ĐBQH TRẦN THỊ HOA RY: LÀM RÕ CƠ CHẾ ĐÓNG – HƯỞNG, QUẢN LÝ KHI MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI BẮT BUỘC

31/03/2024 14:42

Cho ý kiến đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh yêu cầu quan triệt Nghị quyết 28-NQ/TW, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động và có sự quản lý, hỗ trợ của Nhà nước khi người lao động gặp khó khăn.

HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH LẦN THỨ 5, NHIỆM KỲ KHÓA XV CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI)

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 Quốc hội khóa XV thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Cơ bản nhất trí với nhiều nội dung báo cáo và dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry đánh giá cao sự nỗ lực của Ban soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã cố gắng hoàn thiện dự thảo Luật. Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý đã nhiều lần xin ý kiến Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội để hoàn thiện từng bước dự thảo Luật.

Góp ý đối về quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tự nguyện, đại biểu bày tỏ thống nhất với việc mở rộng đối tượng này. Tuy nhiên, đối với việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Điều 3 dự thảo Luật bao gồm: cán bộ hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; Đại diện người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương; Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh; chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; doanh nghiệp và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thể hiện định hướng từng bước mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện.

Đại biểu cho biết trong quá trình thẩm tra, đã nhiều lần đề cập đó là đối với đối tượng tại điểm a, điểm i, điểm l, điểm k và m là người lao động không xác định thời hạn, người lao động hoạt động bán chuyên trách ở xã, thôn, tổ dân phố, chủ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên và người đại diện phần vốn doanh nghiệp tại công ty mẹ và quản lý, điều hành hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã không hưởng tiền lương, v.v.. Đối với đối tượng, đại biểu Trần Thị Hoa Ry đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục làm rõ và trả lời ba vấn đề.

Thứ nhất, quán triệt Nghị quyết 28-NQ/TW là mở rộng đối tượng thì việc quy địn mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội là cần thiết. Tuy nhiên để đưa vào điều luật và phù hợp với thực tiễn cần tham vấn đối tượng này để xem khả năng đóng góp và sự tham gia của họ đến mức độ nào.

Thứ hai là đối với lực lượng không chuyên trách thì cơ quan nào chịu trách nhiệm nộp bảo hiểm. Vấn đề này chưa được thể hiện trong dự thảo Luật. Hơn nữa đối với đơn vị nộp bảo hiểm, người sử dụng lao động nộp bảo hiểm thì trong Luật cũng chưa thể hiện vấn đề này. Mặt khác, căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đối với người tham gia bảo hiểm bắt buộc là căn cứ trên tiền lương, trong khi đó đối với cán bộ không chuyên trách thì chúng ta chỉ được hưởng mức phụ cấp thì cơ chế đóng, hưởng như thế nào?

Thứ ba, để thể chế quan điểm, chủ trương của Đảng trong thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW về mở rộng đối tượng bảo hiểm xã hội thì một số chính sách cần thiết phải hỗ trợ từ ngân sách, ví dụ như trợ cấp hưu trí xã hội, trợ cấp thai sản đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đối với những đối tượng không chuyên trách, v.v.. Tuy nhiên, đánh giá tác động liên quan ngân sách khi thực hiện luật như về khoản chi trả và liệu ngân sách có đảm bảo hay không thì đến nay vẫn chưa trả lời.

Do đó, đại biểu Trần Thị Hoa Ry đề nghị có báo cáo làm rõ những vấn đề nêu trên.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu

Liên quan đến bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu nêu rõ đây là vấn đề khó và phức tạp. Hiện nay còn 2 phương án.

Phương án 1: Người lao động được chia làm hai nhóm:

Nhóm 1 tiếp tục được áp dụng hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động: Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 01/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Khác với quy định hiện hành là, dự thảo Luật có quy định quyền lợi bổ sung nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Nhóm 2: Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định này.

Phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry bày tỏ đồng tình với phương án 2, đồng thời bày tỏ mong muốn có được phương án tối ưu để giữ chân người lao động trong hệ thống bảo hiểm xã hội.

Đại biểu phân tích về việc không lựa chọn phương án 1 bởi phương án 1 thể hiện ở trong dự thảo Luật tạo ra 2 lát cắt giữa đối tượng tham gia trước và sau khi Luật này có hiệu lực trong cùng một điều khoản quy định. Theo đó khoảng 7 triệu lao động, chiếm khoảng trên 38% lao động theo số liệu báo cáo hiện nay, trong số đó có thời gian đóng dưới 20 năm. Chúng ta không lấy gì đảm bảo rằng đối với đối tượng này, họ sẽ không tiếp tục rút bảo hiểm xã hội một lần. Còn người bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ sau ngày 01/7/2025 thì lại không được nhận bảo hiểm xã hội một lần, trừ những quy định tại Điều 60 của dự thảo Luật, đại biểu nêu rõ.

Theo đại biểu Trần Thị Hoa Ry, cần quán triệt theo Nghị quyết 28-NQ/TW, trong đó có nội dung: “Cần có quy định phù hợp để giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi, bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng bảo hiểm hưu trí và giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần”. Nếu tiếp cận theo phương án này thì phương án 2 quán triệt sát hơn với chủ trương của Nghị quyết 28-NQ/TW.

Đại biểu cũng lưu ý, nếu không phân tích rõ nguyên nhân của việc rút bảo hiểm một lần thì thể hiện trong từng điều khoản chính sách cũng chưa đáp ứng được với mong muốn và tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động. Thực tiễn đã cho thấy, rút bảo hiểm xã hội một lần nhiều nhất là giai đoạn xảy ra dịch COVID-19, điều đó chứng tỏ người lao động phần lớn rút bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu giải quyết những vấn đề trong cuộc sống trước mắt. Nếu đây là nguyên nhân chính thì cần giữ chân người lao động theo hướng, nên giải quyết cho rút 50%, kèm theo đó nên cho vay trong hệ thống ngân hàng chính sách để tiếp tục hỗ trợ khi họ có điều kiện. Điều này vừa giữ chân người lao động tham gia được trong hệ thống bảo hiểm xã hội, đồng thời giải quyết được vấn đề khó khăn về kinh tế cho người lao động.

Nhấn mạnh, bên cạnh những quyền lợi chính đáng của người lao động cũng cần có sự quản lý của Nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện khi người lao động gặp khó khăn; đại biểu đề nghị cần phải tiếp tục hoàn thiện quy định của dự thảo Luật theo hướng có hệ thống cho vay và hỗ trợ thêm đối với ngân hàng chính sách sẽ phù hợp hơn.

Ngoài ra, đại biểu Trần Thị Hoa Ry cũng đề nghị cân nhắc thời điểm thông qua Luật. Đại biểu làm rõ, vấn đề băn khoăn nhất là cải cách chính sách tiền lương đến thời điểm hiện nay chưa hoàn thiện, trong khi thời hạn thực hiện là từ 1/7/2024. Nếu ban hành chính sách cải cách tiền lương thì rất khó trong việc tính toán về cơ chế trong bảo hiểm xã hội. Trong khi, đây là dự án luật rất phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau. Hiện nay trong phương án tiếp thu, giải trình của Chính phủ chưa chọn phương án nào chính thức để trình tại Kỳ họp thứ 7 tới. Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc thời điểm thông qua luật. Nếu nội dung, chất lượng chưa đảm bảo thì rời sang kỳ họp sau để có nhiều thời gian hơn để đánh giá về tác động cũng như xem xét từng điều khoản cho chặt chẽ hơn, đặc biệt những chính sách lớn trong thể chế Nghị quyết 28-NQ/TW./.

Bảo Yến

Other news