Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Vương quốc Anh: gần 5 tỷ USD được ký kết

06/03/2008 01:57

(ĐCSVN) – Chiều 4/3, trong khuôn khổ chương trình thăm và làm việc tại Vương quốc Anh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và phát biểu trước hơn 500 doanh nghiệp tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Vương quốc Anh do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Hội đồng Thương mại và Công nghiệp Anh và Tập đoàn Ha-vây-nas tổ chức.

Phát biểu tại đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt chào mừng các doanh nghiệp Việt Nam và Vương quốc Anh, những đại diện tiêu biểu cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Vương quốc Anh.

Thủ tướng bày tỏ sự hân hạnh và vui mừng được đến dự và phát biểu khai mạc Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam và Anh; hoan nghênh Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phối hợp với Hội đồng Thương mại và Công nghiệp Anh và Tập đoàn Ha-vây-nas tổ chức  diễn đàn quan trọng và rất có ý nghĩa này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã thông báo đến các doanh nghiệp Vương quốc Anh một số đặc điểm tình hình chủ yếu của Việt Nam:

Thứ nhất Việt Nam là một quốc gia Đông Nam Á, là thành viên của 10 nước ASEAN. Việt Nam có diện tích đất liền là 330.000 km2 và với vùng biển có chủ quyền trên 1 triệu km2. Việt Nam hiện nay có 87 triệu dân, thứ 13 trên thế giới, trong tương lai gần sẽ là 100 triệu và khi ổn định dân số sẽ là 120-130 triệu. Dân số trẻ, trên 70% là dưới 40 tuổi. Dân số Việt Namcó trình độ phổ cập văn hoá khá tốt, có thể nói nguồn nhân lực Việt Nam khá dồi dào.

Tóm lại Việt Nam có tiềm năng lớn và vị trí thuận lợi để hợp tác phát triển trên tất cả các mặt, các lĩnh vực với cộng đồng quốc tế.

Thứ hai: Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, Việt Nam là bạn là đối tác tin cậy của các quốc gia, các dân tộc trên thế giới vì hoà bình hợp tác phát triển, bình đẳng cùng có lợi.

Thủ tướng cho biết, đến nay Việt Namđã có quan hệ ngoại giao và thương mại đầu tư với hầu hết các nước trên thế giới.

Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Namtăng bình quân từ 15-20% năm liên tục trong 22 năm qua. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2007 của Việt Namtương đương 150% GDP của Việt Nam. Đến nay đã có trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có doanh nghiệp đầu tư đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với số vốn đăng ký khoảng 100 tỷ USD và hầu hết đều thành công.

Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã chiếm 17% GDP, 45% giá trị sản xuất công nghiệp, 60% giá trị xuất khẩu.

ViệtNamđã là thành viên của WTO, APEC, ASEM,, ASEAN và nhiều tổ chức quốc tế khác. ViệtNamlà uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2008-2009.

Thủ tướng cho rằng, Việt Namvà Anh đã thiết lập quan hệ ngoại giao 35 năm qua. Quan hệ hữu nghị hợp tác ViệtNam-Anh đang phát triển tốt đẹp. Anh đứng thứ 14 về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam (đứng thứ 3 của cộng đồng Châu Âu) với tổng vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD, các dự án đầu tư tại Việt Nam đều thành công lớn. Thương mại hai chiều đạt gần 2 tỷ USD, năm 2007 tăng trên 20% so với năm 2006. Hợp tác văn hoá và giáo dục Việt Nam và Anh đang phát triển rất nhanh, thanh niên Việt Namrất quan tâm học tiếng Anh. Hiện có khoảng 6000 lưu học sinh Việt Namđang học tập ở Anh. Mỗi sinh viên Việt Nam học ở Anh sẽ là một cầu nối hữu nghị giữa 2 nước, hai dân tộc. Chính phủ Việt Nam vừa đồng ý để 2 ngân hàng Anh là HSBC và Standard Chatered mở ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam và đồng ý cho mở trường đại học Apolo của Anh 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.

Thứ ba: Việt Nam đã chuyển đổi thành công từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường, phát triển năng động, với tốc độ tăng trưởng khá cao và liên tục:

Trong 22 năm liên tục vừa qua Việt Namtăng trưởng bình quân 7,5-8% năm. Năm 2005, 2006, 2007 tăng trưởng trên 8% năm.

