PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: XÁC ĐỊNH TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM GIÁM SÁT THUỘC 5 LĨNH VỰC GIAO THÔNG

05/09/2023 17:11

Chiều ngày 5/9, phát biểu tại Phiên họp thứ nhất của Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”, Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát đề nghị, nội dung giám sát cần xác định trọng tâm, trọng điểm thuộc 5 lĩnh vực giao thông; đồng thời phân công nhiệm vụ của thành viên Đoàn giám sát cần rõ người, rõ việc, có sản phẩm...

PHIÊN HỌP THỨ NHẤT, ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA UBTVQH VỀ “VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG TỪ NĂM 2009 ĐẾN HẾT NĂM 2023”

Dự Phiên họp về phía lãnh đạo Đoàn giám sát có Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát; các thành viên đoàn giám sát là Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội một số địa phương, đại biểu khách mời tham gia đoàn giám sát.

Toàn cảnh Phiên họp

Tại Phiên họp, sau phần phát biểu mở đầu của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, các đại biểu nghe đại diện Văn phòng Quốc hội công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Đoàn giám sát; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về danh sách Ủy viên và đại biểu mời tham gia Đoàn giám sát.

Trình bày báo cáo các dự thảo kế hoạch giám sát, quyết định phân công thành viên Đoàn giám sát, đề cương báo cáo của Đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức, Tổ trưởng Tổ giúp việc nêu rõ: Hoạt động giám sát nhằm đánh giá khách quan, toàn diện trách nhiệm của Chính phủ trong việc chỉ đạo, phân công các Bộ, ngành, địa phương thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023. Làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và ý thức chấp hành pháp luật về lĩnh vực này. Giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền khắc phục tồn tại, hạn chế; điều chỉnh, xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện; đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông giai đoạn tiếp theo. Đối tượng giám sát là Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức, Tổ trưởng Tổ giúp việc Đoàn giám sát.

Đoàn giám sát đã xây dựng dự thảo kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo giám sát, dự kiến thời gian xem xét các báo cáo, tổ chức các phiên họp của Đoàn giám sát, thời gian tổ chức các hội thảo, tọa đàm, phiên giải trình, tổ chức giám sát tại địa phương, làm việc với Chính phủ…. trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Phát biểu gợi ý thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát cho biết, theo kế hoạch, Đoàn giám sát sẽ báo cáo kết quả giám sát tại Phiên họp tháng 9/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về kết quả giám sát và gửi các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, mỗi chuyên đề giám sát có đặc điểm riêng, trong đó chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023” có phạm vi rộng, trên tất cả các lĩnh vực giao thông (đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường hàng không); thời gian giám sát dài từ tháng 1/2009 đến tháng 12/2023 (15 năm), đánh giá tổng thể, toàn diện trên các lĩnh vực liên quan đến an toàn giao thông như đầu tư kết cấu hạ tầng, phương tiện, quy tắc, quản lý nhà nước…

Chuyên đề giám sát triển khai cùng thời điểm Quốc hội cho ý kiến 2 dự án luật: Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dự án Luật Đường bộ; cần coi đây là trọng tâm của hoạt động giám sát này. Hoạt động giám sát cũng cần chỉ rõ những bất cập, kiến nghị các giải pháp, kiến nghị ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông vào quỹ đạo, đảm bảo an toàn giao thông…

Thảo luận tại Phiên họp, các ý kiến đánh giá cao cơ quan thường trực Đoàn giám sát, Thường trực đoàn giám sát đã chuẩn bị tài liệu đẩy đủ, công phu. Các ý kiến cũng đóng góp ý kiến, đề xuất hoàn thiện các nội dung liên quan đến: đề cương báo cáo; phạm vi giám sát; nội dung giám sát; đối tượng giám sát; thời gian, tiến độ của Đoàn giám sát; phân công nhiệm vụ của từng thành viên Đoàn giám sát…

