TS.Hoàng Minh Hiếu- Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Nghệ An
Phải đảm bảo không làm hạn chế ưu điểm của kinh tế chia sẻ
Phóng viên: Dự án Luật Đường bộ được Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 6 có rất nhiều điểm mới đáng chú ý, trong đó có quy định về việc điều chỉnh đối với xe công nghệ. Quan điểm của ông thế nào về nội dung này?
TS.Hoàng Minh Hiếu- Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Nghệ An: Trước hết, tôi bày tỏ sự tán thành về sự cần thiết xây dựng dự án Luật này nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013; nội luật hóa các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về hoạt động giao thông vận tải đường bộ, thúc đẩy sự phát triển giao thông đường bộ và bảo đảm tốt hơn quyền tự do đi lại của công dân; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi, thông thoáng về thủ tục, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đường bộ và trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Khoản 10 Điều 61 của Dự thảo Luật Đường bộ quy định xe công nghệ sẽ được xếp vào loại hình xe taxi, được quản lý tương tự như đối với xe taxi truyền thống
Liên quan đến nội dung về việc điều chỉnh đối với xe công nghệ, khoản 10 Điều 61 của Dự thảo Luật này đang quy định xe công nghệ sẽ được xếp vào loại hình xe taxi, được quản lý tương tự như đối với xe taxi truyền thống. Đây là một chính sách mới do theo Nghị định số 10 năm 2020 thì hiện nay xe công nghệ đang được điều chỉnh theo loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo hợp đồng điện tử.
Tôi cho rằng cần phải cân nhắc kỹ thay đổi này do các lý do sau đây:
Thứ nhất, mô hình gọi xe công nghệ có những điểm khác về bản chất so với taxi truyền thống. Trong khi mô hình xe taxi truyền thống có sự tham gia của các bên gồm: công ty cung cấp dịch vụ, lái xe và hành khách, thì trong mô hình gọi xe công nghệ có thêm công ty cung cấp nền tảng gọi xe, chỉ tham gia vào một số công đoạn của kinh doanh vận tải hành khách; không sở hữu xe ô tô vận tải hành khách; không có hợp đồng lao động với các lái xe dịch vụ. Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp quản lý xe công nghệ tương tự như đối với taxi truyền thống là chưa phù hợp với bản chất của từng loại hình.
Thứ hai, mô hình kinh doanh các nền tảng gọi xe công nghệ là một trong những điển hình của kinh tế chia sẻ. Sự tham gia của các nền tảng gọi xe công nghệ cho phép tận dụng công suất dư thừa trong xã hội, đó chính là năng lực vận tải hành khách có sẵn trong xã hội; trong đó ngay cả các lái xe cũng có cơ hội sử dụng các nền tảng gọi xe của các công ty khác nhau để tận dụng thời gian dư thừa của mình. Do vậy, nếu quản lý các mô hình kinh doanh kinh tế chia sẻ tương tự như các mô hình kinh tế truyền thống thì sẽ hạn chế những ưu điểm của kinh tế chia sẻ, không tạo ra môi trường thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
TS.Hoàng Minh Hiếu- Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, cơ quan soạn thảo cần phải nghiên cứu, đánh giá thật kỹ lưỡng nội dung điều chỉnh liên quan đến xe công nghệ để đảm bảo phù hợp, hài hoà lợi ích giữa các bên liên quan, không làm hạn chế những ưu điểm của mô hình kinh tế chia sẻ
Thứ ba, việc quản lý xe công nghệ tương tự như xe taxi sẽ có khả năng ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Mô hình kinh tế chia sẻ nhấn mạnh vào việc tận dụng công suất dư thừa giúp cho việc tham gia có chi phí thấp. Bên cạnh đó, sự tham gia của các nền tảng gọi xe công nghệ còn giúp cung cấp mức giá cước linh hoạt, phản ánh chính xác quan hệ cung – cầu trên thị trường vào từng thời điểm theo thời gian thực. Do vậy, về tổng thể khách hàng sẽ được cung cấp dịch vụ với chi phí rẻ hơn. Ngoài ra, với sự thuận lợi của công nghệ, khách hàng sẽ có đầy đủ thông tin về lái xe cũng như chuyến đi của mình bao gồm cả thông tin về giá cước trước khi quyết định lựa chọn sử dụng dịch vụ, hạn chế sự bất cân xứng thông tin giữa bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ.
Do vậy, tôi cho rằng, cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng quá trình quản lý taxi công nghệ trong thời gian vừa qua, cũng như kinh nghiệm của các nước trên thế giới để đưa vào dự thảo Luật cách thức quy định phù hợp, bảo đảm sự hài hoà lợi ích giữa các bên liên quan, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của mô hình kinh tế chia sẻ.
Đặc biệt, tôi cũng xin nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trong cách tiếp cận mới, đó là không xem cách thức quản lý taxi truyền thống là tiêu chuẩn để quản lý xe công nghệ mà ngược lại cần đổi mới chính cách thức quản lý taxi truyền thống cho phù hợp với bối cảnh phát triển của khoa học công nghệ. Theo đó, những quy định chặt chẽ đối với taxi truyền thống như cấp phép, gắn biển nhận diện, gắn đồng hồ tính cước v.v.. được cho rằng chỉ phù hợp với bối cảnh vào những năm đầu của thế kỷ 20 khi khách hàng luôn ở vào tình thế bất cân xứng về thông tin.