Việt Nam hiện có hơn 300 nghìn doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế hoạt động đầu tư kinh doanh bình đẳng trong một khuôn khổ pháp luật chung.

Dự kiến trong những năm tới sẽ có tốc độ tăng trưởng khoảng 8-9% năm. Đến năm 2010 bình quân thu nhập đầu người của Việt Nam đạt trên 1000 USD.

Thứ tư: Việt Nam đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu Thiên Niên kỷ mà Liên hiệp quốc đã khởi xướng và Việt Nam đã cam kết.

Cùng với phát triển kinh tế, Việt Nam đặc biệt quan tâm phát triển văn hoá và thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, phát triển giáo dục, y tế, chăm lo phúc lợi xã hội, quyền tự do dân chủ của nhân dân.

Do hậu quả chiến tranh xâm lược đã để lại năm 1993 Việt Nam có đến gần 60% người nghèo đói, năm 2007 còn 15% người nghèo đói theo tiêu chuẩn quốc tế. Đến năm 2010 sẽ còn dưới 10% người nghèo đói.

Thứ năm: Việt Nam chính trị xã hội ổn định vững chắc và sẽ tiếp tục ổn định vững chắc, sự ổn định từ sự tự giác ủng hộ, lựa chọn của người dân.

Thứ sáu: Nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền. Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Tất cả hành động vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh. Nhà nước Việt Nam đang làm hết sức mình để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới để có nền kinh tế thị trường hoàn thiện hơn, có môi trường kinh doanh thông thoáng minh bạch và ngăn chặn đẩy lùi tiêu cực tham nhũng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển.

 

 

 

 

 

 

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chỉ ra những khó khăn thách thức lớn mà Việt Nam đang gặp phải đó là:

Nền kinh tế qui mô nhỏ GDP mới trên 70 tỷ USD, bình quân đầu người mới trên 830 USD. Hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp; Thể chế, thủ tục hành chính còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thiện kinh tế thị trường và phù hợp với thông lệ quốc tế để ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng; Hạ tầng kinh tế xã hội vẫn còn thấp kém chưa đáp ứng kịp cho yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, đòi hỏi phải đầu tư nhanh và đầu tư lớn; Nguồn nhân lực có trình độ và tay nghề cao vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu cho tăng trưởng cao theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hoá.

Những khó khăn thác thức này đang là mục tiêu phấn đấu tập trung sức giải quyết của chính phủ Việt Nam. Với những thuận lợi và những chính sách phát triển như trên. Chính phủ Việt Nam kêu gọi các nhà doanh nghiệp Anh phát triển đầu tư, thương mại tại Việt Nam, Chính phủ Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các bạn và chắc chắn các bạn sẽ thành công.

Cũng tại diễn đàn này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã trả lời những quan tâm của các doanh nghiệp Anh về cơ sở hạ tầng, môi trường kinh doanh; nguồn nhân lực của Việt Nam.

Ngay sau đó dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng doanh nghiệp hai nước đã ký 8 bản Hợp đồng và Thỏa thuận hợp tác trị giá gần 5 tỷ USD bao gồm:

Thỏa thuận hợp tác khai thác và chế biến quặng Bô-xít giữa Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam và Tập đoàn BHP trị giá 1 tỷ USD; Thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Saigon Invest với Tập đoàn International Power về phát triển dự án Nhiệt điện công xuất 1.200MG tại miền Trung trị giá 1.5 tỷ USD; Biên bản ghi nhớ về phát triển giao dịch Chứng chỉ giảm phát thải giưa Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam với đối tác JP Morgan 280 triệu USD; Biên bản ghi nhớ giữa Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam với Ngân hàng Standard Chartered Bank về vay vốn với trị giá 200 triệu USD; Hợp đồng liên kết sản xuất sản phẩm veston nữ giữa Tổng công ty may Nhà Bè và Tập đoàn bán lẻ Jayroma Luân Đôn trị giá 53 triệu USD; Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tập đoàn New World Fasion Plc với Tesco Group trị giá 900 triệu USD trong 5 năm; Hợp đồng cung cấp Call Center cho Prudential trị giá 3 triệu USD; và Thỏa thuận cấp học bổng của 5 trường của Anh với Công ty TNHH IEC Quốc Anh với 2,46 triệu USD.

Mạnh Hùng (từ London Vương Quốc Anh)

(http://www.cpv.org.vn/index.html)