CÂN NHẮC VIỆC ĐƯA DỊCH VỤ BẢO QUẢN, VẬN CHUYỂN THUỐC VÀO PHẠM VI PHÂN PHỐI

31/12/2023 10:11

Đóng góp vào dự án Luật Dược (sửa đổi), các chuyên gia cho rằng, cần cân nhắc việc đưa dịch vụ bảo quản, dịch vụ vận chuyển thuốc vào phạm vi phân phối như dự án Luật. Ngoài ra, nên đặt ra tiêu chuẩn kỹ thuật cho việc vận chuyển mặt hàng đặc biệt là thuốc do có những điều kiện bảo quản riêng, chứ không đặt ra loại hình kinh doanh mới.

Ý KIẾN ĐÓNG GÓP CỦA CÁC CHUYÊN GIA XUNG QUANH NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA DỰ ÁN LUẬT DƯỢC (SỬA ĐỔI)

CHÍNH PHỦ THỐNG NHẤT VỚI ĐỀ XUẤT CỦA BỘ Y TẾ BỔ SUNG 2 CHÍNH SÁCH VỀ LUẬT DƯỢC

Luật Dược năm 2016 là cơ sở pháp lý cao nhất, là hành lang pháp lý giúp ngành dược phát triển, phục vụ an toàn, hiệu quả sức khỏe người dân. Tuy nhiên, sau gần 7 năm triển khai thực hiện Luật Dược đã cho thấy có một số quy định của Luật không còn phù hợp yêu cầu quản lý, gây ra một số vướng mắc, khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh dược, ảnh hưởng đến việc bảo đảm cung ứng thuốc, nhất là trong điều kiện cấp bách như phòng, chống dịch bệnh.

Để khắc phục những bất cập đó, Bộ Y tế đang được phân công chủ trì soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Dự án Luật đưa ra một số sửa đổi, bổ sung các quy định quan trọng liên quan đến đưa dịch vụ bảo quản, dịch vụ vận chuyển thuốc vào phạm vi phân phối, đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, chất lượng thuốc, quản lý giá thuốc, quy định về kinh doanh dược... Đây là các nội dung nhận được sự quan tâm của các Hiệp hội, chuyên gia tại Hội thảo góp ý hoàn thiện Luật dược do Bộ Y tế phối hợp với Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây.

Toàn cảnh Hội thảo Góp ý hoàn thiện Luật Dược do Bộ Y tế và Liên đoàn VCCI tổ chức.

Đề cập về việc đưa dịch vụ bảo quản, dịch vụ vận chuyển thuốc vào phạm vi phân phối, ông Nguyễn Văn Quynh- Vụ Khoa giáo - Văn xã, Văn phòng Chính phủ nêu quan điểm: Theo Tổ chức thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), Việt Nam chưa cam kết mở cửa thị trường phân phối dược phẩm, nhưng đã cam kết mở cửa cho các hoạt động đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực logistics.

Việc đưa dịch vụ bảo quản, dịch vụ vận chuyển thuốc vào phạm vi phân phối như dự án Luật là chưa có cơ sở pháp lý thuyết phục. Bởi thực tiễn có vẻ như quy định hiện hành tại điểm c K10 Điều 91 Nghị định 54 đã không được thực hiện trên thực tế. Doanh nghiệp vẫn tiếp tục kiến nghị. Điều quan trọng là, khó có thể quản lý (xác định và áp dụng chế độ quản lý) việc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bảo quản, vận chuyển thuốc, nguyên liệu làm thuốc của mình hay làm dịch vụ bảo quản, vận chuyển cho doanh nghiệp khác.

Ngoài ra, cần tính đến và đánh giá liệu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có lợi dụng việc mình được bảo quản, vận chuyển thuốc của mình để làm dịch vụ cho doanh nghiệp khác, và lợi dụng cả 2 việc này để tác động tiêu cực/gây bất lợi tới hoạt động phân phối thuốc nói chung và của các doanh nghiệp khác (tác động theo cách thức nào, ảnh hưởng tiêu cực gì đến hoạt động phân phối; có làm hạn chế việc tiếp cận thuốc của người dân và cơ sở y tế). Những nội dung này chưa thấy được cơ quan chức năng (Bộ Y tế) lý giải/thuyết minh rõ. Tại thời điểm này, chưa rõ cơ sở thực tiễn của việc hạn chế/không cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện dịch vụ bảo quản, vận chuyển thuốc.