Hiện nay, những giải pháp công nghệ hiện đại đã phần nào giải quyết được những vấn đề này. Do vậy, thực tiễn cho thấy nhiều nước đã áp dụng phương thức quản lý song song xe công nghệ và taxi với định hướng chuyển đổi công nghệ vận hành và quản lý xe taxi nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, giải quyết nhu cầu khách hàng và hiệu quả quản lý nhà nước.
Cần bổ sung thêm những quyền cơ bản của hành khách trong vận tải hành khách đường bộ
Phóng viên: Nội dung về quyền của hành khách trong hoạt động vận tải hành khách đường bộ trong dự thảo Luật Đường bộ cũng là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm. Ý kiến của ông như thế nào?
TS.Hoàng Minh Hiếu- Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Nghệ An: Tôi cho rằng, đây là nội dung có ý nghĩa rất quan trọng trong dự thảo luật này. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2022, vận tải hành khách đường bộ đang chiếm tỷ trọng khoảng 91% tổng số lượt khách được vận tải hàng năm. Điều đó cho thấy phần lớn người dân khi di chuyển đều tham gia làm hành khách của loại hình vận tải này. Tuy nhiên, dự thảo Luật đang quy định về quyền của hành khách trong hoạt động vận tải đường bộ tại Điều 65 chỉ với 4 khoản là rất mỏng, vừa chưa đầy đủ, vừa thiếu chi tiết, và đồng thời chưa bảo đảm sự thống nhất với quy định tại Điều 527 của Bộ luật Dân sự.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2022, vận tải hành khách đường bộ đang chiếm tỷ trọng khoảng 91% tổng số lượt khách được vận tải hàng năm. Tuy nhiên, dự thảo Luật quy định về quyền của hành khách trong hoạt động vận tải đường bộ đang rất mỏng, vừa chưa đầy đủ, vừa thiếu chi tiết, và đồng thời chưa bảo đảm sự thống nhất với quy định tại Điều 527 của Bộ luật Dân sự
Qua nhiều vụ việc liên quan đến vận tải hành khách đường bộ trong thời gian vừa qua, cũng như so sánh với pháp luật của nhiều nước trên thế giới, theo tôi, cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu, bổ sung thêm một số quyền cơ bản sau đây của hành khách:
Thứ nhất, quyền được thông tin. Bởi đây là quyền rất quan trọng để hạn chế sự bất cân xứng về thông tin của hành khách. Pháp luật của nhiều nước đã quy định vào thời điểm trước và trong suốt chuyến đi, hành khách được quyền thông tin về 3 nội dung cơ bản gồm: một là về các quyền của mình; hai là thông tin chi tiết về chuyến đi; ba là cách thức để thực hiện các quyền của mình. Thậm chí ở nhiều nước đã quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc công bố những thông tin chung về các đơn vị vận tải hành khách như tỷ lệ chậm chuyến, huỷ chuyến, tỷ lệ vi phạm luật lệ giao thông v.v… Dựa trên các thông tin này, hành khách có thể đánh giá, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ phù hợp.
Thực tế, ở nước ta thời gian vừa qua báo Tuổi trẻ đã nêu về việc các xe của nhà xe Thành Bưởi có số lần vượt quá giới hạn tốc độ khoảng 10.000 lần trên một tháng. Nếu thông tin này mà được công bố đến với hành khách một cách đầy đủ, kịp thời thì chắc chắn nhiều hành khách sẽ rất cân nhắc khi lựa chọn nhà xe này, hạn chế việc dẫn đến những hệ quả đáng tiếc.
Quyền thứ hai, tôi đề nghị bổ sung là quyền được bồi thường thiệt hại và thanh toán các chi phí phát sinh ngoài ý muốn trong chuyến đi. Nội dung quyền này yêu cầu đơn vị vận tải bồi thường các thiệt hại đối với hành khách khi bị chậm chuyến, huỷ chuyến v.v… bao gồm cả những hỗ trợ kịp thời khi xảy ra các sự kiện ngoài mong muốn. Đây cũng là quyền đã được đề cập tại Điều 527 của Bộ luật Dân sự nhưng chưa được quy định cụ thể và chi tiết hoá tại Luật Đường bộ.
Thứ ba, quyền được lựa chọn các hình thức thay thế khi bị chậm chuyến, huỷ chuyến. Theo đó, khi bị chậm chuyến trong một khoảng thời gian nhất định, hành khách có quyền được lựa chọn việc bố trí chuyến đi khác phù hợp hoặc được hoàn vé để lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ khác.
Ngoài ra thì còn những quyền khác của hành khách như quyền không bị phân biệt đối xử, quyền bảo mật thông tin, quyền được hỗ trợ kịp thời v.v… là những quyền cơ bản của hành khách, đã được pháp luật nhiều nước ghi nhận, cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu, bổ sung để bảo đảm quyền lợi của người dân khi tham gia làm hành khách của loại hình vận tải quan trọng này.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!