ĐOÀN ĐBQH TỈNH HẬU GIANG GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ TẠI UBND TỈNH

26/02/2024 19:07

Sáng 26/2, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hậu Giang do bà Lê Thị Thanh Lam, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh, làm Trưởng đoàn, có buổi làm việc với UBND tỉnh về giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) giai đoạn 2018 – 2023”. Ông Trương Cảnh Tuyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, tiếp và làm việc với Đoàn giám sát.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH HẬU GIANG: TIẾP TỤC TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ CÁC MẶT CÔNG TÁC BÁM SÁT HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI, PHÙ HỢP VỚI THỰC TIỄN ĐỊA PHƯƠNG

Ông Trương Cảnh Tuyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại buổi giám sát.

Thay mặt UBND tỉnh Hậu Giang báo cáo kết quả thực hiện với Đoàn, lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết các văn bản cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL được tỉnh ban hành kịp thời, cụ thể hóa từng nội dung công việc, giao cho từng cơ quan, tổ chức thực hiện và thời gian hoàn thành cụ thể.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, đôn đốc các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện trong quá trình triển khai thực hiện, xây dựng đề án sắp xếp cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; sắp xếp, bố trí viên chức phù hợp vị trí việc làm, giảm cấp phó, gắn với tinh giản biên chế đảm bảo theo quy định.

Các ĐVSNCL được sắp xếp, tổ chức lại tinh giản đầu mối và biên chế, tăng tính tự chủ, công khai, minh bạch; phát huy được vai trò chủ đạo, nâng cao chất lượng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của Nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả thực hiện chủ trương xã hội hóa đã góp phần tăng thêm nguồn lực, giảm áp lực cho các ĐVSNCL, từng bước hình thành thị trường dịch vụ sự nghiệp công lành mạnh.

Tuy nhiên, trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế còn cơ học, chưa gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức. Hiệu quả hoạt động của nhiều ĐVSNCL sau sắp xếp chưa đáp ứng yêu cầu. Một số cơ quan, đơn vị thiếu quan tâm, sâu sát dẫn đến chậm tiến độ. Việc bố trí biên chế viên chức một số đơn vị chưa đảm bảo quy định; việc bố trí số lượng cấp phó đơn vị sự nghiệp còn vượt số lượng theo quy định. Việc tăng mức độ tự chủ, giảm chi từ ngân sách nhà nước đối với ĐVSNCL còn hạn chế.

Mặt khác, tỉnh đã đẩy mạnh việc sắp xếp, cơ cấu lại ĐVSNCL theo Nghị quyết số 19 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (mục tiêu là đến năm 2021 giảm 10% so với năm 2017). Tuy nhiên, việc thực hiện giảm số lượng đơn vị sự nghiệp chưa đạt mục tiêu đề ra, chỉ đạt 8,23%. Tỉnh đang tiếp tục rà soát, thực hiện sắp xếp các ĐVSNCL theo đề án đã được phê duyệt và thực tiễn địa phương; phấn đấu đến năm 2025 tiếp tục giảm 10% ĐVSNCL so với năm 2021.

Phát biểu trao đổi với Đoàn giám sát, ông Trương Cảnh Tuyên nhấn mạnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quyết liệt chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL. Nhờ đó, nhiều chỉ tiêu được thực hiện đạt kết quả cơ bản. Mặc dù vậy, chất lượng chuyển đổi của một số ĐVSNCL chưa đáp ứng yêu cầu; việc thực hiện tự chủ tài chính của ĐVSNCL còn khó khăn; hoạt động của một số công ty cổ phần được chuyển đổi từ ĐVSNCL chưa hiệu quả.

Bà Lê Thị Thanh Lam, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang phát biểu tại buổi giám sát.

Từ thực tế đó, thời gian tới, UBND tỉnh Hậu Giang tiếp tục chỉ đạo việc rà soát, sắp xếp lại các ĐVSNCL; có lộ trình thực hiện tự chủ tài chính đối với ĐVSNCL; chỉ đạo rà soát, đánh giá lại hoạt động của các công ty cổ phần để có biện pháp tháo gỡ khó khăn còn gặp phải…

Phát biểu kết thúc buổi giám sát, bà Lê Thị Thanh Lam đánh giá cao sự quyết liệt, quyết tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang trong chỉ đạo thực hiện. Hướng tới, UBND tỉnh cần chỉ đạo giải quyết các vấn đề tồn tại, hạn chế thuộc thẩm quyền; đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Trung ương thì Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp và kiến nghị. Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị chậm nhất đến ngày 29/2, cơ quan chuyên môn của tỉnh phải bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo để Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp gửi về Quốc hội.

(Theo Báo điện tử Hậu Giang)