VIỆT NAM LÀ MỘT TRONG NHỮNG QUỐC GIA DẪN ĐẦU VỀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRONG KHU VỰC ASEAN

18/09/2022 17:36

Nhìn nhận về triển vọng phát triển kinh tế ổn định của Việt Nam tại Toạ đàm cấp cao “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”, Chuyên gia chính xếp hạng tín nhiệm Quốc gia Việt Nam thuộc Moody’s Nishad Majmudar cho biết, Việt Nam nằm trong số những quốc gia có thành tích tốt nhất ASEAN về tăng trưởng kinh tế, cùng với đó đảm bảo được sức mạnh tài chính dù trải qua nhiều cú sốc đến từ các yếu tố nội vi và ngoại vi.

 

Tổng thuật "Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022": Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững

Phiên Toàn thể “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”

Đánh giá về triển vọng phát triển kinh tế ổn định của Việt Nam tại Toạ đàm cấp cao, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, Chuyên gia chính xếp hạng tín nhiệm Quốc gia Việt Nam thuộc Moody’s Nishad Majmudar nhận thấy, nền kinh tế Việt Nam cũng như xuất khẩu quốc gia đang ngày càng trở nên mạnh mẽ dù thế giới đã và đang phải trải qua nhiều cú sốc về kinh tế như đại dịch COVID-19, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và gần đây nhất là xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine. Tuy nhiên, FDI vẫn liên tục chảy vào nhiều ngành nghề của Việt Nam bất chấp các sự kiện trên, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất. Chuyên gia Nishad Majmudar kỳ vọng, đà tăng trưởng của Việt Nam sẽ tiếp tục diễn biến tích cực, bất chấp thế giới và nền tài chính toàn cầu đang trải qua giai đoạn suy giảm.

Bên cạnh đó, Chuyên gia chính xếp hạng tín nhiệm Quốc gia Việt Nam cũng đánh giá cao hiệu quả của chính sách tài khóa của Việt Nam, đặc biệt là chính sách quản lý nợ mang tầm nhìn xa của Chính phủ. Điều này bao gồm việc giảm tỷ trọng các khoản vay nước ngoài, chuyển dịch sang vay thương mại nội địa sử dụng Việt Nam đồng. Qua đó góp phần làm giảm áp lực tổng vay nợ cho Chính phủ, đồng thời giảm rủi ro tái cấp vốn theo thời gian. Cụ thể, khi Việt Nam đang tăng hàng trong thang thu nhập quốc gia, điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ có ít quyền tiếp cận hơn đối với các khoản vay ưu đãi từ các quốc gia có quan hệ song phương hoặc đa phương.

Ngoài ra, nhắc đến sức mạnh tài khoá, Chuyên gia Nishad Majmudar chỉ ra rằng, bất chấp những sự kiện không có lợi diễn ra trên toàn thế giới bao gồm đại dịch COVID-19, Chính phủ Việt Nam vẫn có thể duy trì một lập trường tài khóa khôn khéo, bao gồm duy trì thâm hụt tài khóa ở mức vừa phải cũng như duy trì mức độ nợ định. So với các quốc gia khác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, không gian tài khoá của Việt Nam còn khá lớn nên trong trường hợp các cú sốc kinh tế bất ngờ xảy đến Chính phủ vẫn có dư địa để đưa ra các gói kích thích kinh tế.

Chuyên gia chính xếp hạng tín nhiệm Quốc gia Việt Nam thuộc Moody’s Nishad Majmudar phát biểu từ điểm cầu trực tuyến

Nhìn về tương lai có thể thấy vẫn còn nhiều sự kiện không thuận lợi liên quan đến vấn đề suy giảm kinh tế toàn cầu. Chuyên gia Nishad Majmudar cho biết hiện tại đang đánh giá lại mức tăng trưởng cho năm 2022 và cả năm 2023 của thị trường Mỹ, Trung Quốc và các nền kinh tế lớn thuộc châu Âu. Trên phương diện đây là những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, Chuyên gia Nishad Majmudar nhận định rằng Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng một mức độ nhất định, đặc biệt là trong khối lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, thị trường nội địa của Việt Nam đã mở cửa trở lại và các du khách đã bắt đầu đến Việt Nam. Chính vì vậy, thâm hụt về xuất khẩu của Việt Nam có thể được bù đắp bởi các ngành dịch vụ và sự phục hồi của kinh tế nội địa. Điều này vô hình trung sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Từ những phân tích trên, Chuyên gia Nishad Majmudar bày tỏ lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam với mức tăng từ 6% đến 7 % trong trung hạn so với các nước khác trong khu vực. Việt Nam đang là một trong số những quốc gia dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế trong khu vực. Mặt khác, một trong số những rủi ro cần xét đến là giá cả và áp lực lạm phát. Cụ thể, trong lĩnh vực sản xuất, khi Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu một số nguyên liệu thành phần phục vụ xuất khẩu. Chuyên gia Nishad Majmudar kỳ vọng rằng Việt Nam sẽ thu hẹp thặng dư cán cân thanh toán trong vài năm tới khi động lực tăng trưởng của xuất khẩu yếu dần đi và giá nguyên liệu đầu vào gia tăng.

Bên cạnh đó, mặc dù dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam rất mạnh mẽ, nhưng Chuyên gia Nishad Majmudar bày tỏ mong muốn dòng vốn FDI vẫn giữ ổn định như vậy trong những năm tiếp theo. Chuyên gia Nishad Majmudar cho rằng Việt Nam cũng cần phải tính toán kỹ về “bộ đệm” mang tên Dự trữ ngoại hối được tích lũy trong nhiều năm của Việt Nam, "bộ đệm" này nhiều khả năng sẽ bắt đầu giảm dần trong vài năm tới. Nhìn chung, Chuyên gia Nishad Majmudar nhận thấy Việt Nam khá kiên cường và nằm trong số những quốc gia có thành tích tốt nhất ASEAN xét trên khía cạnh tăng trưởng kinh tế, và Việt Nam vẫn đảm bảo được sức mạnh tài chính dù trải qua nhiều cú sốc đến từ các yếu tố nội vi và ngoại vi./.

Minh Thành

Other news