CHUẨN BỊ THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT DI SẢN VĂN HÓA (SỬA ĐỔI)
Toàn cảnh Phiên họp
Tham dự Phiên họp có các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cùng các thành viên của Bộ; đại diện một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện một số bộ, ngành Trung ương.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ cho ý kiến đối với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Mục tiêu của việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa nhằm thể chế các quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập, hạn chế trong quy định của luật và thực tiễn công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; thể hiện rõ việc tăng cường đầu tư, huy động nguồn lực xã hội, phân cấp phân quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ hội nhập, phát triển trong tình hình mới.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chủ trì Phiên họp
Để phục vụ việc thẩm tra dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tổ chức khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về di sản văn hóa tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; họp tổ thẩm tra; họp tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện Luật và các nội dung của dự án Luật. Thường trực Ủy ban cũng đã gửi hồ sơ dự án Luật xin ý kiến phối hợp thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, VCCI và một số chuyên gia. Với mong muốn nâng cao hơn nữa chất lượng cũng như tính khả thi của Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết hôm nay, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ đối với hồ sơ dự án Luật này.
Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 02/6/2023 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Chính phủ đã xây dựng dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định về các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân trong hoạt động bảo vệ đối với di sản văn hóa ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Di sản văn hóa quy định tại Luật này bao gồm di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể và di sản tư liệu, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng
Bố cục của dự thảo gồm 09 chương 102 điều, tăng 02 chương 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành (07 chương 73 điều), cụ thể: Chương I. Những quy định chung, gồm 08 điều (từ Điều 1 đến Điều 8); Chương II. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, gồm 11 điều (từ Điều 9 đến Điều 19); Chương III. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, gồm 30 điều (từ Điều 20 đến Điều 49); Chương IV. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu gồm 11 điều (từ Điều 50 đến Điều 60); Chương V. Bảo tàng, gồm 14 điều (từ Điều 61 đến Điều 74); Chương VI. Hoạt động kinh doanh, dịch vụ di sản văn hóa, gồm 04 Điều (từ Điều 75 đến Điều 78); Chương VII. Điều kiện đảm bảo hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, gồm 12 điều (từ Điều 79 đến Điều 90); Chương VIII. Quản lý nhà nước về di sản văn hóa, gồm 09 điều (từ Điều 91 đến 99); Chương IX. Điều khoản thi hành, gồm 03 điều (từ Điều 100 đến Điều 102).
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 03 nội dung chính trong các chính sách đã được thông qua, bao gồm: Chính sách 1 về hoàn thiện các quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục kiểm kê, nhận diện, ghi danh, biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể (di tích; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia), di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu và hoạt động bảo tàng; Chính sách 2 về nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của các cơ quan trực tiếp quản lý di sản, tăng cường nội dung, trách nhiệm, cơ chế thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ Trung ương đến địa phương; Chính sách 3 về tăng cường nội dung, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Các đại biểu tại Phiên họp
Qua thảo luận, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật như được nêu tại Tờ trình số 119/TTr-CP ngày 29/03/2024 của Chính phủ. Việc sửa đổi Luật này cũng là nhiệm vụ lập pháp đã được xác định tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, đầy đủ tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung dự thảo Luật cơ bản thống nhất với các chính sách được đề xuất khi đưa dự án Luật vào Chương trình. Đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát 35 nội dung giao quy định chi tiết (20 điều khoản giao cho Chính phủ và 15 điều khoản giao cho Bộ trưởng quy định chi tiết), bảo đảm yêu cầu luật hóa tối đa các nội dung đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả trên thực tế.
Bên cạnh đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu để nội luật hóa đầy đủ nguyên tắc, quy định, hướng dẫn của UNESCO về đối tượng, loại hình, tên gọi các loại hình di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cộng đồng, cá nhân đối với di sản văn hóa... Đồng thời, tiếp tục rà soát kỹ các quy định của dự thảo Luật liên quan đến các luật khác để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật...
Ngoài ra, các ý kiến tại Phiên họp cũng bày tỏ thống nhất với tính cấp thiết của việc sửa đổi Luật và cho rằng, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là hết sức cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Để hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu cũng góp ý cho rằng, cơ quan soạn thảo cần đưa ra thêm những lý lẽ đối với những quy định cấm; quan tâm, đánh giá thêm về nội dung liên quan đến việc số hóa; bổ sung, giải thích các khái niệm thuật ngữ chính xác hơn; rà soát quy định ngay trong Luật các nội dung đã đã rõ để đảm bảo Luật có hiệu lực trực tiếp...
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu kết luận
Phát biểu kết luận tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, hồ sơ dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu từ rất sớm, đủ chất lượng để có thể báo cáo trình ra Quốc hội. Để đảm bảo tính chặt chẽ, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục lắng nghe các ý kiến để hoàn thiện; đặc biệt rà soát thật kỹ nội dung về 03 nhóm chính sách lớn. Bên cạnh đó, nghiên cứu, rà soát thêm các nội dung đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); nguồn nhân lực về tài chính; sở lữu của một số di tích giao tư nhân quản lý…
Nhấn mạnh dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là một dự án Luật lớn, liên quan đến rất nhiều các luật khác, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh lưu ý, cơ quan soạn thảo trong quá trình hoàn thiện dự án Luật, cần đối chiếu, rà soát thật kỹ các nội dung có liên quan để tránh chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Một số hình ảnh tại Phiên họp:
Toàn cảnh Phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu khai mạc
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ
Các đại biểu phát biểu tại Phiên họp
Các đại biểu tại Phiên họp
Phát biểu kết luận tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, hồ sơ dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu từ rất sớm, đủ chất lượng để có thể báo cáo trình ra Quốc hội
Nhấn mạnh dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là một dự án Luật lớn, liên quan đến rất nhiều các luật khác, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh lưu ý, cơ quan soạn thảo trong quá trình hoàn thiện dự án Luật, cần đối chiếu, rà soát thật kỹ các nội dung có liên quan để tránh chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật