ĐOÀN ĐBQH TP HÀ NỘI GIÁM SÁT VIỆC NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

26/02/2024 19:14

Chiều 26/2, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã thực hiện giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc TP Hà Nội giai đoạn 2018-2023".

HÀ NỘI: ĐA DẠNG HÌNH THỨC TIẾP XÚC GIỮA ĐBQH VỚI CỬ TRI

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại buổi làm việc

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì hội nghị.

Đoàn giám sát đã làm việc với Sở Nội Vụ, UBND quận Ba Đình, UBND huyện Chương Mỹ và các sở, ngành liên quan của TP.

Hà Nội đi đầu cả nước về thực hiện Đề án vị trí việc làm

Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Liễu cho biết, từ năm 2017- 2020, UBND TP Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước về triển khai thực hiện Đề án vị trí việc làm đối với các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý. UBND TP đã ban hành các Quyết định phê duyệt đề án vị trí việc làm cho toàn bộ các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP, các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Thị Liễu báo cáo tại buổi giám sát

Về định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước, từ năm 2018 đến nay, TP đã ban hành được 16 định mức kinh tế kỹ thuật, 23 đơn giá, trong đó, nổi bật là công tác tham mưu trình HĐND TP ban hành Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 quy định giá dịch vụ giáo dục tạm thời để thực hiện thí điểm đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập sử dụng ngân sách nhà nước của TP Hà Nội, dự kiến ban hành giá dịch vụ giáo dục chính thức và thực hiện từ năm học 2024-2025. Sau khi thực hiện cơ chế này, các cơ sở giáo dục sẽ nâng mức tự chủ, tiến tới tự chủ chi thường xuyên.

Đối với kết quả sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, trong giai đoạn từ 2015 đến năm 2021, TP đã sắp xếp giảm 280 đơn vị sự nghiệp (tỷ lệ giảm 10,1%) - không bao gồm các trường THPT, THCS, Tiểu học, Mầm non thành lập mới theo quy hoạch mạng lưới trường học), vượt chỉ tiêu theo yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW. Với các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả, TP chủ trương giải thể hoặc sáp nhập vào các đơn vị sự nghiệp công lập khác có chức năng, nhiệm vụ tương đồng.

Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Cồ Như Dũng báo cáo tại buổi giám sát

Nhìn chung, các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đã chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện khoa học, bài bản, đồng bộ, đảm bảo đúng quy định; ban hành hệ thống các văn bản quản lý, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể.

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ, để đẩy mạnh tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, TP đã chủ động xây dựng cơ chế đặc thù khuyến khích đối tượng nghỉ tự nguyện tinh giản biên chế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét. Nhờ đó, công tác tinh giản biên chế đã có sự chuyển biến rõ nét, tính đến hết năm 2023, TP đã giải quyết nghỉ tinh giản biên chế đối với 2.055 trường hợp.

Trong lĩnh vực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, TP Hà Nội đã phân cấp thẩm quyền trong tuyển dụng viên chức nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng trong công tác tuyển dụng, gắn thẩm quyền tuyển dụng với thẩm quyền sử dụng viên chức và theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng. Cùng với đó, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô. Trong giai đoạn 2016-2021, TP đã thu hút được 12 viên chức là thủ khoa xuất sắc, 14 viên chức là bác sỹ nội trú, 77 viên chức là vận động viên, văn nghệ sỹ đoạt huy chương vàng hoặc giải nhất tại các kỳ thi chuyên nghiệp quốc gia, huy chương vàng, huy chương bạc hoặc giải nhất, nhì tại các cuộc thi khu vực hoặc thế giới...

Quang cảnh buổi giám sát chiều 26/2

Về kết quả thực hiện tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập tính đến hết ngày 31/12/2023 đã có tổng số 2.621 đơn vị được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Cơ chế tự chủ tạo điều kiện cho đơn vị sự nghiệp thực hiện việc kiểm soát chi tiêu nội bộ, phát huy tính dân chủ, chủ động, sáng tạo của người lao động; nâng cao kỹ năng quản lý, chất lượng hoạt động sự nghiệp; yêu cầu về công khai, minh bạch trong tổ chức sắp xếp công việc, nhân sự, chi tiêu tài chính được thực hiện; tạo không khí đoàn kết, phấn khởi trong đơn vị.

Chỉ rõ nguyên nhân chậm ban hành định mức đơn giá

Từ những kết quả thực hiện các chính sách trong thời gian qua, UBND TP đề nghị Chính phủ phân cấp để UBND TP được thành lập, tổ chức lại, giải thể đối với “Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh”; Đề nghị Bộ LĐ-TB&XH phân cấp để UBND TP được thành lập, sáp nhập, chia, tách đối với các trường cao đẳng nghề thuộc UBND TP.

Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu tham mưu Chính phủ điều chỉnh lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Hướng dẫn việc xác định phần kinh phí ngân sách hỗ trợ do nguồn thu phí được để lại chi theo quy định không bảo đảm đủ chi thường xuyên (đặc biệt là các loại phí thuộc thẩm quyền của Trung ương).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy nêu ý kiến tại buổi làm việc

Đề nghị Bộ GD-ĐT ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết về danh mục dịch vụ công sử dụng ngân sách trong lĩnh vực GD-ĐT; quy trình, nội dung các bước trong việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, định mức.

Tại buổi giám sát, đại diện lãnh đạo UBND quận Ba Đình và UBND huyện Chương Mỹ kiến nghị cần sớm ban hành các văn bản quy định về quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập - nhất là đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ; chỉ đạo các Bộ, ngành ban hành theo thẩm quyền hoặc sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong các lĩnh vực dịch vụ công do Nhà nước quản lý; tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công... Đồng thời, để các đơn vị sự ngiệp công lập sớm chuyển sang tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư cần ban hành các cơ chế chính sách về giá dịch vụ để làm cơ sở, hành lang pháp lý cho các đơn vị chuyển đổi sang tự chủ, qua đó giảm biên chế viên chức hưởng hương từ ngân sách.

Sau khi nghe báo cáo, các đại biểu đề nghị làm rõ một số vấn đề như: Phân định rõ đơn vị sự nghiệp công lập và đơn vị hành chính để bảo đảm hiệu quả công tác quản lý; triển khai tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập; việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước; vấn đề thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập…

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu tại buổi giám sát

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Phạm Thị Thanh Mai bày tỏ thống nhất nhận định Hà Nội triển khai nghị quyết của Trung ương và Chính phủ quyết liệt, bài bản, có lộ trình, thể hiện bằng các kế hoạch, đề án. Hà Nội được đánh giá đã đạt được kết quả đáng ghi nhận trong lĩnh vực này với cách làm linh hoạt, sáng tạo.

Đối với những tồn tại, hạn chế đã nêu như kết quả đạt được giữa các đơn vị, địa phương chưa đồng đều, có nơi làm tốt, có nơi làm cầm chừng, một số đơn vị làm chưa thực sự hiệu quả. Với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa hoàn thành đơn vị tự chủ cần chỉ rõ nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan do định mức đơn giá chưa ban hành, Trưởng Đoàn giám sát đề nghị các đơn vị cần chỉ rõ nguyên nhân chậm theo thẩm quyền của TP  và thẩm quyền của các Bộ, ngành. Đồng thời, đề nghị Sở Nội vụ tham mưu hoàn thiện báo cáo; tổng hợp riêng thành một biểu về những vấn đề chưa có chủ trương thống nhất gửi tới Đoàn giám sát. 

(Theo Báo Kinh tế và Đô thị)