Đại biểu Nguyễn Thành Trung, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, chuyên đề giám sát này có thuận lợi, đó là đã có Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”. Ban Bí thư cũng ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới, trong đó đã chỉ rõ các tồn tại, hạn chế nguyên nhân và đặt ra các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm. Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẻ căn cứ vào các nhiệm vụ, giải pháp này để đề xuất với các cơ quan liên quan về nội dung giám sát.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân 

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân cho rằng, nội dung, phạm vi giám sát rộng, thời gian giám sát dài (15 năm) nên cần rà soát, điều chỉnh cho phù hợp, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào việc xây dựng và ban hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Một số ý kiến đề nghị khi giám sát tại địa phương nên lựa chọn giám sát có tính đặc thù, có trọng tâm, trọng điểm như địa phương trọng điểm về trật tự, an toàn giao thông, hoặc giám sát trọng tâm theo từng lĩnh vực như giao thông đường bộ, giao thông đường thủy, giao thông đường sắt…; qua giám sát đề xuất sớm sửa đổi các luật liên quan.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Đình đồng tình với quan điểm không bắt buộc Đoàn ĐBQH các địa phương tiến hành giám sát chuyên đề này, mà khuyến khích Đoàn ĐBQH giám sát. Tuy nhiên, để có kết quả cụ thể có thể vừa khuyến khích, vừa chỉ định một số đoàn ĐBQH tỉnh thành phố ở các vùng miền tổ chức giám sát…

Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận Phiên họp.

Kết luận buổi làm việc, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát cho biết, các ý kiến phát biểu trách nhiệm về cả cách tiếp cận, phương pháp, có giá trị để thường trực Đoàn giám sát tiếp thu; đánh giá cao Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chủ động phối hợp các cơ quan khác nghiên cứu kỹ nội dung, chuẩn bị tài liệu hội thảo phục vụ Phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Tổ giúp việc Đoàn giám sát bổ sung, hoàn thiện cụ thể hơn Kế hoạch giám sát chi tiết; phân công nhiệm vụ của thành viên đoàn giám sát cần rõ người, rõ việc, có sản phẩm. Trong quá trình giám sát cần kế thừa kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong các nhiệm kỳ trước (do thời gian giám sát dài từ 2009-2023); kế thừa, tận dụng kết quả tổng kết đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; kế thừa báo cáo của cơ quan Kiểm toán, cơ quan Thanh tra về khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông.

Về nội dung giám sát cần xác định trọng tâm, trọng điểm thuộc 5 lĩnh vực giao thông: đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, đường hàng không; Giám sát việc ban hành văn bản dưới luật sau khi Quốc hội thông qua Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (dự kiến tháng 5/2024).

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng lưu ý lựa chọn đối tượng giám sát là Chính phủ, các cơ quan ngang bộ, trong đó trọng tâm là thành viên của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, các bộ ngành liên quan; lựa chọn địa phương giám sát theo đặc thù, đảm bảo đủ các vùng, miền. Thống nhất thời gian giám sát từ ngày 01/01/2009 đến ngày 31/12/2023, trong đó, trọng tâm là từ khi các Luật được Quốc hội ban hành hoặc được sửa đổi, bổ sung. Đoàn giám sát thống nhất với các ý kiến góp ý tại phiên họp, theo đó, Đoàn ĐBQH không tổ chức giám sát song song, nhưng có báo cáo kết quả giám sát theo chức năng, nhiệm vụ của Đoàn ĐBQH trong thời gian từ năm 2009 đến hết năm 2023.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp thứ nhất Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”

Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Đoàn giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu gợi ý nội dung thảo luận.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang phát biểu.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân góp ý về phạm vi giám sát, đối tượng giám sát, phân công thành viên tham gia đoàn giám sát.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Hải Hưng đề nghị nên lựa chọn chủ đề, trọng tâm giám sát đối với từng địa phương.

Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định góp ý về nội dung, đối tượng giám sát.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm phát biểu. 

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phát biểu.

Các đại biểu tham dự Phiên họp.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận Phiên họp.

Lan Hương - Nghĩa Đức

Other news