PHỐI HỢP CHẶT CHẼ, ĐÁNH GIÁ KỸ LƯỠNG ĐỂ HOÀN THIỆN DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) TRÌNH QUỐC HỘI TẠI KỲ HỌP THỨ 6

28/09/2023 17:22

Chiều 28/9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp.

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Quản lý nghiêm ngặt, tránh trục lợi chính sách nhận chuyển nhượng đất trồng lúa

Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về thuật ngữ “cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp”, Dự thảo Luật được chỉnh sửa theo hướng: Giữ khái niệm được quy định tại Luật Đất đai năm 2013; rà soát, quy định cụ thể tại từng điều, khoản trong dự thảo Luật về cá nhân được giao đất nông nghiệp không thu tiền, cá nhân được nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa theo hướng tạo thuận lợi cho việc khai thác hiệu quả đất trồng lúa và quy định cụ thể về người được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp, bảo đảm đúng đối tượng được hưởng chính sách.

Toàn cảnh phiên họp

Về cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa (khoản 7 Điều 46), Dự thảo Luật thiết kế 02 phương án liên quan đến điều kiện cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng (trừ trường hợp thuộc hàng thừa kế).

Trong đó, Phương án 1 quy định: Trong mọi trường hợp, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa đều phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa. Phương án 2 quy định: Khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 176 Luật này thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa theo quy định.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí Phương án 1 để bảo đảm quản lý nghiêm ngặt đất trồng lúa, tránh việc trục lợi chính sách nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; một số ý kiến tán thành Phương án 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo

Về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất ở (điểm e khoản 1 Điều 28 và khoản 1 Điều 44), Tại Báo cáo số 2128/BC-UBKT15, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã báo cáo về nội dung này là nội dung chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, có đánh giá tác động đầy đủ, có nội dung phản hồi ý kiến Nhân dân thấu đáo, hợp lý, hợp tình và truyền thông thông tin đầy đủ. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp tục báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo rõ ràng quan điểm của Chính phủ về nội dung này; đồng thời, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.

Về cách thức quy định các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 quy định theo hướng vừa có tính khái quát, vừa cụ thể về các trường hợp thu hồi đất để xây dựng các dự án, công trình để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, không phân biệt về nguồn vốn, mà khi xem xét tổng thể dự án thì lợi ích quốc gia, công cộng là lợi ích chi phối cần cho sự phát triển của đất nước, của địa phương, đồng thời, phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Việc quy định về các trường hợp thu hồi đất tại Luật là cụ thể hóa quy định tại Điều 54 Hiến pháp năm 2013 về “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định”.

Các đại biểu tại phiên họp

Cùng với đó, dự thảo luật quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất có ưu điểm rõ ràng cho việc áp dụng thực hiện, đồng thời, khống chế các trường hợp thu hồi đất, bảo đảm chỉ thu hồi đất trong các trường hợp luật định, không thu hồi đất tràn lan. Tuy nhiên, quy định theo hướng liệt kê có hạn chế là không dự liệu được những trường hợp thu hồi đất khác để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Về kỹ thuật, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng không phân nhóm mà quy định trực tiếp các trường hợp thu hồi đất vì một số dự án, công trình được phân loại vào từng nhóm chưa tương thích với tính chất của nhóm, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau.

Về các trường hợp cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật chỉnh sửa nhiều nội dung bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật có liên quan về cơ sở giáo dục – đào tạo, y tế, cơ sở xã hội, nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang, dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư...

Cần phối hợp chặt chẽ, đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng các phương án trong dự thảo luật

Tham gia ý kiến tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai ở Mục 3 Chương II. Dự thảo có quy định 7 nhóm quyền và 4 nhóm nghĩa vụ của công dân đối với đất đai được quy định tại các Điều 23, 24 và 25. Đồng thời, dự thảo của luật dành riêng Chương III để quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất với nhiều điều luật rất cụ thể.

Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết, Luật Đất đai hiện hành không có quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai mà chỉ có quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Dự thảo luật đã bổ sung 3 điều là Điều 23, Điều 24, Điều 25 để quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai. Đại biểu bày tỏ tán thành về việc bổ sung các điều luật này, nhằm quy định cụ thể các quyền và nghĩa vụ của công dân với tư cách là người chủ sở hữu đất đai. Tuy nhiên, do dự thảo đã thiết kế một chương là Chương III quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất với nhiều điều luật cụ thể. Với tư cách là người sử dụng đất, do đó Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng đề nghị trong mục 3 Chương I, các Điều 23, 24, 25 chỉ nên quy định các quyền và nghĩa vụ của công dân với tư cách là người chủ sở hữu đất đai, không quy định cụ thể các quyền và nghĩa vụ với tư cách là người sử dụng đất.

