ĐOÀN ĐBQH TỈNH KON TUM GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP TẠI SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

26/02/2024 19:02

Ngày 26/2, Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum do Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Đình Thanh làm Trưởng đoàn tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023 tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

ĐOÀN ĐBQH TỈNH KON TUM GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP TẠI HUYỆN ĐĂK HÀ

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, đến nay, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở là 29 đơn vị, so với năm 2015 giảm 9 đơn vị; so với năm 2021 giảm 2 đơn vị. Trong đó, có 13 đơn vị tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên; 16 đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên.

Về biên chế, tính đến hết ngày 31/12/2023, có 1.683 người, so với năm 2015 số biên chế tăng 68 người, so với năm 2021 số biên chế tăng 2 người. Trong đó, biên chế có 1.563 người; hợp đồng có 120 người.

Hiện nay, trong 29 đơn vị sự nghiệp công lập này, Sở GD&ĐT đang tiếp tục rà soát, triển khai quy trình, hồ sơ xây dựng, tổ chức lại 4 đơn vị sự nghiệp công lập thành trường liên cấp Trung học cơ sở  - Trung học phổ thông.

Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca Phạm Thị Hồng Thương kiến nghị về thời điểm thi tuyển giáo viên. Ảnh: TL

Những năm qua, Sở GD&ĐT đã sử dụng, quản lý biên chế sự nghiệp và lao động hợp đồng theo đúng quy định của Luật Viên chức và các quy định có liên quan. Công tác tuyển dụng viên chức theo nguyên tắc cạnh tranh, khách quan, công khai, đúng quy định. Chất lượng của đội ngũ viên chức của ngành đã từng bước được nâng cao, có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Hằng năm, các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm việc đánh giá, phân loại viên chức theo quy định để đưa vào diện tinh giản theo quy định.

Tuy vậy, quy mô trường lớp đa phần nhỏ lẻ, phát sinh định mức giáo viên cao so với số lượng học sinh hiện có. Số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở GD&ĐT tự đảm bảo chi thường xuyên không có, khả năng thực hiện xã hội hóa một số dịch vụ rất khó khăn. Hiện nay, chỉ tiêu giảm 10% biên chế cho tất cả các cơ quan, đơn vị thuộc các lĩnh vực là chưa phù hợp, vì tỷ lệ biên chế giao so với định mức còn thiếu nhiều.

Nguyên nhân chính là do điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn khó khăn, địa bàn rộng, dân cư phân tán; quy mô trường lớp đa phần nhỏ lẻ; đời sống người dân còn thấp; tỷ lệ người đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ cao; việc xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công trên địa bàn tỉnh còn khó khăn. Mặt khác, Trung ương chưa có văn bản quy định việc chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục từ công lập ra ngoài công lập, thậm chí còn có sự chồng chéo giữa các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành nên ngành GD&ĐT tỉnh đang gặp những khó khăn trong việc phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh trong triển khai thực hiện.

Để thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Sở GD&ĐT đề nghị cấp có thẩm quyền cần quan tâm rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, bảo đảm khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ, khả thi nhằm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và các chủ trương của Đảng có liên quan, nhất là về tổ chức bộ máy, tiêu chí và điều kiện sắp xếp, nhân lực và cơ cấu đội ngũ, chế độ, chính sách, chú trọng chính sách thu hút nhân tài, người có chuyên môn nghiệp vụ giỏi; đẩy mạnh việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm hoàn toàn về chi thường xuyên, tự chủ một phần chi đầu tư, hạch toán như doanh nghiệp phù hợp điều kiện cụ thể của đơn vị, địa phương; đảm bảo theo hướng công khai, minh bạch, khách quan, công bằng, dân chủ và tính cạnh tranh trong tuyển dụng, tuyển chọn cán bộ.

Đồng chí Phạm Đình Thanh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TL

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum Phạm Đình Thanh ghi nhận những nỗ lực của ngành GD&ĐT trong công tác tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh.

Qua đó, đồng chí thông tin thêm về những cơ chế, chính sách do Quốc hội đã ban hành trong thời gian gần đây để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, trong đó có cơ chế, chính sách đặc thù cho học sinh bán trú; chế độ cho các thôn đặc biệt khó khăn; về chế độ đặc biệt cho các xã biên giới, trong đó có giáo viên... Đồng thời, đồng chí đề nghị Sở GD&ĐT đánh giá rõ hơn nữa những kết quả đạt được trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra. Đối với việc hình thành các trường phổ thông nhiều lớp học phải phù hợp và tạo thuận lợi hơn cho người dân và học sinh.

(Theo Báo điện tử Kon Tum)