Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi)
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi). Luật kế thừa có chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh năm 2006 với nhiều điểm mới cơ bản phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ tin tưởng Luật điện ảnh sửa đổi lần này sẽ tạo điều kiện để chúng ta giải quyết những bất cập đã cản trở sự phát triển điện ảnh Việt Nam trong thời gian vừa qua cũng như tạo điều kiện để điện ảnh quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh phát triển trong tương lai.
Tại Điều 14 của Luật, về sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, khoản 3 có quy định, Chủ đầu tư dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước có trách nhiệm sau đây: Thực hiện quy trình lựa chọn dự án sản xuất phim; Thành lập Hội đồng thẩm định kịch bản, Hội đồng lựa chọn dự án sản xuất phim theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Để hướng dẫn chi tiết, cụ thể việc thực hiện quy định này trong Luật Điện ảnh (sửa đổi), vừa qua Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ra Thông tư số 19/2022/TT-BVHTTDL quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định kịch bản phim sử dụng ngân sách nhà nước. Theo đó, Đối tượng áp dụng của Thông tư này là: Chủ đầu tư dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước; Cơ quan, đơn vị quản lý dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước; Thành viên Hội đồng thẩm định kịch bản phim sử dụng ngân sách nhà nước; Cơ sở điện ảnh có kịch bản đề nghị thẩm định để sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước; Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thẩm định kịch bản phim sử dụng ngân sách nhà nước.
Theo Thông tư, Hội đồng do chủ đầu tư quyết định thành lập theo đề nghị của cơ quan quản lý dự án. Chủ đầu tư có quyền cho thôi, miễn nhiệm, thay thế thành viên Hội đồng theo quy định. Căn cứ loại hình kịch bản phim, chủ đầu tư quyết định thành lập Hội đồng, bao gồm: Hội đồng thẩm định kịch bản phim truyện; Hội đồng thẩm định kịch bản phim tài liệu và phim khoa học; Hội đồng thẩm định kịch bản phim hoạt hình.
Thông tư cũng quy định rõ, thành phần của Hội đồng bao gồm: 05 thành viên trở lên (là số lẻ), gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên, bao gồm: đại diện cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh, biên kịch, đạo diễn, người có chuyên môn về từng loại hình phim, có uy tín nghề nghiệp và các chức danh khác phù hợp do chủ đầu tư lựa chọn. Trường hợp cần thiết, chủ đầu tư có thể mời thêm một số chuyên gia để tham khảo ý kiến.
Về nguyên tắc làm việc của Hội đồng, Thông tư nêu rõ, Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập thể, thảo luận công khai, dân chủ, quyết định theo đa số. Các thành viên Hội đồng làm việc công tâm, khách quan, trung thực, có quyền bảo lưu ý kiến riêng nhưng phải tuân thủ kết luận của Hội đồng. Thành viên và Thư ký Hội đồng phải bảo mật nội dung kịch bản, các ý kiến thảo luận và kết luận của Hội đồng. Thành viên và Thư ký Hội đồng không được là tác giả của kịch bản đề nghị Hội đồng thẩm định. Hội đồng họp tổng kết để đánh giá hoạt động ít nhất mỗi năm một lần.
Về hoạt động của Hội đồng, trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận kịch bản do cơ sở điện ảnh đề nghị thẩm định, Thường trực Hội đồng gửi kịch bản và Phiếu thẩm định kịch bản đến các thành viên Hội đồng. Phiếu thẩm định kịch bản thực hiện theo Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này. Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận được kịch bản do Thường trực Hội đồng gửi, Thành viên Hội đồng có trách nhiệm thẩm định và gửi Phiếu thẩm định kịch bản đến Thường trực Hội đồng. Trường hợp thành viên Hội đồng đã gửi Phiếu thẩm định kịch bản tới Thường trực Hội đồng, nhưng sau đó đến trước phiên họp Hội đồng có ý kiến khác so với Phiếu thẩm định kịch bản đã gửi trước đó, thì có thể gửi lại Phiếu cho Thường trực Hội đồng tổng hợp tại cuộc họp để làm căn cứ kết luận của Hội đồng.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng nêu rõ, cuộc họp của Hội đồng được tổ chức căn cứ thực tế số lượng kịch bản đề nghị thẩm định. Cuộc họp của Hội đồng phải có ít nhất trên 2/3 tổng số thành viên Hội đồng tham dự. Kết luận của Hội đồng phải được ít nhất 2/3 tổng số ý kiến thẩm định của các thành viên Hội đồng tán thành. Kết luận của Hội đồng phải được ghi vào Biên bản họp Hội đồng. Phiếu thẩm định và ý kiến tại cuộc họp của thành viên Hội đồng, Kết luận của Hội đồng là cơ sở để cơ quan quản lý dự án soạn thảo văn bản thẩm định kịch bản. Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp của Hội đồng, cơ quan quản lý dự án gửi văn bản thẩm định kịch bản đến cơ sở điện ảnh có kịch bản đề nghị thẩm định.
Về tiêu chí đánh giá, chấm điểm, xếp loại kịch bản, thành viên Hội đồng nhận xét, đánh giá từng kịch bản, ghi vào Phiếu thẩm định kịch bản, chấm điểm theo thang điểm 10, khoảng cách chấm giữa các điểm là 0,5. Kết quả đánh giá kịch bản được tính điểm từ cao xuống thấp, cụ thể như sau:
Kịch bản Xuất sắc: Chấm các điểm từ 9,0 đến 10 đối với kịch bản có nội dung tư tưởng sâu sắc, giá trị nhân văn cao, khái quát được những vấn đề lớn của đời sống xã hội, có phát hiện độc đáo; không vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật Điện ảnh; kịch bản có kỹ thuật viết với trình độ chuyên môn cao, có ngôn ngữ điện ảnh, đặc sắc, sáng tạo;
Kịch bản Tốt: Chấm các điểm từ 7,5 đến 8,5 đối với kịch bản có nội dung tư tưởng tốt, có tính nhân văn và giá trị xã hội; không vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật Điện ảnh; kịch bản có kỹ thuật viết với trình độ chuyên môn tốt, có ngôn ngữ điện ảnh, tạo được sức hấp dẫn;
Kịch bản Khá: Chấm các điểm từ 6,0 đến 7,0 đối với kịch bản có nội dung tư tưởng tốt, có tính nhân văn và giá trị xã hội; không vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật Điện ảnh; kịch bản có kỹ thuật viết với trình độ chuyên môn khá, có thể chỉnh sửa để nâng cao chất lượng;
Kịch bản Trung bình: Chấm các điểm từ 5,5 trở xuống đối với kịch bản có nội dung, hình thức thể hiện chưa đạt yêu cầu.