Dự án Luật Dược (sửa đổi) đưa ra một số sửa đổi, bổ sung liên quan đến đưa dịch vụ bảo quản, vận chuyển thuốc (ảnh minh họa: Internet).

Theo ông Nguyễn Văn Quynh, cũng cần đánh giá kỹ lưỡng việc bảo hộ có tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, bảo đảm chủ động, tự chủ và kiểm soát được hoạt động phân phối thuốc. Hiện chưa thấy có căn cứ thực tiễn nào chứng tỏ rằng doanh nghiệp trong nước có thể đảm đương sứ mệnh này, đấy là chưa kể doanh nghiệp trong nước (với tư cách là 1 thực thể thương mại) hoàn toàn có thể bị doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài can thiệp, thậm chí chi phối thông qua rất nhiều hành vi (MA, cổ phần chi phối, người nước ngoài được thuê điều hành…). Vì vậy, việc đưa dịch vụ bảo quản, dịch vụ vận chuyển thuốc vào phạm vi phân phối như dự án Luật Dược (sửa đổi) là chưa có cơ sở thực tiễn.

Đề cập về dịch vụ vận chuyển thuốc, ông Nguyễn Thế Tin, Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam cho rằng, trong dự án Luật Dược đã bổ sung dịch vụ này là dịch vụ kinh doanh dược có điều kiện. Với lý do nêu trong dự thảo Tờ trình: vận chuyển thuốc là một khâu trong quá trình phân phối thuốc, đóng vai trò rất quan trọng, góp phần lưu thông thuốc trên thị trường, đáp ứng nhu cầu về thuốc của người dân. Đồng thời, việc vận chuyển thuốc là nhân tố rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thuốc, do thuốc là một hàng hóa đặc biệt mà việc bảo đảm điều kiện bảo quản theo quy định của nhà sản xuất trong quá trình vận chuyển đóng vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng thuốc.

Về vận chuyển thuốc, Thông tư 03/2018/TT-BYT ngày 09/02/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về Thực hành tốt phân phối thuốc, trong Phụ lục 1 của 2 Thông tư này đã quy định rõ: Vận chuyển là giai đoạn mà trong đó thuốc đang trong quá trình vận chuyển, lưu chuyển qua hoặc thông qua một đường dẫn hoặc đường đi để tới điểm tập kết cuối cùng. Phương tiện vận chuyển là xe tải, bán tải, xe buýt, mini buýt, xe hơi, rơ mooc, máy bay, tàu hỏa chở hàng, tàu thủy và các phương tiện khác dùng để vận chuyển thuốc.

Ông Nguyễn Thế Tin, Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam.

Ông Nguyễn Thế Tin bày tỏ băn khoăn là thuốc có thể được vận chuyển bằng cả máy bay, tàu hỏa, thuyền… như thực tiễn hiện nay. Vậy thì các phương tiện đó có nằm trong phạm vi điều chỉnh của dịch vụ vận chuyển thuốc hay thuốc chỉ vận chuyển bằng ô tô, xe máy?

Xét về tính hợp lý, để đạt được mục tiêu bảo đảm cung ứng thuốc nhanh chóng, an toàn, chỉ cần các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển hiện nay đáp ứng
GDP mà không cần thêm điều kiện kinh doanh, nên đặt ra tiêu chuẩn kỹ thuật cho việc vận chuyển mặt hàng đặc biệt là thuốc do có những điều kiện bảo quản riêng, chứ không đặt ra loại hình kinh doanh mới.

Với những quan điểm, đề xuất như trên, các chuyên gia kỳ vọng Ban soạn thảo dự án Luật Dược (sửa đổi) nên cân nhắc,tiếp tục nghiên cứu về việc đưa dịch vụ bảo quản, vận chuyển thuốc vào phạm vi phân phối, dịch vụ vận chuyển thuốc để dự án Luật đảm bảo chất lượng, đáp ứng được những yêu cầu, thay đổi từ đời sống thực tiễn./.

Bích Lan