Sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trí tuệ, sôi nổi trên tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực phụ trách của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Tổng Thanh tra Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Cùng với các Bộ trưởng, trưởng ngành chịu trách nhiệm trả lời chính, 4/4 Phó Thủ tướng Chính phủ, 7 Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch Đầu tư, Giao thông Vận tải, Công an, Giáo dục, Y tế, Tài chính, Công thương và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tham gia trả lời, giải trình, làm rõ thêm các nội dung liên quan.
Tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp có 345 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn, trong đó có 149 lượt đại biểu đã chất vấn và 22 lượt đại biểu tranh luận. Việc đại biểu Quốc hội tăng cường giơ biển tranh luận thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động nghị trường. Thông qua tranh luận, nhiều vấn đề được sáng tỏ, tường minh. Đây là bước tiến đáng kể, chuyển dần từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận.
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV chất vấn 04 lĩnh vực trọng tâm
Với không khí sôi nổi, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nội dung tranh luận của các vị đại biểu Quốc hội như chất xúc tác, thổi luồng sinh khí mới cho hoạt động nghị trường. Tại kỳ hợp thứ 4, giá trị của tranh luận tại nghị trường đã chạm tới những vấn đề “nóng”, đúng và trúng những vấn đề cử tri cả nước quan tâm, trông đợi.
Giơ biển tranh luận tại phiên chất vấn đối với lĩnh vực Thông tin và truyền thông, đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cho rằng, trên mạng sẽ khác ở ngoài đời về quản lý theo lãnh thổ, địa giới hành chính. Vì vậy, nếu chúng ta chỉ dùng biện pháp ngăn chặn thông tin và xử lý những tài khoản có vi phạm thì không khác gì khi thực hiện phòng COVID-19 là phải đeo khẩu trang, cách ly, phong tỏa…
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa thẳng thắn bày tỏ quan điểm, giải pháp căn cơ nhất là cần nâng cao sức đề kháng với các thông tin xấu độc, giống như việc tiêm vaccine COVID-19 mới là giải pháp căn cơ và lâu dài để phòng bệnh này.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên phát biểu tranh luận trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông
Cũng phát biểu tranh luận tại phiên chất vấn này, đại biểu Nguyễn Danh Tú, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang nêu rõ việc thực hiện chuẩn hóa, xác thực thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ba doanh nghiệp chiếm 96% thị phần là Viettel, VNPT, Mobifone mới rà soát, đối chiếu được hơn 24% tổng số giấy tờ thuê bao. Theo Báo cáo số 158 của Bộ Thông tin và Truyền thông, mục tiêu là hoàn thành 100% việc đối soát này trong tháng 11/2022. “Như vậy, còn chưa đầy một tháng nữa phải rà soát, đối chiếu xong 58 triệu thuê bao di động còn lại. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đánh giá về tính khả thi cũng như giải pháp để đạt được mục tiêu trên nhằm góp phần loại bỏ sim rác?”, đại biểu Nguyễn Danh Tú thẳng thắn đặt vấn đề.
Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông đã có tới 10 đại biểu tranh luận trực tiếp với Bộ trưởng nhằm truy đến cùng vấn đề, làm rõ hơn thực trạng và đi tới cùng giải pháp tháo gỡ vướng mắc, tồn tại hiện nay.
Không khí tranh luận còn diễn ra sôi nổi tại phiên chất vấn đối với lĩnh vực xây dựng, nội vụ và thanh tra. Tại phiên chất vấn với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông tranh luận đề nghị, Bộ trưởng cần báo cáo rõ hơn về tình hình tinh giản giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập trong giai đoạn vừa qua với Quốc hội và cử tri.
