Bế mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008

18/05/2008 01:33

Hà Nội (TTXVN) - Chiều 16/5, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008 (Vesak) đã bế mạc tại Hà Nội, sau 3 ngày làm việc với nhiều nghi thức Phật giáo và các phiên thảo luận về nhiều vấn đề liên quan mật thiết đến cuộc sống xã hội ngày nay.

Trong diễn văn bế mạc, các vị đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như Uỷ ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Phật đản Liên hợp Quốc (IOC) đều nhấn mạnh sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo Đảng, Chính phủ Việt Nam và các bộ ngành liên quan đã góp phần quan trọng vào thành công của Đại lễ.

 

“Chúng tôi trân trọng ghi nhận sự ủng hộ của Liên hợp quốc, các cộng đồng Phật giáo quốc tế, quý vị đại biểu và Phật tử trong, ngoài nước. Đặc biệt xin ghi ơn sự hỗ trợ nhiều mặt của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà Nước Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho sự thành công tốt đẹp của Đại lễ này”, Chủ tịch IOC Lê Mạnh Thát nói.

 

Trong báo cáo kết quả đại lễ tuyên đọc tại phiên bế mạc, Đại đức Thích Nhật Từ, Tổng thư ký IOC cũng tái khẳng định ý nghĩa của Vesak 2008, quá trình chuẩn bị tổ chức sự kiện này tại Việt Nam và tổng hợp những nội dung đã thảo luận tại Đại lễ. Đại đức khẳng định Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện quốc tế trọng đại này với tất cả tâm lực và trí lực, công tác chuẩn bị khá chu đáo trước khi khai mạc Đại lễ.

 

Về phía Chính phủ - một trong ba chủ thể cùng tổ chức sự kiện này, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm khẳng định tư tưởng cao quý của đại lễ là Phật giáo và xã hội công bằng dân chủ văn minh đã được long trọng tuyên bố trong tinh thần dân chủ, hoà hợp, thân thiện và trách nhiệm lớn lao.

 

Phó Thủ tướng cũng cho biết trong thời gian đại lễ diễn ra tại Hà Nội, hàng chục triệu tăng ni phật tử Việt Nam trên cả nước cũng đã tiến hành kỷ niệm ngày đản sinh của Đức Phật thích ca và chào mừng ngày đại lễ trong tinh thần văn hoá quốc tế và hữu nghị của Liên Hợp Quốc.

 

Phó Thủ tướng nói “Đại lễ không chỉ là một lễ hội văn hoá tôn giáo quốc tế mà còn là cơ hội tốt để thế giới hiểu biết nhiều hơn về Phật giáo Việt Nam, về văn hoá Việt Nam, về chính sách tự do tín ngưỡng, chính sách đại đoàn kết dân tộc của nước Việt Nam yêu chuộng hoà bình với một nền văn hoá đa tôn giáo, đậm đà bản sắc dân tộc”.

 

Cũng trong phiên bế mạc, Đại lễ đã thông qua Tuyên bố Hà Nội gồm 16 điểm cam kết các vấn đề liên quan đến chủ đề hội thảo trong đại lễ lần này; đồng thời cũng đề nghị nhận được sự hỗ trợ cho các sự kiện Phật giáo quốc tế sắp tới như Hội nghị Thượng Đỉnh Phật Giáo lần thứ năm tại Nhật Bản vào tháng 11/2008, Hội nghị của Hiệp hội các trường Đại học Phật giáo thế giới tại Thái Lan năm 2008, các hoạt động của hội Liên Hữu Phật Tử Thế Giới, Tổ chức Hành Trình Reiyukai Nội Tại, Diễn Đàn Phật Giáo Thế giới lần thứ 2 tại Trung Quốc tháng 11/2008.

 

Sau lễ bế mạc, đại lễ đã được nghe bản giao hưởng “Khai giác” - tác phẩm âm nhạc đặc biệt do nhạc sỹ Việt kiều Nguyễn Thiện Đạo sáng tác ca ngợi cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mầu Ni. Đây cũng là lần đầu tiên một chương trình giao hưởng được trình diễn tại Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc

(http://www.vnanet.vn)