ở các thị trường quốc tế...
Với thành phố Đà Nẵng, trong những năm gần đây lĩnh vực du lịch đã có bước phát triển nhanh, trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, và đã dần định vị được thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới như là điểm đến quốc tế an toàn, hấp dẫn và mến khách. Tại hội thảo lần này, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã đề xuất các chính sách đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành quan tâm: Chính sách về môi trường đầu tư kinh doanh; chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp; chính sách phục hồi sức mua, phục hồi đầu tư; chính sách phát triển thị trường lao động và lực lượng lao động. Ngoài ra, thành phố còn đề nghị Chính phủ sớm ban hành cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế ban đêm để các địa phương có cơ sở để triển khai đạt hiệu quả. Đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ưu tiên nghiên cứu sớm triển khai mô hình hộ chiếu vắc xin..
Trong chiều nay, Hội thảo Du lịch 2021 “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển” sẽ tiến hành phiên toàn thể./.