MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM TRONG QUÁ TRÌNH GIÁM SÁT TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CTMTQG GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021 -2025

05/09/2023 17:55

Đề cập một số vấn đề cần quan tâm trong quá trình giám sát triển khai thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan, Tổ trưởng Tổ Công tác giúp việc cho Đoàn giám sát nêu rõ, kết quả thực hiện các mục tiêu giảm nghèo năm 2023 dự kiến đạt chỉ tiêu Quốc hội giao, tuy nhiên cần lưu ý kết quả giảm nghèo có xu hướng chưa thật sự ổn định, bền vững. Chất lượng, hiệu quả thực sự của công tác giảm nghèo nói riêng và các chính sách xã hội nói chung cần tiếp tục được quan tâm.

KẾT QUẢ GIẢM NGHÈO ĐẠT MỤC TIÊU NHƯNG CHƯA BỀN VỮNG

6 GIẢI PHÁP CĂN CƠ NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC HIỆN CTMTQG GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan, Tổ trưởng Tổ Công tác báo cáo một số vấn đề cần quan tâm liên quan đến việc thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về một số vấn đề cần quan tâm trong quá trình giám sát triển khai thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan, Tổ trưởng Tổ Công tác giúp việc cho Đoàn giám sát cho biết, Đoàn giám sát đã có cuộc làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan về việc triển khai thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững lần thứ nhất vào ngày 31/3/2023; sau đó, Đoàn tiếp tục làm việc với một số bộ, ngành, cơ quan có liên quan về kết quả thực hiện 03 CTMTQG. Trong tháng 7/2023, Đoàn giám sát đã triển khai 3 Đoàn công tác do 3 đồng chí Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế) làm Trưởng đoàn đã tiến hành làm việc tại 15 địa phương về kết quả thực hiện 3 CTMTQG, trong đó có CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Tổ Công tác giúp việc cho Đoàn giám sát đã xây dựng dự thảo Báo cáo giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/2021/QH15 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 gửi đến đồng chí Trưởng Đoàn giám sát và các thành viên của Đoàn.

Kết quả thực hiện các mục tiêu giảm nghèo năm 2023 dự kiến đạt chỉ tiêu Quốc hội giao

Theo đó, về việc xây dựng, ban hành các văn bản triển khai thực hiện Chương trình, đã tham mưu, ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành 15 văn bản quy phạm pháp luật và 15 văn bản quản lý điều hành. Đây cũng là Chương trình đầu tiên trong 03 CTMTQG đã hoàn thành việc xây dựng, ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện ở cấp Trung ương (tính đến ngày 06/9/2021).

Về thành lập, hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình, ngày 18/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp Trung ương. Đến ngày 17/02/2023, đã có 63/63 địa phương đã hoàn thành kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, xã theo quy định. Sau khi được thành lập, Ban Chỉ đạo các cấp cũng đã ban hành Quy chế hoạt động để triển khai thực hiện các CTMTQG. Ban Chỉ đạo các CTMTQG ở trung ương và địa phương đã cơ bản triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công.

Đồng thời đã tiến hành rà soát, thống kê được hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở cho việc xây dựng các chính sách của Chương trình.

Đề cập về kết quả thực hiện các mục tiêu giảm nghèo năm 2021, 2022 và 6 tháng năm 2023, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan nêu rõ, năm 2021 chưa đạt tỷ lệ giảm nghèo Quốc hội giao (chỉ đạt 0,52%, chỉ tiêu 1-1,5%). Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,17%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4,89%; tỷ lệ hộ nghèo trên 74 huyện nghèo giảm 6,35%. Năm 2023, dự kiến thực hiện cũng đạt chỉ tiêu Quốc hội giao: tỷ lệ hộ nghèo, ước đạt 1,1%, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm 5,62%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3,2% đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Dự kiến cuối năm 2023 có thêm 09 xã được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tổng số 10/54 xã, đạt 18,5% so với mục tiêu 30% theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Dự báo cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 0,9%, giảm bình quân khoảng 1,08%/năm đạt chỉ tiêu giảm bình quân 1-1,5%/năm Quốc hội, Chính phủ giao.

