ỦY BAN PHÁP LUẬT TỔ CHỨC HỘI THẢO GÓP Ý VỀ DỰ THẢO LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI)

10/08/2023 14:30

Chiều 10/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Hội thảo góp ý về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

ỦY BAN PHÁP LUẬT HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 14 THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI)

Cùng dự hội thảo có: Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, các Phó Chủ nhiệm và các thành viên Ủy ban Pháp luật; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, Tp.Hải Phòng; đại diện lãnh Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Hiệp hội công chức viên Việt Nam, Sở Xây dựng một số tỉnh/thành, cùng các chuyên gia, nhà khoa học…

Ủy ban Pháp luật tổ chức Hội thảo góp ý về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Luật Nhà ở năm 2014 được Quốc hội thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2015, cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo thành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá hoàn chỉnh, cụ thể hóa những quan điểm đổi mới của Đảng về nhà ở, cụ thể hóa quyền Hiến định của người dân về nhà ở về tạo lập được chỗ ở hợp pháp và ổn định, bảo đảm thực hiện chính sách an sinh - xã hội của đất nước, phát triển thị trưòng bất động sản mạnh mẽ phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước. Luật và các văn bản quy định chi tiết được ban hành kịp thời đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì hội thảo

Tuy nhiên, sau hơn 08 năm triển khai thực hiện Luật Nhà ở năm 2014 cùng với sự phát triển nhanh chóng của đất nước đã xuất hiện những quan hệ mới cần điều chỉnh để giải quyết những bất cập, hạn chế trong việc tổ chức thi hành pháp luật. Một số quy định không còn phù hợp như: quỹ đất phát triển nhà ở theo quy hoạch rất khó khăn đặc biệt là quỹ đất cho nhà ở xã hội; việc quản lý, vận hành, cải tạo, sử dụng nhà chung cư nhất là ở các đô thị lớn cũng còn nhiều vấn đề; đẩy mạnh chủ trương phát triển nhà ở xã hội hiện nay, nhà lưu trú công nhân cũng là vấn đề đang đặt ra, cần cơ chế chính sách phù hợp hơn để thu hút các doanh nghiệp quan tâm đầu tư, huy động được nguồn lực xã hội; chính sách để người dân nói chung và người có thu nhập thấp nói riêng tiếp cận được nhà ở để bảo đảm quyền có nơi ở; khắc phục các bất cập về quản lý nhà nước trong lĩnh vực nhà ở…

Tại Kỳ họp thứ 5, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) với số lượng điều sửa đổi, bổ sung lớn, phạm vi sửa đổi toàn diện các nhóm chính sách nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhà ở, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Việc Quốc hội xem xét cho ý kiến đồng bộ dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) cùng với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5 và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới là cơ hội để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tính khả thi của các quy định và sự vận hành thông suốt khi luật có hiệu lực thi hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội với tổng số 238 lượt đại biểu Quốc hội cho ý kiến phát biểu về toàn diện các khía cạnh nội dung của dự án luật.

Ngay sau kì họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan để nghiên cứu tiếp thu và chỉnh lý một bước dự thảo Luật. Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật cũng tổ chức giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, vận hành và cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tổ chức các hội thảo góp ý về dự thảo Luật.

Các chuyên gia, khách mời tham dự hội thảo

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ để tiếp tục lắng nghe ý kiến các giới, các ngành và chuyên gia về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Hội thảo lần này có ý nghĩa quan trọng nhằm góp ý trực tiếp vào dự thảo Luật đã chỉnh lý một bước sau kì họp Quốc hội, trong đó có nhiều vấn đề đã đạt được sự thống nhất tương đối nhưng còn những vấn đề còn ý kiến khác nhau. Với tinh thần tôn trọng mọi ý kiến khác nhau, quan trọng là lập luận, lý lẽ, từ kinh nghiệm thực tiễn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe trình bày các tham luận và cho ý kiến, bình luận chuyên sâu về các quy định về thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở, các chính sách mới về phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở, quy định về nhà ở xã hội trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và một số nội dung khác của dự thảo Luật. 

Một số hình ảnh tại hội thảo: 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu khai mạc hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Các đại biểu tham dự hội thảo

Các chuyên gia trình bày tham luận tại hội thảo.

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Other news