Công lý cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

20/06/2007 05:25

Ngày 18/6, các nguyên đơn của Việt Nam và Mỹ bị nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam đã ra điều trần trước toà phúc thẩm liên bang tại New York kiện 37 nhà sản xuất và cung cấp loại hoá chất này.

Phiên toà sáng 18/6 được bắt đầu với lời khai của 16 cựu chiến binh Mỹ, sau đó đến các nạn nhân Việt Nam theo trình tự xét xử. Vụ kiện trên đã bị một thẩm phán liên bang bác bỏ năm 2005 vì cho rằng các nguyên đơn không chứng minh được rằng các hoá chất đã gây khiếm khuyết về gen.

Bốn nguyên đơn Việt Nam, có người ngồi xe lăn đã đến tham dự phiên toà này, trong đó có ông Nguyễn Văn Quý 52 tuổi, một cựu chiến binh mắc bệnh ung thư dạ dày. Tại phiên toà, họ được sự ủng hộ của nhiều người Mỹ, chủ yếu thuộc phong trào Cựu chiến binh vì hoà bình, những người thắt ruy băng màu da cam mang dòng chữ: “Công lý cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”. Một số tập trung bên ngoài phòng xử án với các biểu ngữ “các công ty phải trả tiền đền bù tội ác”. Ông David Cline, sáng lập viên của Quỹ Cựu chiến binh vì hoà bình nói: “Nếu quý vị công nhận rằng hoá chất này là nguyên nhân gây bệnh tật trong số các cựu chiến binh Mỹ, thì tại sao quý vị lại không công nhận chuyện này trong dân chúng Việt Nam”.

Theo nhận định, một thắng lợi trong phiên xử tại toà án New York sẽ không dẫn đến việc các công ty hoá chất sẽ trả những khoản tiền lớn một cách nhanh chóng, mà chỉ cho phép vụ này được mang ra xét xử tại một toà án Mỹ. Các luật sư đại diện cho phía Việt Nam nói lần này họ đã đưa ra được nhiều lý lẽ thuyết phục hơn lần trước và tỏ ra lạc quan phiên toà lần này có thể thay đổi phán quyết năm 2005. Tuy nhiên, kết quả phải chờ một thời gian nữa, có thể vài tuần, nhưng cũng có thể vài tháng, thậm chí cả năm.

Sự việc vẫn chưa đi đến hồi kết, tuy nhiên trong cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân chất độc da cam đã có những bước tiến quan trọng. Cách đây 3 tuần, Tổng thống Mỹ George Bush đã ký một dự luật dành 3 triệu USD cho các vấn đề sức khoẻ và môi trường do dioxin gây ra. Năm 1984, 7 công ty hoá chất Mỹ đã đồng ý trả 180 triệu USD cho các cựu chiến binh Mỹ trong một vụ kiện tương tự

 

(http://www.vovnews.com.vn/)