Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân
Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII yêu cầu tập trung thực hiện một số chủ trương, nhiệm vụ quan trọng để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó nhấn mạnh phải tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Thực hiện Nghị quyết của Đảng, phát huy những thành tựu của Quốc hội các khóa trước, Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới về phương thức, cách thức tổ chức hoạt động. Trong đó, đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, là trung tâm của Quốc hội, hoạt động của đại biểu Quốc hội góp phần quan trọng quyết định hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu Quốc hội có vị trí pháp lý bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội. Sự bình đẳng thể hiện rõ nhất qua nguyên tắc thảo luận tập thể, quyết định theo đa số; quyền biểu quyết của đại biểu Quốc hội.
Hoạt động của đại biểu Quốc hội có phạm vi rất rộng, không chỉ về các vấn đề của cử tri, người dân khu vực bầu cử, mà còn liên quan đến lợi ích của quốc gia, nhân dân cả nước, mọi mặt của đời sống xã hội và sự phát triển của đất nước.
Để thực hiện nhiệm vụ, đại biểu Quốc hội tham gia hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao, giữ mối liên hệ với cử tri, công tác dân nguyện, đối ngoại và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật. Cụ thể: đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật, pháp lệnh; quyền kiến nghị; quyền ứng cử, giới thiệu người ứng cử vào các chức danh do Quốc hội bầu; quyền chất vấn; quyền yêu cầu cung cấp thông tin; quyền miễn trừ...
Qua các nhiệm kỳ Quốc hội, hoạt động của đại biểu Quốc hội ngày càng có những chuyển biến tích cực gắn với đổi mới về tổ chức, hoạt động của Quốc hội. Đại biểu Quốc hội gồm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và không chuyên trách. Đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách dành ít nhất một phần ba thời gian trong năm để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách dành toàn bộ thời gian để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu tại cơ quan của Quốc hội hoặc tại Đoàn Đại biểu Quốc hội địa phương.
Nhiệm kỳ các khóa Quốc hội gần đây, số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tăng cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể: Tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách đạt 38,6%, cao hơn các nhiệm kỳ trước. Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách có nhiều chuyên nghành đào tạo; nhiều đại biểu được đào tạo từ 2 -3 chuyên ngành,… . Trong đó chuyên ngành Luật và Kinh tế chiếm ưu thế lớn, còn lại là các chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực văn hóa, giáo dục, tài chính ngân hàng và y tế,…
Bên cạnh đó, các cơ cấu kết hợp như tỷ lệ nữ đại biểu, đại biểu là người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử đều đạt hoặc vượt so với chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, lần đầu tiên trong 15 nhiệm kỳ Quốc hội, tỷ lệ đại biểu là người dân tộc thiểu số đạt 17,84% cao nhất từ trước đến nay và cũng là lần đầu tiên có thêm đại diện của hai dân tộc thiểu số rất ít người là dân tộc Lự và Brâu trong Quốc hội. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao nhất từ Quốc hội khóa XI đến nay, chiếm hơn 30%.
Theo TS.Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tỷ lệ thuận với chất lượng đại biểu được nâng cao. Việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách chính là tăng đại biểu làm việc toàn bộ thời gian cho Quốc hội. Đồng thời, đại biểu chuyên trách ít chịu ràng buộc, chi phối bởi mối quan hệ công tác ở các cơ quan, tổ chức khác nên có vị thế độc lập. Tuy nhiên, tăng số lượng cũng cần đi cùng với tăng chất lượng đại biểu chuyên trách cũng như đại biểu hoạt động kiêm nhiệm.
Cho rằng, đại biểu Quốc hội là có vị trí, vai trò nòng cốt trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, chất lượng đại biểu Quốc hội liên quan mật thiết với năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới, Quốc hội không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động, do đó, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội cũng cần ngang tầm nhiệm vụ, nhằm gánh vác những trọng trách to lớn của đất nước,…
Với vai trò, vị trí trung tâm, hạt nhân trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, tại những năm đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, các vị đại biểu Quốc hội đã phát huy tinh thần trách nhiệm cao, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm, có chất lượng vào những nội dung, quyết sách tại các kỳ họp Quốc hội. Đơn cử, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã có 1.841 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 7 phiên thảo luận tổ, 621 lượt đăng ký, 508 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận và 26 lượt tranh luận tại 26 phiên thảo luận Hội trường; 345 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký, 149 lượt đại biểu nêu câu hỏi chất vấn, 22 đại biểu tranh luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn;…
Không chỉ thể hiện rõ nét vị trí, vai trò tại Kỳ họp Quốc hội, các đại biểu Quốc hội còn tham gia hoạt động khác do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức theo luật định.
Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội còn đặc biệt coi trọng,đẩy mạnh đổi mới các hoạt động, hình thức giữ mối liên hệ với cử tri, lắng nghe, ghi nhận và truyền tải tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri, … Đồng thời tạo điều kiện để cử tri thực hiện các quyền giám sát, quyền tham gia hoạt động quản lý nhà nước thông qua cơ quan đại diện.
Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do đó, đại biểu Quốc hội với vị trí là trung tâm của Quốc hội, không ngừng tăng cường chất lượng, nâng cao năng lực hoạt động để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và kỳ vọng của Nhân dân./.