THẢO LUẬN TỔ 17: QUY ĐỊNH NỘI DUNG CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐÃ CHÍN, ĐÃ RÕ, CÓ TÍNH KHẢ THI

17/01/2024 19:10

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, thảo luận tại Tổ 18 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Giang, Gia Lai, An Giang về Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu chỉ quy định những nội dung đã chín, đã rõ, tính khả thi cao, bảo đảm việc quy định một cách tường minh các cơ chế, chính sách đặc thù.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 16/01: CHÍNH PHỦ TRÌNH QUỐC HỘI DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu đều khẳng định sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân nguồn vốn; nâng cao hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn khi theo báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân cho thấy còn có những chính sách chưa rõ tính khả thi, cơ quan trình là Chính phủ còn phân vân giữa các phương án.

Thảo luận tại Tổ 18 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Giang, Gia Lai, An Giang

Theo báo cáo thẩm tra, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội thống nhất cao về tính khả thi, phù hợp của 04 chính sách gồm: Về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm; Về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn hằng năm; Về ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất; Về giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hằng năm đối với dự án đầu tư xây dựng có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp.

Đối với 04 chính sách còn lại gồm: Về sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động phát triển sản xuất; Về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; Về ủy thác vốn cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội; Về giải pháp cơ chế, thí điểm phân cấp cho cấp huyện thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Hội đồng Dân tộc đề nghị Quốc hội thảo luận làm rõ tính khả thi, phù hợp của các chính sách này.

Đại biểu Lê Hoàng Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai phát biểu

Phát biểu tại Tổ, đại biểu Lê Hoàng Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai cho rằng đối với những chính sách đã rõ, thực tiễn đã kiểm nghiệm, có tính khả thi thì mới ban hành. Nếu không thì Chính phủ tiếp tục nghiên cứu. Bởi thời gian thực hiện các chương trình còn rất ngắn, còn không đến 2 năm nên có những chính sách có ban hành thì cũng không thực hiện được trong giai đoạn này, đại biểu nêu rõ.

Đại biểu Lê Hoàng Anh nhấn mạnh, các chính sách dù có đặc thù hay thí điểm đều phải tường minh, đặc biệt là phải có thời điểm kết thúc. Do đó, đại biểu đề nghị những nội dung nào đã rõ, đã chín, tính khả thi cao thì quy định ban hành. Còn những chính sách tính khả thi không cao và Chính phủ cũng không dám khẳng định về tính khả thi thì cần hết sức cân nhắc về việc ban hành.

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang phát biểu

Phân tích nội dung chính sách, đại biểu Hoàng Hữu Chiến – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang nêu rõ, cơ chế phân cấp, phân quyền là rất cần thiết tuy nhiên quy định trong dự thảo Nghị quyết vẫn còn có những băn khoăn bởi nếu phân cấp ngay cho cấp huyện thí điểm thực hiện cũng sẽ có những vướng mắc nhất định. Đại biểu nêu vấn đề, các dự án hiện đang triển khai, có các Ban quản lý dự án, có bộ máy đang làm dở lại chuyển đổi liệu có hiệu quả, phát sinh vấn đề thanh tra, kiểm toán; cùng với đó là năng lực của cấp huyện nhất là tại khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa có đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ được phân cấp,  trong điều kiện mà biên chế tổ chức hạn chế như hiện nay.

Đại biểu Đinh Ngọc Quý – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai nêu rõ yêu cầu đặt ra là giải quyết những vướng mắc rõ ràng về mặt thực tế và cả về mặt pháp lý của giai đoạn đến năm 2025, không dùng nghị quyết này kéo dài cho đến giai đoạn sau. Do đó, cần xác định những nội dung ưu tiên, những nội dung bảo đảm tính khả thi, cơ chế đặc thù để gỡ vướng phải làm được ngay và ít hướng dẫn nhất. Và vì vậy dự thảo nghị quyết không thể quy định áp dụng đến khi ban hành quy định mới, mà phải quy định rõ thời hạn thực hiện của giai đoạn đến hết năm 2025 (31/12/2025) để bảo đảm mạch lạc hơn.

Đại biểu Đinh Ngọc Quý – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai phát biểu

Góp ý vào nội dung cụ thể, đại biểu Đinh Ngọc Quý cho rằng khoản 2 Điều 4 quy định về điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước nhưng giữa các dự án nằm trong danh mục và đầu tư công trung hạn và trong cùng chương trình mục tiêu quốc gia, là không rõ, chưa rõ về cả tiêu chí rõ. Theo đại biểu Đinh Ngọc Quý, cần phải xác định nguyên tắc khi điều chuyển vốn kể cả trong cùng chương trình phải đảm bảo thực hiện hết các mục tiêu của nội dung mà ta muốn chuyển. Đồng thời cần phải xác định rõ hơn tiêu chí để các địa phương khi ban hành được phép triển khai, làm được ngay.

Đồng tình với ý kiến của các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu về tính tường minh của chính sách, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai làm rõ thêm có những chính sách đã có đánh giá tác động, có những chính sách được kế thừa kinh nghiệm thực tiễn. Cả 8 chính sách được đề xuất trong dự thảo nghị quyết lần này là mong muốn của cả Chính phủ và cơ quan thẩm tra về việc tháo gỡ những vướng mắc.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai phát biểu

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết cơ quan thẩm tra sẽ cùng với cơ quan của Chính phủ tiếp tục bàn thảo kỹ hơn để bảo đảm tường minh hơn các chính sách, quy định cụ thể các quy trình để áp dụng theo nghị quyết này, không phải dẫn chiếu nhiều văn bản khác. Cùng với đó, tại các địa phương khi thực hiện chương trình còn giao nhiệm vụ đến chủ đầu tư là cấp xã, do đó, cũng đặt vấn đề huyện phải hướng dẫn về mặt tư vấn kỹ thuật hoặc tư vấn giám sát để giúp cho xã thực hiện.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng chia sẻ những nội dung còn hai phương án khác nhau cũng là băn khoăn của cơ quan thẩm tra, do đó, mong muốn các đại biểu Quốc hội từ thực tiễn địa phương để cho ý kiến mạnh dạn lựa chọn nội dung có thể làm được bởi nếu không làm thì không rút được kinh nghiệm, không có cơ sở để định hình, thiết kế các chương trình của giai đoạn sau.

Một số hình ảnh tại phiên thảo luận Tổ 17:

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái điều hành phiên thảo luận Tổ 18

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang phát biểu

Đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai phát biểu

Đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang phát biểu

Đại biểu Đinh Ngọc Quý - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai phát biểu

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Các đại biểu thảo luận tại Tổ 18.

Bảo Yến

Other news