SỬA ĐỔI LUẬT THỦ ĐÔ NÊN GIAO QUYỀN CHO THÀNH PHỐ HÀ NỘI CHỦ ĐỘNG QUYẾT ĐỊNH BIÊN CHẾ CÁN BỘ

26/11/2023 00:06

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6 (ngày 27/11), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Góp ý hoàn thiện dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị nên giao HĐND Tp.Hà Nội được chủ động quyết định biên chế cán bộ căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động bộ máy chính quyền để đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển thủ đô trong tình hình mới.

TẠO ĐỘNG LỰC CHO THỦ ĐÔ HÀ NỘI PHÁT TRIỂN: ƯU TIÊN ĐÀO TẠO NGHỀ CHẤT LƯỢNG CAO VÀ BỐ TRÍ NGÂN SÁCH CHO KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRỌNG ĐIỂM

THẢO LUẬN TẠI TỔ 1: CẦN CÓ CHÍNH SÁCH ĐỘT PHÁ, MANG LẠI HIỆU QUẢ THIẾT THỰC CHO NGƯỜI DÂN HÀ NỘI KHI SỬA ĐỔI LUẬT THỦ ĐÔ

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 59 điều; trong đó sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều. Đáng chú ý, dự thảo luật quy định về chính quyền Thủ đô, trong đó, về mô hình tổ chức, thực hiện mô hình không tổ chức Hội đồng nhân dân phường ở Hà Nội theo Nghị quyết số 97 và bổ sung thành phố thuộc TP Hà Nội. 

Theo tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Tp.Hà Nội sẽ thực hiện mô hình không tổ chức Hội đồng nhân dân phường, đồng thời tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân (từ 95 lên 125 đại biểu), tỷ lệ đại biểu chuyên trách (từ 20% lên 25%), số lượng Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân (từ 2 lên tối đa 3); mở rộng thành phần Thường trực Hội đồng nhân dân so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp của Hội đồng nhân dân.

Đặc biệt là quy định cơ cấu tổ chức của chính quyền thành phố thuộc TP Hà Nội (dự kiến thành lập theo Nghị quyết số 15-NQ/TW tại khu vực phía Bắc - thành phố logistics, dịch vụ - vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và phía Tây - thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học - vùng Hòa Lạc, Xuân Mai), với những đặc thù khác so với chính quyền quận, huyện, thị xã như tăng số lượng Phó chủ tịch Hội đồng, Ủy ban nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, bổ sung Ban Đô thị.

Nhiều đại biểu nhất trí với đề xuất quy định trong dự thảo luật về mô hình chính quyền các cấp của Thủ đô Hà Nội theo hướng giữ nguyên và ổn định như nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ (Ảnh minh hoạ)

Dự thảo luật quy định một số nội dung đặc thù của Hội đồng nhân dân thành phố thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù thuộc Ủy ban nhân dân Tp.Hà Nội, quận, huyện. Hà Nội được tăng thêm biên chế phù hợp với nhu cầu thực tế.  Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng giao Thường trực Hội đồng nhân dân Tp.Hà Nội một số thẩm quyền như: Quyết định các biện pháp để giải quyết công việc đột xuất, khẩn cấp; quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C; quyết định hỗ trợ các cơ quan Trung ương để thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn; hỗ trợ các địa phương khác trong trường hợp cần thiết.

Ngoài ra, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố thuộc TP Hà Nội được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể một số cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đặc thù; tổ chức tuyển dụng công chức cho các cơ quan, tổ chức thuộc thành phố. Hội đồng nhân dân quận, thị xã bố trí trong dự toán chi ngân sách của Ủy ban nhân dân phường khoản chưa phân bổ từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách phường để thực hiện một số nhiệm vụ chi như chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, quốc phòng, an ninh…

Cho ý kiến lần đầu về nội dung này trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đa số đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) với những nội dung cơ bản như trong tờ trình của Chính phủ để xây dựng Thủ đô Hà Nội hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước.

Đại biểu Tạ Thị Yên, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên

Đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên nhất trí với đề xuất quy định trong dự thảo luật về mô hình chính quyền các cấp của Thủ đô Hà Nội theo hướng giữ nguyên và ổn định như nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể, việc đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền thành phố trong quy định một số nội dung thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế, coi đây là bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề cho thành phố thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo luật.

Về số lượng biên chế, theo đại biểu Tạ Thị Yên, nên đặt trọng tâm, tập trung vào việc tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức hợp lý với yêu cầu của Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đó là xây dựng Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, có bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu quản trị trong giai đoạn phát triển mới trên nền tảng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ số trong quản trị Thủ đô.

