Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các tổ chức Đảng

18/03/2008 06:06

Công tác kiểm tra, giám sát là một nội dung trọng yếu của công tác xây dựng Đảng, đưa việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát trở thành chế độ nề nếp nhằm góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng.

Sáng 17/3, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị tổng kết việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của các tổ chức Đảng ở các cơ quan Trung ương. Ông Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và ông Nguyễn Văn Chi, Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì hội nghị.

Sau khi báo cáo tổng kết việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của các tổ chức Đảng ở các cơ quan Trung ương năm 2007, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh những nhiệm vụ của công tác kiểm tra, giám sát năm 2008: tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các tổ chức Đảng, trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu (Bí thư) và của cán bộ kiểm tra chuyên trách. Các tổ chức Đảng ở Trung ương phải luôn xác định công tác kiểm tra, giám sát là một nội dung trọng yếu của công tác xây dựng Đảng, đưa việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát trở thành chế độ nề nếp nhằm góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, nhất là tổ chức cơ sở Đảng. Cần giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống, phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát trong tất cả các cấp bộ Đảng. Làm tốt công tác dự báo tình hình, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra vi phạm để xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh. Ủy ban Kiểm tra của các Đảng ủy trực thuộc Trung ương, Đảng ủy trực thuộc các Đảng ủy khối thực hiện toàn diện, có hiệu quả những nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng. Cụ thể là thực hiện có trọng tâm, trọng điểm nhiệm vụ kiểm tra đảng viên, kể cả cấp ủy viên cùng cấp và tổ chức Đảng khi có dấu hiệu vi phạm; chú trọng kiểm tra, giám sát đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, tổ chức nhà nước trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Các tổ chức Đảng ở Trung ương chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát năm 2008 và tổ chức thực hiện tốt các cuộc kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tổng kết hoạt động kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng; tổng kết việc thực hiện quy chế làm việc của Ủy ban kiểm tra giữa nhiệm kỳ…

Theo bà Phạm Thị Hải Chuyền, nội dung kiểm tra, giám sát cần bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đặc điểm tình hình và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng của đơn vị. Công tác kiểm tra, giám sát chú trọng những lĩnh vực như: thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức Đảng, công tác cán bộ, đoàn kết nội bộ, thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí; chú ý trước hết tới các lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm như quản lý tài chính, ngân sách, thực hiện các dự án đầu tư, mua sắm và quản lý tài sản công, xây dựng cơ bản. Công tác kiểm tra góp phần giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, thực hiện Cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Tại hội nghị, các đại biểu tiến hành thảo luận về phương hướng, nhiệm vụ và những giải pháp để thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát năm 2008.

Hội nghị làm việc đến hết ngày 17/3/2008 ./.

 

(http://www.vovnews.vn/)