Cụ thể, Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị rà soát lại khoản 5 Điều 23 các quyền cụ thể như quyền mua bán, nhận chuyển nhượng cổ phần phần vốn góp giá trị quyền sử dụng đất là quyền của người sử dụng đất nên đưa sang điều chỉnh tại Chương III là quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu

Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị Thường trực Ủy ban Kinh tế có quan điểm rõ ràng và đề xuất cụ thể về lộ trình tiếp theo đối với dự án luật này, trong đó dự kiến về tiến độ gửi tài liệu đến với đại biểu Quốc hội. Đây là một yêu cầu bắt buộc theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng như là Nội quy kỳ họp.

Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm b khoản 2 và điểm a khoản 3 của Điều 75, khoản 4 và khoản 5 Điều 76 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan trình dự án có ý kiến bằng văn bản về những nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, trong đó nêu rõ những vấn đề có ý kiến khác với dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và đề xuất phương án để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, tại kỳ họp dự kiến thông qua dự án luật thì trường hợp cơ quan trình dự án, dự thảo có ý kiến khác thì báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Trên cơ sở quy định của pháp luật, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị Chính phủ có văn bản báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể hiện rõ ý kiến như yêu cầu trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời cân nhắc báo cáo trước Quốc hội, nếu ý kiến khác với ý kiến trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình tại kỳ họp nhằm đảm bảo rõ trách nhiệm, đúng quy định và có đủ căn cứ cho Quốc hội xem xét quyết định.

Về quyền, nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm, quy định tại Điều 34 của dự thảo luật, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bày tỏ tán thành với phương án 1 như đã được thể hiện trong dự thảo luật. Theo đó, đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước cho thuê đất, thu tiền thuê đất hàng năm không có quyền bán, quyền thế chấp, quyền góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất và quyền cho thuê trong hợp đồng thuê. Quy định như vậy nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và tránh phát sinh những vấn đề phức tạp trong quá trình xử lý liên quan đến đất và tài sản trên đất nếu cho phép thế chấp tài sản trên đất.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp

Cho ý kiến về dự án luật này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đây là dự án luật có tầm quan trọng đặc biệt, phạm vi rộng, nội dung khó, có ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối nội, đối ngoại, tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Do đó, Chính phủ cũng như các cơ quan của Quốc hội đã rất nỗ lực, cố gắng trong quá trình xây dựng dự án luật này. Hồ sơ dự án luật hiện tại đã đủ điều kiện để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Hiện nay một số nội dung quan trọng của dự án luật vẫn đang trong quá trình xem xét để lựa chọn phương án tối ưu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, với những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tham mưu cho Chính phủ, căn cứ vào báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế, để đưa ra ý kiến, quan điểm, phối hợp giải trình, tiếp thu đầy đủ.

Đánh giá cao nỗ lực của cơ quan thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan hữu quan để xem xét, nêu rõ quan điểm, chính kiến về những vấn đề có ý kiến khác nhau. Cần làm rõ nội dung, ưu nhược điểm của từng phương án quy định, làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn, đánh giá khách quan và đầy đủ tác động, để đưa ra quy định sát với thực tiễn, đạt được sự đồng thuận cao. Ủy ban Kinh tế cần sớm tổng hợp các nội dung còn ý kiến khác nhau, các phương án để hoàn thiện báo cáo, xin ý kiến Đảng đoàn Quốc hội, trình Bộ Chính trị trước khi tiến hành kỳ họp.

Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận nỗ lực của các cơ quan trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật sửa đổi. Để tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 tới đây, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Pháp luật cũng như các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát kỹ lưỡng dự thảo luật, đảm bảo thể chế hóa đầy đủ chủ trương lớn của Đảng về quản lý, sử dụng đất đai, đặc biệt là các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết 18 Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

Đối với các vấn đề còn ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng, xây dựng bộ tiêu chí cũng như lựa chọn phương án tối ưu để báo cáo Quốc hội. Trường hợp có từ 2 phương án trở lên thì cần có thuyết minh, lập luận cho từng phương án, đánh giá cụ thể căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn cũng như tác động của từng phương án, tuy nhiên cần tối ưu hóa để báo cáo Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế sớm hoàn thiện báo cáo chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo luật cũng như các tài liệu cần thiết kèm theo báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình xem xét dự thảo luật tại kỳ họp thứ 6.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Các đại biểu tại phiên họp

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị rà soát lại khoản 5 Điều 23 các quyền cụ thể như quyền mua bán, nhận chuyển nhượng cổ phần phần vốn góp giá trị quyền sử dụng đất là quyền của người sử dụng đất 

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu về chính sách hỗ trợ, ưu đãi về đất đai đối với lĩnh vực giáo dục

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Kinh tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan hữu quan để xem xét, nêu rõ quan điểm, chính kiến về những vấn đề có ý kiến khác nhau

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biêtr, làm rõ một số vấn đề liên quan đến dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban Kinh tế sớm hoàn thiện báo cáo chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo luật cũng như các tài liệu cần thiết kèm theo báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình xem xét dự thảo luật tại kỳ họp thứ 6.

Minh Hùng - Phạm Thắng