Kết quả thực hiện chính sách giảm nghèo thường xuyên và tín dụng chính sách xã hội có tác động tích cực hỗ trợ giảm nghèo tại các địa phương.

Nhiều văn bản của 3 CTMTQG ban hành chậm, trong đó có CTMTQG giảm nghèo bền vững

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như nhiều văn bản của 03 CTMTQG, trong đó có CTMTQG giảm nghèo bền vững ban hành chậm, nội dung ban hành còn có vướng mắc, bất cập cả ở cấp trung ương và địa phương, do đó việc triển khai thực hiện còn có hạn chế, nhất là các quy định tại Nghị định 27/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý tổ chức thực hiện các CTMTQG. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 71/CĐ-TTg chỉ đạo, xác định 339 khó khăn, vướng mắc liên quan đến 3 Chương trình theo kiến nghị của các địa phương liên quan đến trách nhiệm của 18 bộ ngành, cơ quan trung ương. Trong đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có 27 kiến nghị là cơ quan có tỷ lệ kiến nghị cần xử lý thấp nhất trong số các bộ chủ quản của 3 Chương trình và phân công trách nhiệm, mốc thời gian hoàn thành việc xử lý, giải quyết các khó khăn, vướng mắc này.

Việc xây dựng, ban hành những cơ chế như lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực giữa các CTMTQG, phân cấp, phân quyền; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; cải cách thủ tục hành chính trong triển khai các dự án, tiểu dự án của Chương trình chưa thực sự khả thi, cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. Việc xây dựng, ban hành tiêu chí khuyến khích cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng về thoát nghèo, giảm nghèo bền vững chậm được thể chế hóa, cụ thể hóa. Nguyên nhân một phần là do có những cơ chế mới lần đầu tiên được quy định, có cơ chế tuy không mới nhưng nội dung phức tạp, khó cụ thể hóa…

Ảnh minh họa

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan, kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 và năm 2022 còn có chênh lệch khá lớn so với tính toán ban đầu và kết quả điều tra, khảo sát thực tế.

Giai đoạn 2021-2025, Ngân hàng Chính sách xã hội không được bố trí vốn tín dụng dành riêng để thực hiện 02 CTMTQG giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, ảnh hưởng đến việc mở rộng đối tượng thụ hướng chính sách tín dụng xã hội hỗ trợ giảm nghèo.

Đáng lưu ý, kết quả thưc hiện các mục tiêu giảm nghèo năm 2021, 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 chưa tương ứng với tỷ lệ giải ngân các dự án, tiểu dự án của CTMTQG giảm nghèo bền vững. Kết quả giảm nghèo có xu hướng chưa thật sự ổn định, bền vững. Chất lượng, hiệu quả thực sự của công tác giảm nghèo nói riêng và các chính sách xã hội nói chung cần tiếp tục được quan tâm. (Đây cũng là ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư tại phiên họp Bộ Chính trị ngày 30/3/2023 cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết mới về chính sách xã hội trong tình hình mới). Chỉ tiêu tỷ lệ giảm nghèo: Năm 2021, chưa đạt mục tiêu Quốc hội giao. Năm 2022 thực hiện đạt, nhưng nhiều chỉ tiêu giảm nghèo trong các dự án, tiểu dự án của CTMTQG giảm nghèo bền vững chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa đạt.

Việc Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phân bổ vốn chậm. Công tác giải ngân vốn vẫn còn hạn chế, dẫn đến nhiều mục tiêu, chỉ tiêu, dự án, tiểu dự án chưa được triển khai hoặc triển khai chậm.