Theo đại biểu, trong báo cáo của Bộ trưởng có nêu, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực chậm ban hành và hoàn thiện thể chế. Tuy nhiên, Bộ trưởng không nêu địa chỉ rõ ràng. Do vậy, đại biểu tỉnh Đắk Lắk thẳng thắn đề nghị Bộ trưởng giải trình rõ vấn đề này cũng như trách nhiệm của Bộ trong vấn đề này như thế nào?.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông phát biểu tranh luận trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Không khí tranh luận tại phiên chất vấn, cho thấy sự quyết liệt của các đại biểu Quốc hội nhằm đi đến cùng vấn đề mà dư luận, cử tri quan tâm, thể hiện tinh thần trách nhiệm, công tâm đối với từng nội dung được đề cập trước Quốc hội. Từ sự trao đổi thẳng thắn, với lập luận chặt chẽ, dẫn chứng cụ thể, việc tranh luận tại phiên chất vấn cũng giúp các bộ trưởng, trưởng ngành nhận diện rõ hơn những vấn đề còn bất cập, có các quyết sách phù hợp hơn trong điều hành, đáp ứng niềm tin, sự mong mỏi của cử tri và Nhân dân cả nước.
Theo dõi diễn biến các phiên chất vấn thông qua truyền thông, cử tri Lưu Huy Vinh, cán bộ hưu trí phường Láng Hạ, Tp. Hà Nội chia sẻ, chất vấn luôn nội dung cử tri chờ đợi tại mỗi kỳ họp Quốc hội. Tại phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, không khí tranh luận trực tiếp giữa các vị đại biểu Quốc hội với Bộ trưởng rất sôi nổi, thẳng thắn,… Cử tri cảm nhận được tinh thần trách nhiệm, ý chí, mong muốn rõ trách nhiệm, rõ giải pháp trong từng vấn đề nêu tại nghị trường của các vị đại biểu.
Cử tri Lưu Huy Vinh, cán bộ hưu trí phường Láng Hạ, Tp. Hà Nội
Cùng quan điểm, cử tri Nguyễn Thị Bình, phường Vân Cơ, Tp. Việt Trì cho rằng, việc đại biểu giơ biển tranh luận cho thấy rõ trách nhiệm của đại biểu với cử tri. Thông qua tranh luận nhiều vấn đề được làm rõ, cũng qua tranh luận các giải pháp được mổ xẻ, phân tích kỹ lưỡng hơn.
Thường xuyên theo dõi hoạt động của Quốc hội, dưới góc độ nghiên cứu, PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, tranh luận là việc thảo luận chính thức tại nghị trường Quốc hội khi các vị đại biểu đưa ra ý kiến phản biện lại quan điểm của Chính phủ hoặc của các vị Bộ trưởng. Thời gian gần đây, hoạt động tranh luận tại các phiên thảo luận, chất vấn của Quốc hội diễn ra ngày càng sôi nổi, hiệu quả, chất lượng cao.
Theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung, tranh luận tại nghị trường giúp làm phong phú thêm hoạt động nghị trường, các vấn đề đưa ra được mổ xẻ, nhìn nhận dưới nhiều góc độ. Từ đó, thêm thông tin, thêm dữ liệu để giải quyết các vấn đề vướng mắc, bất cập đặt ra tại nghị trường.
Cũng theo PGS. TS Doãn Hồng Nhung, tranh luận là một phương thức hoạt động, là biểu hiện của một cơ quan dân cử thật sự dân chủ. Tranh luận thường được nhân dân và cử tri đặc biệt quan tâm nên có tác dụng sâu rộng. Việc tăng cường tranh luận cho thấy, Quốc hội đang chuyển dần từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận, ngày càng đáp ứng mong mỏi của cử tri.
Bế mạc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định, việc lựa chọn đúng và trúng vấn đề, đổi mới phương pháp chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, cùng với tâm huyết, thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm cao trước Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước của người chất vấn và người trả lời chất vấn đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn, bảo đảm các nội dung chất vấn hướng đúng trọng tâm; qua đó, giúp các đại biểu Quốc hội đánh giá được kết quả thực thi nhiệm vụ của người trả lời chất vấn đối với các quyền hạn được giao.
“Với tinh thần dân chủ, công khai, hoạt động chất vấn đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động của bộ máy nhà nước và người đứng đầu cơ quan nhà nước, thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,…”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 đã khép lại với nhiều cải tiến, đổi mới. Với sự theo sát, đeo bám vấn đề của các vị đại biểu Quốc hội cùng với nỗ lực quyết tâm của Chính phủ, cử tri tin tưởng và chờ đợi vào những chuyển biến mạnh mẽ sau chất vấn, để những “lời hứa” trên nghị trường sớm được hiện thực hóa./.