PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI GẮN VỚI CỦNG CỐ AN NINH QUỐC PHÒNG, HỘI NHẬP QUỐC TẾ

26/06/2023 17:59

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đã đề ra. Về công tác lập pháp, tại Kỳ họp này, Quốc hội đã cho ý kiến, xem xét và thông qua một số dự án luật quan trọng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

QUỐC HỘI BẾ MẠC KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHOÁ XV

Sau 23 ngày làm việc với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với kết quả: thông qua 08 luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến lần 2 đối với 01 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật khác; giám sát tối cao chuyên đề “việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cùng một số nội dung quan trọng khác.

Cụ thể, về công tác lập pháp, Quốc hội đã cho ý kiến, xem xét và thông qua một số dự án luật quan trọng. Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân được ban hành nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Công an nhân dân hiện hành; bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định về tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật

Luật gồm 02 Điều tập trung 03 chính sách: Tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định của Đảng, Nhà nước và yêu cầu thực tiễn; Thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn đối với sĩ quan công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác; Bổ sung, điều chỉnh một số chức vụ, chức danh của sĩ quan công an nhân dân có cấp bậc hàm cao nhất.

Bên cạnh đó, Luật Phòng thủ dân sự được ban hành nhằm tạo khung khổ pháp lý chung cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Luật gồm 7 chương và 71 điều với 06 nhóm chính sách, gồm: Đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh trong hoạt động phòng thủ dân sự; Phân công trong quản lý nhà nước và phân cấp trong tổ chức hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; Quy định các biện pháp bảo vệ người dân trước thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh và hỗ trợ người dân bị thiệt hại; Đổi mới tổ chức của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia; Ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (big data) trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; Hoạt động phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được ban hành nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế và phát triển du lịch, dịch vụ, tạo sự thông thoáng về thủ tục, chính sách mở rộng thị thực điện tử, kéo dài thời hạn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, tạo điều kiện thúc đẩy thu hút du lịch, đầu tư, hợp tác kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện dịch vụ công.

Luật gồm 3 Điều, cụ thể: Điều 1 gồm 15 khoản sửa đổi, bổ sung 15 điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, trong đó: bổ sung thông tin về nơi sinh trên giấy tờ xuất nhập cảnh; đơn giản hóa thủ tục nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy tờ xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài; chuyển thẩm quyền ký kết điều ước quốc tế về tiếp nhận trở lại công dân Việt Nam không được phía nước ngoài cho cư trú từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Công an; quy định việc hủy hộ chiếu sau 12 tháng đã thông báo mà công dân không đến nhận…;

Điều 2 gồm 10 khoản, sửa đổi, bổ sung 10 Điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, trong đó: nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên đến 90 ngày và có giá trị một lần hoặc nhiều lần; mở rộng các nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp thị thực điện tử và các cửa khẩu quốc tế cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử; mở rộng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày cho công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú... Điều 3 gồm 04 khoản quy định về hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp .

Minh Hùng