Tháo gỡ vướng mắc theo Công điện 71 của Thủ tướng Chính phủ vả rà soát kiến nghị của địa phương liên quan đến CTMTQG giảm nghèo bền vững

Liên quan đến việc tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện 03 CTMTQG giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có CTMTQG giàm nghèo bền vững theo Công điện 71 của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan cho biết, ngày 23/02/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 71/CĐ-TTg về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở xác định có 339 kiến nghị, đề xuất của địa phương cần tháo gỡ liên quan đến trách nhiệm của 18 bộ, cơ quan trung ương được giao nhiệm vụ trả lời với 02 nhiệm vụ chính: (1) giải đáp một số nội dung còn chưa quy định rõ; (2) sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành đã ban hành.

Trong đó, liên quan đến trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có 27/339 kiến nghị; Bộ Tài chính 50/339 kiến nghị; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 50/339 kiến nghị; Ủy ban Dân tộc có 74/339 kiến nghị; Bộ Kế hoạch và Đầu tư 82/339 kiến nghị. Nhìn chung, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có tỷ lệ kiến nghị thấp nhất trong số 03 bộ chủ quản và 02 Bộ chủ chốt trong quản lý, điều hành, triển khai các CTMTQG giai đoạn 2021 - 2025.

Qua thống kê tại Công điện 71 và rà soát các kiến nghị của địa phương liên quan đến CTMTQG giảm nghèo bền vững, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan, Tổ trưởng Tổ Công tác nêu rõ có một số vấn đề cần quan tâm sau:

Thứ nhất, đến nay, hầu hết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến CTMTQG giảm nghèo bền vững nói riêng và 03 CTMTQG nói chung đã được các bộ, ngành có văn bản trả lời.

Đối với CTMTQG gỉảm nghèo bền vững, Đoàn giám sát cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với vai trò là cơ quan chủ quản của CTMTQG giảm nghèo bền vững tổng hợp toàn bộ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến Chương trình theo Công điện 71 với tổng số có 55 kiến nghị trong đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản trả lời 27 kiến nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư 4 kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 02 kiến nghị, Bộ Xây dựng 04 kiến nghị, Bộ Y tế 01 kiến nghị, Bộ Tài Chính 17 kiến nghị.

Tuy nhiên, do một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) nên cần có thời gian nhất định để tiến hành các quy trình, thủ tục xây dựng theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL như sửa đổi các Thông tư quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2025 (liên quan trực tiếp đến CTMTQG giảm nghèo bền vững là sửa đổi Thông tư số 46/2022/TT-BTC ngày 28/7/2022 quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện CTMTQG GNBV giai đoạn 2021-2025).

Ngoài ra, cũng cần sửa đổi, bổ sung các Thông tư hướng dẫn thực hiện nội dung thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững gồm: (i) xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ “khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh” tạo việc làm, sinh kế bền vững thuộc Dự án 2; (ii) tiêu chí xác định thế nào là cộng đồng nghèo (đối với Tiểu dự án 1thuộc Dự án 1), vùng nghèo, vùng khó khăn, người lao động có thu nhập thấp để triển khai các nội dung đào tạo nghề (đối với Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 4); (iii) định mức chi trong thực hiện các hoạt động “thiết kế, tổ chức cơ sở dữ liệu về người lao động” và “thu thập, chuẩn hóa, nhập dữ liệu” thuộc Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 4; (iv) các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo do quy định đối tượng thụ hưởng dự án không bao gồm các hộ đã được hỗ trợ nhà ở thuộc các chương trình, đề án, chính sách khác theo Quyết định 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong khi nhiều nhà của người nghèo, cận nghèo đã dột nát, hư hỏng….

Thứ hai, ngày 24/6/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 27. Qua rà soát, đánh giá bước đầu từ phản ánh của một số địa phương Đoàn giám sát làm việc, đã phát hiện một số vấn đề trong thực hiện Nghị định này./.

Bích Ngọc

Other news