Do đó, đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, nếu chỉ quy định như dự thảo luật hiện tại là “giao cho HĐND thành phố đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể về số lượng biên chế tăng thêm” thì chưa rõ ràng, cụ thể. Trên cơ sở đó, đại biểu Tạ Thị Yên đề xuất nên nghiên cứu quy định theo hướng giao cho HĐND thành phố chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của chính quyền thành phố.

Về số lượng đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, đại biểu Tạ Thị Yên đồng tình với dự thảo luật quy định nâng từ 95 lên 125 đại biểu; tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 25%, đây được coi là giải pháp cần thiết để nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của HĐND. Theo đại biểu Tạ Thị Yên, việc tăng từ 2 lên 3 Phó Chủ tịch HĐND thành phố và mở rộng thành phần của Thường trực HĐND so với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng khá phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND. Tuy nhiên, đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng cũng có thể nghiên cứu thêm việc đổi mới phương thức làm việc của HĐND thành phố để nâng cao hơn tính chuyên nghiệp và chất lượng, hiệu quả hoạt động của thiết chế này phù hợp với sự phát triển của Chính phủ số, xã hội số, công dân số. Do đó, các hình thức, phương pháp, công cụ cũng nên cân nhắc thêm theo hướng số hóa và tính đại diện, quyền lợi của cử tri và Nhân dân Thủ đô để bộ máy được thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp 

Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, hiện nay dự thảo luật vẫn quy định Hà Nội duy trì HĐND cấp quận trong khi thực tế triển khai tại TP HCM và Đà Nẵng cho thấy, việc không tổ chức HĐND cấp quận mang lại hiệu quả rất cao. Do đó, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, Hà Nội có thể nghiên cứu mô hình này để tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố, bởi với việc tăng 30 đại biểu không phải là ít.

Tuy nhiên, hiện nay Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định là không tăng số lượng đại biểu hoạt động kiêm nhiệm mà nên tăng đại biểu hoạt động chuyên trách. Vì vậy, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cần chú trọng tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách để nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm khả năng đảm đương thêm các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền cho Hà Nội theo dự thảo luật và phù hợp với yêu cầu tổ chức chính quyền đô thị.

Góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều chuyên gia cũng đồng quan điểm là cần phân quyền hơn nữa, thành lập “thành phố thuộc thành phố” cho chính quyền Hà Nội, đồng thời, thúc đẩy sự ra đời và phát triển mạnh mẽ các đô thị vệ tinh (bên cạnh các đô thị trung tâm) và là nơi tập trung những yếu tố mới về kinh tế - xã hội và khoa học, công nghệ…. Theo TS. Chu Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội “Thành phố thuộc thành phố” sẽ có vị trí pháp lý của đơn vị hành chính cấp huyện theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; là điểm nhấn rất đặc biệt gắn với vị thế đặc biệt của Hà Nội. Bởi lẽ đó, tính vượt trội, đặc thù cho Hà Nội trong đó có các đô thị vệ tinh, nhất là TP thuộc Thủ đô cần phải được tính đến ngay trong quy hoạch, quản lý và phát triển.

TS. Chu Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội

Cùng quan điểm, TS.Nguyễn Toàn Thắng, Trường Đại học Luật Hà Nội cũng cho rằng, từ vị thế là Thủ đô của đất nước, trung tâm đầu não về chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật, đồng thời là trung tâm lớn về giao dịch kinh tế và quốc tế của cả nước, Hà Nội cần xây dựng mô hình chính quyền đô thị phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị bền vững, hội nhập quốc tế.

Từ kinh nghiệm của một số quốc gia về mô hình chính quyền đô thị cho thấy, bộ máy chính quyền thành phố Hà Nội cần được tổ chức theo hướng tinh gọn, giảm bớt các tầng nấc trung gian, bảo đảm tính nhanh nhạy trong công tác quản lý đô thị. Đồng thời, cần mạnh dạn phân quyền, phân cấp hơn nữa cho chính quyền thành phố Hà Nội. Với tư cách vừa là một đô thị lớn, vừa là Thủ đô, Hà Nội cần được phân quyền, phân cấp mạnh mẽ hơn, để có phạm vi quyền tự chủ cao hơn. Ở các nước thường sử dụng thuật ngữ “tự quản” đối với chính quyền đô thị. Các đô thị được quyết định các vấn đề của địa phương và các vấn đề thuộc quyền của trung ương nhưng được trao cho địa phương giải quyết.

Ngoài ra, cần thúc đẩy chế độ thủ trưởng trong tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính ở Hà Nội. Đây cũng là chế độ được ưu tiên với chính quyền đô thị ở các nước, giúp việc ra các quyết định quản lý được nhanh chóng, kịp thời, đồng thời xác định trách nhiệm trực diện cho người đứng đầu.

Hải Yến