VN cam kết thực hiện thành công sáng kiến "Một Liên hợp quốc"

31/03/2008 11:55

Hà Nội (TTXVN) - Ông Phạm Bình Minh, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam, nhấn mạnh Việt Nam cam kết thực hiện thành công sáng kiến Một Liên hợp quốc.

Ngày 28/3, tại cuộc họp tham vấn về chủ đề "Gắn kết toàn hệ thống Liên hợp quốc" và thực hiện sáng kiến "Một Liên hợp quốc" do Đại hội đồng Liên hợp quốc tổ chức, Thứ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam coi trọng việc cải tổ hoạt động phát triển của Liên hợp quốc, trong đó có Sáng kiến "Một Liên hợp quốc".

 

Đại diện Việt Nam chia sẻ lập trường của Nhóm 77 và cho rằng sáng kiến "Một Liên hợp quốc", cũng như bất cứ sáng kiến nào khác trong quá trình cải tổ hoạt động phát triển của Liên hợp quốc, cần bảo đảm quyền làm chủ và quyền lãnh đạo của Chính phủ nước chủ nhà và phải được tổ chức một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh riêng của từng nước.

 

Theo Thứ trưởng Phạm Bình Minh, mục tiêu của sáng kiến này là nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ phát triển của Liên hợp quốc, vì vậy, không thể coi nó như một sự thay thế cho nhu cầu cần có nguồn lực thích hợp để hỗ trợ công cuộc phát triển.

 

Thứ trưởng cũng chỉ ra những khó khăn, phức tạp trong quá trình triển khai hoạt động này, trong đó có việc thực hiện các kế hoạch đã được các bên nhất trí, và giải quyết những vấn đề kỹ thuật liên quan đến việc quản lý, thực hiện chương trình của các cơ quan Liên hợp quốc. Thứ trưởng cho rằng vì lý do này, cần phải có sự đồng thuận, cũng như sự hợp tác đầy đủ và chủ động của các cơ quan Liên hợp quốc vì mục tiêu chung của sáng kiến "Một Liên hợp quốc".

 

Cũng phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Bùi Thế Giang, Phó trưởng Đoàn đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh với tư cách thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, Việt Nam cho rằng việc tham gia và đóng góp vào công cuộc cải tổ Liên hợp quốc là nghĩa vụ tất yếu của mình, nhằm mang lại sức sống mới mạnh mẽ hơn cho tổ chức này, và điều này sẽ mang lại lợi ích lớn hơn đối với các nước thành viên.

 

Việt Nam hiện là 1 trong 8 nước được chọn triển khai thí điểm sáng kiến Một Liên hợp quốc cùng với Anbani, Cápve, Pakixtan, Ruanđa, Tandania, Môdămbích và Urugoay

 

(http://www.vnanet.vn)